Trong lúc nhiều doanh nghiệp (DN) "đỏ mắt" tìm đất để đặt nhà máy sản xuất thì nhiều khu công nghiệp (KCN) vẫn được xây dựng "đủng đỉnh" hoặc bỏ hoang.
Nhiều khu, cụm công nghiệp của Hà Nội (HN) chỉ mới có qui hoạch thôi nhưng đã có hàng trăm DN xin được đặt nhà máy. "Có khu chỉ có 60 suất đất nhưng lại có đến trên dưới 300 đơn" - ông Nguyễn Văn Việt, phó BQL KCN và chế xuất HN, nói.
Hà Nội: xếp hàng chờ được duyệt vào KCN
Phân tích nguyên nhân khiến HN thiếu đất cho DN, theo ông Việt, do cầu lớn hơn cung. Đầu tư sản xuất tại HN có lợi thế rất lớn là gần thị trường, vì vậy các DN muốn giành được ưu thế ấy. Mặt khác, thành phố cũng đang có kế hoạch di dời hàng loạt nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi nội đô nên đất cho sản xuất trong KCN càng trở nên... quí hiếm. Vì vậy, HN đã đề ra qui trình xét tuyển vào KCN. DN phải được UBND quận, huyện xét chọn, trình BQL KCN, khu chế xuất TP, được nơi này đồng ý thì tổ công tác liên ngành rà soát, kiểm tra. Chỉ khi qua được "cửa" này thì cơ hội có đất cho sản xuất mới mở ra cho DN.
Thế nhưng trong khi nhiều dự án lớn đang lần lượt bỏ HN ra đi, tìm đường đến các địa phương khác để đầu tư do HN thiếu đất thì nhiều KCN qui mô lớn, vị trí thuận lợi lại để hoang, thậm chí phải thay đổi mục đích sử dụng. KCN Đài Tư, một trong những KCN đầu tiên tại HN, có diện tích 40ha, nằm ngay cửa ngõ thủ đô, mặt tiền giáp với quốc lộ 5 (xã Hội Xá, Gia Lâm, Hà Nội) do Đài Loan đầu tư.
Sau gần chục năm, tới năm 2005 nơi này mới có hai nhà xưởng được xây dựng. UBND TP HN phải thay đổi chủ đầu tư bằng DN VN. Tuy nhiên, đến nay KCN Đài Tư cũng chỉ lấp đầy được 25% diện tích (10 ha), 30ha vẫn bỏ trống. Nguyên nhân là do giá thuê quá đắt: 120 USD/40 năm/m2 đất.
Còn tại KCN Sài Đồng A, hơn 400ha đất nằm ở cửa ngõ đông bắc của HN được giao cho Công ty liên doanh Daewoo - Hanel thuê để đầu tư xây dựng KCN công nghệ cao. Sau hàng chục năm phơi nắng, tháng 6-2006 Bộ Kế hoạch - đầu tư đã phải rút giấy phép đầu tư của liên doanh này. Nay thì hơn 400ha đất này đang được qui hoạch lại, theo đó sẽ dùng 197 ha để làm KCN công nghệ sạch và cao, diện tích còn lại sẽ xây dựng khu đô thị. Như vậy, một KCN thuộc diện lớn nhất HN nay chỉ còn một phần nhỏ cho sản xuất, còn lại để xây dựng đô thị.
Hậu Giang: KCN ba không
Đầu tư gần 120 tỉ đồng, sau gần năm năm triển khai hiện vẫn là bãi đất cho... lau sậy, cây dại, cỏ mọc um tùm. Đó là thực trạng hiện nay tại khu cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) ở phường 7, thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Được triển khai vào năm 2003 với tổng diện tích gần 63ha, CCN-TTCN thị xã Vị Thanh chỉ cách trung tâm tỉnh Hậu Giang chưa đầy 3km. Nơi đây hội tụ mọi điều kiện "trên bến dưới thuyền" nhưng cho đến thời điểm hiện tại chỉ mới thu hút được chín nhà đầu tư sử dụng 16ha. Sau gần năm năm đầu tư, ngốn hết gần 120 tỉ đồng, đến nay mọi thứ vẫn còn ngổn ngang. Cũng có nhà đầu tư đến nhưng đã ra đi.
Vợ chồng chị Thuận - một trong những nhà đầu tư ở TPHCM tiên phong khai hoang vùng đất này, ngán ngẩm nói: "Trước năm 2002 vợ chồng tôi bán cao su ở Bình Dương để đầu tư nhà máy chế biến khóm ở cụm công nghiệp này. Mặc dù nhà máy nằm ngay vùng khóm Cầu Đúc nổi tiếng của Hậu Giang nhưng vẫn không tìm được nhiều đối tác để làm ăn". Do thua lỗ nên nhà đầu tư này phải bán nhà máy để trả nợ.
Một trong những nguyên nhân DN không vào là do đến thời điểm này CCN-TTCN vẫn trong tình trạng "ba không": không có hệ thống xử lý nước thải, không có bến bãi, bến cảng và cơ sở hạ tầng thì ngổn ngang. Một nhà đầu tư có ý định đặt nhà máy chế biến thủy sản tại đây cho biết: "Mặc dù địa điểm này khá lý tưởng trong tương lai, nhưng nếu bây giờ đặt nhà máy thì phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải, tự DN làm thì không xuể"...
Ông Lê Hoàng Thọ, giám đốc Ban quản lý CCN-TTCN thị xã Vị Thanh, thừa nhận tình trạng "ba không" khiến nhà đầu tư ngại. Thế nhưng để chấm dứt "ba không" cần thêm ít nhất 70 tỉ đồng để đầu tư hoàn thiện các hạng mục công trình còn lại.
Đất dành cho sản xuất của Hà Nội đã cạn kiệt, hiện thành phố đã sử dụng gần hết đất qui hoạch để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất đến năm 2010. Theo thống kê, hiện Hà Nội có sáu khu công nghiệp lớn (bốn khu có diện tích trên 400ha) đã xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật. Ngoài ra, Hà Nội còn có 18 dự án khu (cụm) công nghiệp vừa và nhỏ với diện tích qui hoạch khoảng 733ha.
Theo Tuổi Trẻ