Thời gian gần đây, những tranh cãi xung quanh về con số thực về nợ xấu bất động sản (BĐS) thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới chuyên gia. Vậy đâu là con số thực? Đâu là con số ảo?
Vốn NH đang "chết chìm" tại nhiều dự án BĐS.
Những ngày gần đây, khi bất cập hay nói đúng hơn là những mánh lới của một hay một nhóm lợi ích là cổ đông hoặc là ông chủ của các ngân hàng (NH) hình thành lên những “trận đồ ma quái” đưa vốn ra “sân sau” và thực hiện đầu tư theo mục đích của riêng mình.
Có một thực tế là trong khoảng vài năm gần đây, người ta thấy sự hiện diện của rất nhiều các công ty đầu tư tài chính trong các thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp. Điển hình có thể kể tới khoản đầu tư trị giá tới 78% giá trị cổ phần của Bianfishco của Habubank (khoản đầu tư này được thực hiện trước thời điểm Habubank sáp nhập với SHB) thông qua Công ty CP đầu tư – tư vấn dịch vụ Hồ Mây.
Vậy có bao nhiêu thương vụ đầu tư kiểu này đã được thực hiện trong các thương vụ đầu tư thời gian vừa qua. Và đặc biệt, trong thời gian đó, vào những thời điểm BĐS còn trong giai đoạn hoàng kim thì đã có bao nhiêu khoản đầu tư từ hệ thống NH chảy vào lĩnh vực này thông qua các công ty đầu tư tài chính. Câu hỏi này xem ra là rất khó trả lời vì sẽ không có NH nào lại dám tự công khai các khoản nợ xấu của mình đầy đủ cả vì đơn giản, nợ xấu quá cao thì cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất thanh khoản.
TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam từng thẳng thắn chia sẻ với Petrotimes rằng, phần lớn vốn đầu tư tại các dự án BĐS là của hệ thống NH. Nói như vậy để thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường BĐS trong tình trạng ế ẩm, đóng băng, sản phẩm làm ra không thể bán được thì chuyện nợ xấu BĐS ra tăng là điều dễ hiểu.
Nợ xấu BĐS hoàn toàn có thể sinh ra từ "ma trận" trên.
Với sự xuất hiện của các công ty đầu tư tài chính tại một số thương vụ đầu tư được chỉ ra những ngày qua, chúng ta hoàn toàn có cơ sở tin rằng, không ít khoản nợ xấu BĐS hiện đang được ẩn hiện thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư của NH cho những công ty này. Điều này càng có căn cứ hơn khi mà những hoài nghi về cái gọi là “sân sau” của các sếp NH ngày một lộ rõ.
Thậm chí, trong một số ý kiến đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng vài ngày nay thì, rất có khả năng, NH và các công ty đầu tư tài chính trong một số trường hợp là một vì nó được điều khiển bởi cùng một “ông chủ”. Và tất nhiên, dưới sự chi phối của “ông chủ” này, nhiều khoản đầu tư đã được “nắn dòng” chảy về lĩnh vực BĐS – lĩnh vực vốn được xem là có khả năng sinh lợi cực lớn nhưng cũng đòi hỏi số vốn cũng "khủng".
Suy luận trên xem ra cũng không phải là vô lý khi mà ông Nguyễn Đức Kiên – một trong những nhân vật có thể xem là có tiếng trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng ở nước ta bị bắt vì có hành vi “kinh doanh trái phép”. Tất nhiên, vào thời điểm này chưa ai khẳng định ông Kiên “kinh doanh trái phép” cái gì nhưng chỉ cần nhìn vào danh sách 3 công ty do ông nắm giữ cũng có thể tin rằng BĐS có thể là một nguyên nhân.
Tỷ lệ nợ xấu BĐS sinh ra từ mối quan hệ “chồng chéo” của một cá nhân hay nhóm lợi ích với các NH và các công ty đầu tư tài chính đến đâu vào thời điểm hiện tại là rất khó xác định bởi đơn giản, các công ty đầu tư tài chính hiện nay hoạt động có phần “ngoài vòng pháp luật”. Thứ duy nhất chi phối hoạt động của những công ty này là tờ giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch và đầu tư cấp. Thiếu thông tin, không có sự công khai, minh bạch trong các khoản đầu tư chính là vấn đề mà các cơ quan chức năng cần làm rõ trong hoạt động của các công ty này.
Chừng nào điều này chưa được làm rõ thì chắc chắc, con số nợ xấu ngân hàng thực chất dù có là gì đi chăng nữa cũng là ảo!
DiaOcOnline.vn - Theo Petrotimes