Non kém về pháp luật bỏ thầu cao lại trượt

Cập nhật 08/04/2009 08:50

Khu "tam giác vàng" tại quận 1 TP Hồ Chí Minh nằm trên giao lộ đường Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học, có diện tích 13.110m2. Do nằm sát chợ Bến Thành, nên khu đất này được chính quyền TP quy hoạch chọn để xây dựng dự án cao cấp gồm các tổ hợp thương mại, dịch vụ văn phòng, khách sạn và tài chính… với những tòa nhà cao đến 55 tầng.

Tháng 7-2007, UBND TP giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư xây dựng dự án. Cuối cùng, có 2 nhà thầu là liên danh Khánh Gia và liên danh Thái Sơn tham gia đấu thầu. Theo kết quả chấm thầu, liên danh Khánh Gia đưa ra giá dự thầu 7.148 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư là 6.752 tỷ, hỗ trợ ngân sách thành phố 360 tỷ, hỗ trợ quỹ phúc lợi quận 1 là 36 tỷ. Liên danh Thái Sơn tuy có giá dự thầu 6.818 tỷ đồng, trong đó tổng mức đầu tư 4.918 tỷ đồng, hỗ trợ ngân sách thành phố 1.900 tỷ lại được chấm trúng thầu (!?). Ngay lập tức, Khánh Gia khiếu nại lên các cơ quan có thẩm quyền; thậm chí đòi đưa ra tòa án quốc tế giải quyết. Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và mới đây có kết luận: "Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hủy kết quả đấu thầu"!

Sai phạm đáng tiếc

Cơ quan Thanh tra nhận định: Đây là hình thức đấu thầu mới, việc UBND TP thực hiện thí điểm với mong muốn tạo sự công bằng và minh bạch hơn so với hình thức chỉ định thầu trước đây là sự mạnh dạn, cần thiết. Tuy nhiên, khi thực hiện đã có những khuyết điểm, sai phạm chính, đó là: Trước khi thực hiện thí điểm, thành phố đã không báo cáo, xin phép Thủ tướng Chính phủ. Đây là hình thức đấu thầu mới liên quan đến nhiều lĩnh vực như đấu thầu, đầu tư, tài chính, đất đai, quy hoạch, xây dựng nhưng khi thực hiện thành phố đã không tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực ở trung ương có liên quan, dẫn đến khi thực hiện có nhiều nội dung không phù hợp với quy định của pháp luật.

Về cơ sở pháp lý, do thực hiện thí điểm, chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể của các cơ quan trung ương nên việc UBND TP ban hành "Quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư..." theo Quyết định số 4241 (ban hành ngày 19-9-2007) để thực hiện. Đây là văn bản mang tính quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện thí điểm, nhưng quy định này có một số nội dung không phù hợp với các quy định của pháp luật như: Dự án có sử dụng đất nên phải tuân thủ quy định của Luật Đất đai, phải tính tiền sử dụng đất. Nhưng bản "Quy định..." lại không xác định thời hạn sử dụng đất, không quy định việc xử lý tài sản trên đất sau khi hết thời hạn sử dụng, hồ sơ mời thầu không đề cập đến việc phải tính tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, quyết định này chỉ nêu có một hình thức giao đất là chưa phù hợp, bởi trong Luật Đất đai cho phép chọn một trong hai hình thức giao đất hoặc thuê đất. Nội dung hồ sơ mời thầu (HSMT) có một số điểm không phù hợp với quy định của pháp luật như: chi phí giải tỏa, đền bù tài sản trên đất, xây dựng mới Trường THPT Ten-lơ-man không được khấu trừ vào tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước. Đặc biệt, việc xác định giá sàn 4.700 tỷ đồng gồm vốn đầu tư xây dựng công trình (2.592,225 tỷ đồng cộng với chi phí đền bù giải tỏa, hỗ trợ di dời tại khu tam giác ước tính 2.018 tỷ đồng) là chưa đầy đủ và thiếu căn cứ, vì không tính đến cơ cấu sử dụng đất hiện tại; chưa tính đến toàn bộ phần chi phí đền bù, giải tỏa hỗ trợ di dời và xây dựng Trường Ten-lơ-man tại địa điểm mới mà nhà đầu tư phải ứng trước (ước tính 550 tỷ đồng).

Tại thời điểm đánh giá hồ sơ dự thầu, có 3/4 thành viên tổ chấm thầu chưa có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về đấu thầu là không đủ điều kiện tham gia chấm thầu. Khi đánh giá hồ sơ dự thầu còn nhiều nội dung không được tổ chấm thầu và hội đồng đấu thầu xem xét kỹ, làm rõ, hiệu chỉnh trong quá trình đánh giá (đặc biệt là đối với các nội dung liên quan đến năng lực tài chính của liên danh Thái Sơn) đã làm sai lệch kết quả đánh giá hồ sơ dự thầu. Khi thẩm định kế hoạch đấu thầu, HSMT, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã không phát hiện những nội dung không phù hợp quy định của pháp luật, không phân tích và báo cáo những thay đổi so với quy định kèm theo Quyết định 4241 để UBND TP biết.

Việc hủy kết quả đấu thầu khu "tam giác vàng" là quyết định đúng đắn, bảo đảm cơ sở pháp lý; hơn thế nữa, nó khẳng định tính nghiêm minh đối với những sai phạm, thể hiện sự công bằng, minh bạch góp phần tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới