Bỏ tiền tỷ mua căn hộ chung cư, nhưng nhiều cư dân phải chịu ấm ức vì cách hành xử thiếu văn hoá của chủ đầu tư, như: Tháo biển số xe, xích xe, thuê côn đồ dằn mặt. Thậm chí có cả những nơi chủ đầu tư ép khách hàng nhận nhà dù chưa hoàn thiện…
Bỏ tiền tỷ mua căn hộ chung cư nhưng nhiều cư dân phải chịu ấm ức cách hành xử thiếu văn hóa của chủ đầu tư (Ảnh tòa nhà chung cư Eurowindow Trần Duy Hưng-Hà Nội). Ảnh: Như Ý.
|
Tháo biển số xe, thuê côn đồ dằn mặt
Hàng trăm cư dân đang sinh sống tại toà nhà Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng, Hà Nội) do Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao (Decotech) làm chủ đầu tư phản ánh những hành xử ngang ngược của chủ đầu tư khi giải quyết mâu thuẫn với cư dân. Nguyên nhân xuất phát từ việc chủ đầu tư đơn phương áp mức phí dịch vụ 10.000 đồng/m2 mà không thông qua cư dân. Để phản đối việc áp dụng mức phí dịch vụ sai quy định, nhiều cư dân tòa nhà đã tạm đóng phí dịch vụ 5.000 đồng/m2.
Tuy nhiên, Decotech đã từ chối (trông giữ xe) bằng cách không ký hợp đồng cung cấp dịch vụ (gửi ô tô, cấp nước sinh hoạt, dịch vụ vận hành quản lý tòa nhà với một số cư dân). Việc chặn xe, không cho xe một số cư dân vào tầng hầm gây ách tắc tầng hầm diễn ra nhiều lần. Đỉnh điểm của mâu thuẫn khi ban quản lý toà nhà tháo biển kiểm soát xe 30A-18181 của anh Nguyễn Anh Linh- căn hộ 1211.
Bức xúc trước cách hành xử của chủ đầu tư, nhiều gia đình sống ở toà nhà Eurowindow Multicomplex tập hợp yêu cầu chủ đầu tư thành lập ban quản trị, minh bạch thu chi, mở khóa xích xe, trả biển số xe đã tự ý lấy của cư dân…
Anh Nguyễn Cường, cư dân toà nhà chia sẻ: “Chúng tôi bất ngờ khi đang tập trung trước sảnh toà nhà thì bị một nhóm đối tượng lạ mặt lao tới xô ngã, hăm dọa đủ điều để thu giữ các băng rôn. Cho đến nay, chủ đầu tư và ban quản lý toà nhà vẫn chưa có buổi làm việc chính thức để giải quyết các khúc mắc của cư dân”.
Còn hàng trăm hộ dân mua nhà tại dự án CT1 Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) tố chủ đầu tư là Cty CP Bất động sản AZ (AZ Land) ép khách hàng nhận nhà khi chưa đủ điều kiện bàn giao. Đây là dự án tai tiếng khi chủ đầu tư sử dụng chiêu trò thu tiền khách hàng nhiều năm, nhưng không xây dựng.
Sau nhiều lần kiện cáo, dự án mới triển khai nhưng tiến độ ì ạch. Nhiều cư dân cho biết, trong thông báo AZ Land nói đã hoàn thành toàn bộ tòa nhà, nhưng dù đã quá thời hạn phải bàn giao nhà trên hợp đồng, đến nay, dự án mới chỉ hoàn thành xong đường nước (vẫn phải dùng điện công trường thay vì từ trạm biến thế vừa mới xây xong).
Người dân phản đối tại toà nhà Eurowindow Multicomplex (Trần Duy Hưng, Hà Nội).
|
Ông Trần Anh Đức - Phó Tổng Giám đốc BID Group, nhà thầu thi công dự án xác nhận, dự án chỉ xong đường nước còn đường điện cho tòa nhà vẫn phải dùng điện tạm của công trình, chưa thể dùng được điện từ trạm biến thế. “Hiện chủ đầu tư nợ nhà thầu 200 tỷ đồng và chưa có kế hoạch thanh toán. Dù chúng tôi có hoàn thành xong đường điện, nhưng nếu chủ đầu tư không đấu nối, cư dân vẫn chưa thể về ở được”, ông Đức nói.
Được mệnh danh là khu chung cư cho giới nhà giàu với chủ đầu tư nước ngoài nhưng hết lần này đến lần khác cư dân tại toà Pacific Place (83 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) phải gửi đơn phản ánh nhiều vấn đề của chủ đầu tư. Hiện, phí dịch vụ tòa nhà là 0,8 USD/1m2 nhưng người dân vẫn sống bất tiện. Chị Thu Hà (thành viên Ban Quản trị) cho hay: “Nhiều năm kiến nghị nhưng thay vì trả lời, chủ đầu tư im lặng và cắt giảm nhiều dịch vụ. Hành lang không đủ không khí ngột ngạt và khó thở; thảm hành lang bốc mùi vì gần 10 năm chưa thay; 3 thang máy thiếu không khí, bong tróc và xuống cấp; hệ thống nước thải từ các ban công có vấn đề...”.
Phản ứng chủ đầu tư, nhiều cư dân toà Pacific Place đã hành động tiêu cực bằng cách ngừng trả phí dịch vụ từ tháng 7/2016.
Hành xử như không có luật
“Liên quan sở hữu riêng, sở hữu chung tòa nhà đã có quy định rõ trong luật và chủ đầu tư phải tuân thủ. Nếu chủ đầu tư làm sai, người dân có thể kiện đến cơ quan chức năng, thanh tra và ra tòa án”, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói.
Theo Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự cho biết, theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 37/2009/TT-BXD hướng dẫn phương pháp xác định và quản lý giá dịch vụ chung cư nêu rõ: “Giá dịch vụ nhà chung cư được xác định theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ các chi phí, một phần lợi nhuận định mức hợp lý để quản lý, vận hành nhà chung cư hoạt động bình thường. Đối với nhà chung cư chưa thành lập được ban quản trị thì giá dịch vụ nhà chung cư phải được trên 50% hộ dân đang sống tại nhà chung cư nhất trí thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín. Vì vậy, chủ đầu tư chỉ được phép áp dụng mức phí dịch vụ khi được cư dân chấp nhận thông qua thương thảo hợp đồng cung cấp dịch vụ giữa hai bên.
“Hành xử của Cty CP đầu tư và phát triển công nghệ Decotech là không phù hợp, có dấu hiệu xúc phạm quyền nhân thân, thậm chí thị uy, đe dọa cư dân. Cảnh sát giao thông cũng không có quyền tháo biển xe của người dân và hành động trên của chủ đầu tư là phạm luật. Cư dân tòa nhà có quyền gửi đơn khiếu nại lên UBND TP Hà Nội, yêu cầu tiến hành các biện pháp xử phạt hành chính và biện pháp cưỡng chế thực hiện quy định của cơ quan quản lý nhà nước”, Luật sư Hưng nói.
Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, chủ đầu tư tự đặt ra phí, tự thu là sai quy định. Tầng hầm gửi xe thuộc sở hữu chung vì chủ đầu tư đã phân bổ vào giá thành các căn hộ để đưa ra giá bán và đã thu tiền nên cư dân có quyền sử dụng tầng hầm. Trong trường hợp chủ đầu tư đòi “độc quyền” tầng hầm, chặn hay tháo biển số xe là hành vi trái luật, cần được xử lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong