Nối liền khoảng cách vùng sông nước

Cập nhật 30/04/2010 11:05


Cầu Rạch Miễu – cây cầu dây văng đầu tiên do VN tự đầu tư, thiết kế, thi công - trong ngày khánh thành 19.1.2009. Ảnh: Duy Anh - Phấn Đấu
Đồng bằng sông Cửu Long, như tên gọi của nó, là vùng đất dày đặc sông rạch. Hai hệ thống sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ chảy từ biên giới ra biển chia cắt đồng bằng thành nhiều "khúc".

Người đồng bằng qua bao thế hệ phải đi lại, chuyên chở hàng hoá bằng đường sông là chính. Kinh tế càng phát triển, giao thông thuỷ càng tỏ ra bất lợi, nhất là đối với các loại hàng hoá không thể bảo quản lâu. Cho đến năm 2000, cả đồng bằng mới có 2 cây cầu "ra hồn" nằm trên tuyến đường độc đạo QL1A nối với TPHCM, đó là cầu Bến Lức và cầu Tân An.

Vào thời điểm đó, kinh tế đồng bằng vẫn chưa "tỉnh ngủ", người đồng bằng vẫn có cảm giác "vùng xa". Bây giờ, khoảng cách trên vùng sông nước và với phần còn lại của đất nước đã cơ bản được nối liền.

Khoảng cách không còn là “rào cản”

Do là đường độc đạo, cầu đơn nên mỗi khi QL1A có sự cố là ĐBSCL bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Hàng loạt cầu lớn đã được bắc qua 2 nhánh sông Vàm Cỏ: Bến Lức 2 và Tân An 2 (trên QL1A), Bến Lức 3 và Tân An 3 (đường cao tốc), Bến Lức 4 và Tuyên Nhơn (tuyến N2). Đặc biệt là bộ 4 cây cầu “siêu lớn”: Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ và Hàm Luông.

Cùng lúc, QL1A được nâng cấp kéo dài đến tận Năm Căn; đường Hồ Chí Minh và N2 dọc hành lang biên giới xuyên qua vùng Đồng Tháp Mười mới khai phá, nối ĐBSCL với miền Đông Nam Bộ; tuyến hành lang ven biển giúp liên kết và rút ngắn khoảng cách giữa TPHCM và các tỉnh duyên hải. Đặc biệt là tuyến đường cao tốc đầu tiên của cả nước từ TPHCM đến Trung Lương đã thông xe và đang tiếp tục kéo dài đến Mỹ Thuận, Cần Thơ...

Với 7.500 – 8.000 lượt ôtô, gần 30.000 lượt môtô và trên 45.000 lượt khách bộ hành, số lượng người, xe qua phà Cần Thơ (trước ngày thông xe cầu Cần Thơ) đã tăng hơn gấp đôi so với cách đây 5 – 6 năm. Dịp lễ tết, số lượng người, xe còn tăng cao hơn nhiều. Thời gian chờ phà từ nửa giờ tới vài tiếng đối với chừng ấy người, xe là một thiệt hại không hề nhỏ nếu tính giá trị thời gian làm ra của cải vật chất.

Sau cầu Mỹ Thuận, rồi đường cao tốc TPHCM – Trung Lương và bây giờ là cầu Cần Thơ, theo một số lái xe, thời gian đi từ Cần Thơ – TPHCM và ngược lại đã có thể rút ngắn 2 giờ. Theo Cty CP đầu tư địa ốc - ôtô Phương Trang chi nhánh Cần Thơ, tần số xuất bến tại đầu bến Cần Thơ của Cty từ 22 chuyến/ngày đã tăng lên 32 chuyến/ngày (đầu bến TPHCM cũng tăng tương ứng); dịp lễ tết, tần suất lại tăng bình quân 40%. Vì vậy, với việc rút ngắn thời gian do không phải chờ phà, việc quay đầu xe nhanh là thuận lợi không nhỏ, nhờ tăng tần suất mà không phải đầu tư thêm đầu xe.

Mở ra vận hội

Nhà vườn ở “vương quốc hoa kiểng” huyện Chợ Lách (Bến Tre) đang hướng mạnh tới việc xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... khi mà với cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông và đường cao tốc, họ chỉ mất 2 giờ để đưa sản phẩm đến bến cảng, sân bay. Đã xuất hiện một bộ phận người dân làm việc ở TPHCM về Long An, Tiền Giang mua đất cất nhà, hàng ngày đi lại giữa ĐBSCL và TPHCM. Thời gian đi lại (bằng đường cao tốc) tính ra còn ít hơn so với chen chúc trong nội thành TPHCM.


Đường cao tốc TPHCM-Trung Lương được đưa vào sử dụng ngày 3.2.2010.

Một bộ phận khác dù sống ở TPHCM nhưng mua đất lập vườn ở vùng sông nước đồng bằng, nơi gia đình họ trải qua kỳ nghỉ cuối tuần sau những ngày ngột ngạt, nóng bức nơi phố thị. Giao thông thuận lợi đang giúp cho các tỉnh đồng bằng như Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long... có nhiều sự lựa chọn hơn trong thu hút đầu tư: Chỉ tiếp nhận các dự án sạch, ít tổn hại môi trường, hiệu quả kinh tế cao, chứ không tiếp nhận “bằng mọi giá” như đã từng.


Cầu Cần Thơ - cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á trong ngày khánh thành 24.4.2010.
Cách đây chừng 10 năm, nạn kẹt xe bắt đầu diễn ra thường xuyên trên QL1A, đoạn Trung Lương – TPHCM. Đường cao tốc thông xe, ngoài chuyện đem lại hiệu quả giao thông “như mơ”, đã tức thì làm cho không khí làm ăn, đầu tư ở các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre sôi động hẳn lên. Dù suy thoái kinh tế chưa thật sự đi qua, nhưng các KCN, các dự án kêu gọi đầu tư ở khu vực này đã được “ghi danh” ngày càng nhiều bởi các nhà đầu tư đến bằng tuyến đường cao tốc.

Viễn cảnh về con đường cao tốc vươn tới Mỹ Thuận, rồi Cần Thơ, sau khi đã có cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, tạo động lực quan trọng cho phát triển cả vùng ĐBSCL, không còn là xa vời. Tiềm năng lúa gạo, thuỷ sản, trái cây, du lịch... sẽ được khơi dậy đầy đủ khi có đường cao tốc.

Với việc khánh thành cầu Cần Thơ, giao thông bộ vùng ĐBSCL đã thật sự có được một bước ngoặt quan trọng, tác động không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội. Khi các chiếc cầu khá quan trọng khác như cầu Cao Lãnh (thay phà Cao Lãnh), cầu Vàm Cống (QL80), cầu Cổ Chiên (QL60)... và hàng loạt tuyến đường khác (Lộ Tẻ - Rạch Sỏi quy mô 4 làn xe, tuyến nối 2 đầu cầu Cao Lãnh – Vàm Cống với thiết kế như đường cao tốc...) tiếp tục được đầu tư xây dựng và hoàn thành, những khoảng cách cuối cùng trên vùng sông nước và với phần còn lại của đất nước sẽ hoàn toàn được nối liền...

Vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) rộng khoảng 600.000ha, trong đó hơn một nửa thuộc Long An, còn lại thuộc Tiền Giang và Đồng Tháp. Đến cuối thập niên 1980, vẫn chưa có đường bộ đúng nghĩa vào ĐTM. Năm 1985, Long An đề ra chủ trương “Lấp kín ĐTM”. Công việc đầu tiên là làm tuyến đường 49 từ Tân An đi vào tận trung tâm ĐTM. Đường đến đâu, người dân từ nhiều tỉnh trên cả nước đến lập ấp, lập làng, trồng tràm, trồng lúa.

Hàng ngàn kilômét kênh mương được đào để xả phèn, cải tạo đất. Từ 1 vụ lúa năng suất thấp, ĐTM đã trồng được 2 vụ, rồi 3 vụ lúa/năm, năng suất ngày càng cao. Hiện ĐTM, được nước lũ bồi phù sa hàng năm, có những cánh đồng lúa năng suất cao nhất cả nước, riêng vụ đông xuân có thể đạt năng suất 7 – 9 tấn/ha. Mỗi năm, hàng triệu tấn lúa thương phẩm từ ĐTM đến với cả nước, xuất khẩu ra thế giới.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động