Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại dự thảo nghị định về quản lý đầu tư phát triển đô thị vừa được Bộ Xây dựng đưa ra là giảm diện tích tối thiểu của nhà ở xã hội xuống còn 25m2, thay vì 30m2 trở lên như quy định hiện hành. Dư luận lo lắng đề xuất này có thể sẽ dẫn tới việc hình thành các khu nhà ở tồi tàn trong tương lai.
Đề xuất căn hộ 25m2 có đi ngược lại với tiến trình đô thị hóa?
(Trong ảnh: Bên trong căn hộ chung cư mini 1 phòng, diện tích 25m2 ở quận Đống Đa, Hà Nội)
Bộ Xây dựng có phạm luật?
Tại Điều 50, dự thảo đưa ra các yêu cầu thiết kế đối với nhà ở xã hội. Theo đó, nếu nhà ở xã hội do Nhà nước đầu tư để cho thuê tại khu vực đô thị, thì phải là nhà chung cư với diện tích sàn căn hộ tối thiểu là 30 m2 và tối đa không quá 60 m2. Đặc biệt, với diện tích nhà ở xã hội do các doanh nghiệp đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất, nếu là nhà chung cư thì phải bảo đảm quy định diện tích sàn căn hộ tối thiểu là 25m2 và tối đa không quá 70m2. Trong trường hợp doanh nghiệp muốn đầu tư loại căn hộ có diện tích đến 90m2 và trường hợp xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở một tầng nhiều gian tại các đô thị loại 4, loại 5 và khu vực ngoài đô thị thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng bằng văn bản. Bộ Xây dựng có trách nhiệm có văn bản cho ý kiến trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được công văn đề nghị của chủ đầu tư...
Thực ra, kiến nghị xây căn hộ siêu nhỏ (25m2) không mới. Hồi giữa năm 2010, Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cho phép xây thí điểm 100 căn hộ 20m2 dành cho 1 người tại chung cư Thái An (đường Nguyễn Văn Quá, quận 12, TP Hồ Chí Minh). Giá bán những căn hộ nhỏ này rất thấp, chỉ khoảng 300 triệu đồng/căn. Người mua được hướng tới là người độc thân hoặc gia đình trẻ, được trả góp. Thời điểm đó, khi doanh nghiệp này giới thiệu nhà mẫu, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã ngay lập tức “tuýt còi” vì mô hình này phạm luật. Cụ thể, theo Luật Nhà ở, có hiệu lực từ 1-7-2006, đã quy định rõ: “Nhà ở thương mại phải được thiết kế bảo đảm những tiêu chuẩn chung theo quy định của pháp luật về xây dựng. Chung cư thương mại phải là căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng mỗi căn hộ không thấp hơn 45m2”. Ngay cả với diện nhà ở xã hội, luật cũng quy định: “Diện tích mỗi căn hộ không được thấp hơn 30m2 sàn...”. Không rõ, ở thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng căn cứ vào đâu để đưa ra con số 25m2?
Chạy theo thị trường?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, mô hình căn hộ nhỏ đang rất hút khách. Bằng chứng rõ ràng nhất là người tiêu dùng đang đổ xô chọn mua căn hộ giá 10 triệu đồng/m2 (diện tích 36-38-47m2) khi Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu mở bán cách đây ít ngày. Với tổng giá trị chỉ từ 360 - 470 triệu đồng/căn hộ, người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua những căn hộ dành cho người thu nhập thấp có giá trên dưới 1 tỷ đồng để chọn căn hộ 36m2. Tương tự, ở khu căn hộ dành cho người thu nhập thấp tại Khu đô thị Đặng Xá 2 (Gia Lâm, Hà Nội), Tổng Công ty Viglacera cũng chọn cách chia nhỏ về mốc diện tích 30 m2 để chống ế hàng. Kinh nghiệm xương máu này được doanh nghiệp rút ra từ đợt ế căn hộ rộng 55-70m2 kéo dài khá lâu trong giai đoạn I của dự án.
Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, Bộ Xây dựng không nên đưa ra các con số mét vuông cụ thể áp dụng với 1 căn hộ. Vấn đề đó nên để thị trường quyết định. Ông nói: “Chẳng có nước nào đưa vào luật quy định cụ thể số mét vuông của căn hộ. Luật chỉ đưa ra tiêu chí để áp dụng. Việc của cơ quan quản lý là quy định tiêu chuẩn để đảm bảo người dân ăn ở, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống. Với điều kiện hiện nay, bình quân khoảng 10m2/người là phù hợp. Như vậy, căn hộ 25m2 chỉ phù hợp với gia đình có 2 người, hoặc 3 người là cùng. Cái khó là việc kiểm soát sao cho số người ở không vượt quá lên. Nhưng thực tế, đơn vị xây nhà thường không quan tâm kiểm soát số người vào ở sau này, miễn là bán được nhà”.
Dư luận có lý khi cho rằng, nếu cho phép làm nhà 25m2 sẽ tái hiện các khu “ổ chuột” đời mới với điều kiện ở tồi tàn, do nhà ở có thể xuống cấp nhanh, quản lý buông lỏng và các cư dân đua nhau cơi nới mở rộng diện tích với nhu cầu sinh hoạt chắc chắn sẽ tăng lên. Trước những mối lo này, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nếu quản tốt thì cũng không lo nhếch nhác. Ông lý giải: “Ở nước ngoài cũng có những căn hộ rất nhỏ, chỉ dành cho 1 người ở mà vẫn tốt. Cái chính là phải có biện pháp quản lý phù hợp...”
DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô