Hơn một tháng từ ngày Ngân hàng Nhà nước loại 4 nhóm dư nợ bất động sản ra khỏi tín dụng phi sản xuất, người có nhu cầu vẫn rất khó để tiếp cận nguồn vốn này.
Cuối năm, khi những công trình dang dở cần thêm vốn để thực hiện kịp tiến độ, người dân cần vay vốn để mua, sửa nhà nhiều hơn thì túi tiền của ngân hàng vẫn “kẹp” chặt.
Điều kiện, thời gian, lãi suất đều… căng!
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP xây dựng và kinh doanh vật tư (CNT) cho biết, một số dự án về nhà ở của CNT (chung cư Mỹ Phúc, quận 8, TP HCM) đang tạm thời dừng khởi công, còn những dự án đang dang dở phải chậm tiến độ, vì không đủ tiền để làm ồ ạt. Hiện công ty này chưa thể tiếp cận thêm nguồn vốn từ ngân hàng, vì điều kiện cho vay quá khắt khe. “Chỉ “nới” trong tháng rưỡi (từ 14/11 đến 31/12/2011) thì làm sao doanh nghiệp dám tiếp cận vốn”.
Việc nới tín dụng phi sản xuất vẫn chưa gỡ khó được cho người có nhu cầu nhà ở thực sự. Ảnh: Nguyễn Hữu.
|
Cũng theo ông Tuấn, việc loại tín dụng bất động sản đối với các dự án phát triển nhà ở được bàn giao, đưa vào sử dụng trước ngày 1/1/2012 ra khỏi phi sản xuất trên thực tế “có cũng như không”. Vì đa phần các dự án còn 1 tháng hoàn thiện thì số tín dụng cho phần này rất ít, trong khi thời gian vay quá ngắn nên doanh nghiệp khó bề xoay xở. Nhìn ở một hướng khác, một lãnh đạo Công ty CP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng cho biết, dù NHNN đã lên tiếng mở “van” tín dụng bất động sản nhưng doanh nghiệp không dễ tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng. Phần lớn ngân hàng đang cho vay bất động sản với lãi suất ít nhất từ 20% - 22%/năm, lại chỉ cho vay ngắn hạn cùng nhiều điều kiện khắt khe khác, nên số doanh nghiệp được giải ngân 2 tháng cuối năm sẽ rất ít.
Cũng vậy, người dân có nhu cầu vốn để mua nhà ở cũng không mong vay được tiền ngân hàng. Chị Hà (quận 3, TP HCM), một khách hàng có nhu cầu vay vốn mua căn hộ (quận 9) để ở đành ngậm ngùi nhìn chủ nhà bán cho người khác khi chị không thể vay vốn được từ ngân hàng. Giá căn nhà khoảng 700 triệu đồng và tôi chỉ cần 50% vốn. Nhưng 4 ngân hàng tôi hỏi vay chỉ 1 ngân hàng đồng ý mở hầu bao, với lãi suất gần 22%/năm.
Giúp ngân hàng “đạt chuẩn” phi sản xuất
Trong khi doanh nghiệp và người dân khó tiếp cận vốn vay với nhóm tín dụng bất động sản chính đáng thì một số ngân hàng “ung dung” với hạn mức tín dụng phi sản xuất mà NHNN yêu cầu phải giảm. Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, theo cách tính mới (loại 4 dư nợ BĐS ra khỏi rổ tính dư nợ phi sản xuất) thì tỷ trọng dư nợ phi sản xuất của ngân hàng này sẽ giảm ít nhất 40%. Đến cuối tháng 10/2011, NHNN chi nhánh TP HCM cho biết vẫn còn khoảng 10 ngân hàng trên địa bàn có dư nợ phi sản xuất trên 16% tổng dư nợ, như NamABank, Sacombank, HDbank, Navibank, ABBank…
Nhưng, với cách tính mới này, con số các ngân hàng “đạt chuẩn” về tín dụng phi sản xuất dưới 16% chắc chắn sẽ không còn nhiều như cách đây 2 tháng. Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng, thẳng thắn: “Nói “nới” tín dụng bất động sản nhưng thực tế người có nhu cầu vẫn phải vay với lãi suất quá cao, vượt quá khả năng vay của người dân, trong khi doanh nghiệp thì bị hạn chế về thời gian, nên việc loại 4 nhóm này chỉ có lợi cho… ngân hàng có dư nợ phi sản xuất cao”. Ông Phạm Anh Tuấn cũng bày tỏ: “Người thu nhập thấp thì không thể vay với lãi suất 20, 21%/năm được, trong khi vay tiêu dùng cũng cao, nên mở van tín dụng bất động sản này không lợi cho người dân và doanh nghiệp”.
DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt