Nợ xấu, bất động sản và lời thẳng của Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư

Cập nhật 02/08/2013 15:19

 Ngày 1/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, một số thông tin thống kê còn chưa chính xác. Đặc biệt, một khi thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng.

Thông tin thống kê chưa chính xác

Theo Bộ trưởng Vinh, một số thông tin thống kê chưa bảo đảm tính chính xác kịp thời do chưa tổ chức điều tra, đặc biệt công tác phân tích và dự báo thống kê của Bộ ngành còn yếu chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu của các cấp lãnh đạo Đảng, Chính phủ…

“Con số thống kê là con số biết nói. Nếu chúng ta biết thống kê đúng các chỉ tiêu phản ánh được bản chất cốt lõi vấn đề, có một hệ thống chuỗi số liệu để so sánh và đánh giá tìm ra được quy luật, chúng ta có thể dự báo được. Nếu những con số không chính xác thì dự báo sẽ sai. Đặc biệt, một khi thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng”, Bộ trưởng Vinh chỉ rõ.

Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5/2013, nhiều Đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi về các con số thống kê.

"Trong khi doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hàng loạt mà con số tạo việc làm mới vẫn thống kê lên tới hơn 1,5 triệu người trong năm nay thì không thể hình dung được" - Đại biểu Trần Du Lịch đặt nghi vấn.

Hay đại biểu Nguyễn Văn Hiến (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết: Đã từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý về số liệu GDP của các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP Quốc gia.

Theo đại biểu Hiến, mấy năm qua, vấn đề sinh tử của nền kinh tế là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản nhưng mức độ tin cậy của các báo cáo là rất thấp. Cuối 2012, nợ xấu khoảng 10%, thanh tra NHNN cho rằng 8,6%  và trong báo cáo tại kỳ họp này là 7,8%. Hồi tháng 3/2012, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%. Mới đây, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra con số 11,8%.

“Con số thực, bản chất nợ xấu nghiêm trọng hơn nhiều so với con số đã công bố? Nếu áp dụng Thông tư 02, nợ xấu của 1 ngân hàng 2-3% có thể tăng lên 15% hoặc hơn nữa” – đại biểu Hiến đưa ra suy luận của mình.

Một băn khoăn nữa được đại biểu đưa ra là: “Cho đến giờ này, chúng ta không biết con số thực về hàng tồn kho bất động sản là bao nhiêu. Các số liệu công bố rất khác nhau. 200.000 căn hay 400.000 căn? 83.000 tỷ đồng hay 40.000 tỷ đồng? Nợ công là bao nhiêu? 55% GDP hay 59% GDP và liệu có an toàn?

Tại sao mỗi năm hơn 50.000 DN phá sản, số DN phải giảm quy mô hoạt động ít nhất 30%, vốn đầu tư toàn xã hội càng ngày càng giảm… thế nhưng tạo việc làm mới cứ đều đặn 1,5 đến 1,6 triệu người và tỷ lệ thất nghiệp hàng năm cứ giảm?”...

Thống kê chưa được coi trọng thì đừng hi vọng đất nước có chính sách đúng.

Thống kê không chính xác thì đừng hy vọng chính sách đúng
Mặc dù nhiều chuyên gia, đại biểu đặt nghi vấn về các con số thống kê, điển hình là số liệu nợ xấu và bất động sản, song từ đầu năm 2013 đến nay đã có không ít các chính sách được ban hành và đang triển khai thực hiện.

Có thể lấy ví dụ như để xử lý nợ xấu, NHNN đang dựa trên hai nguồn số liệu khác nhau để giám sát tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), bao gồm số liệu nợ xấu do các TCTD báo cáo và số liệu nợ xấu theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

Điều này đồng nghĩa Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) xử lý nợ xấu trên nguồn số liệu không đồng nhất.

Và chính Chủ tịch VAMC, Phó thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cũng cho rằng, chỉ có thể nói rằng nợ xấu Việt Nam cao, còn cao ở mức độ nào rất khó nói. Việc thành lập VAMC chỉ là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề nợ xấu hiện nay chứ không phải “cây đũa thần” hô biến nợ xấu.

Hay trong lĩnh vực BĐS, số liệu hàng tồn kho cũng rất khác nhau, lúc thì 200.000 căn, lúc thì 400.000 căn. Và điều đáng nói là những số liệu thống kê này chính là căn cứ để cho ra đời các quyết sách hỗ trợ thị trường BĐS. Nghị quyết 02 của Chính phủ, Thông tư 11... cùng hàng chục Thông tư, Nghị định khác do NHNN, Bộ Xây dựng ban hành.

Tuy nhiên, đánh giá về hiệu quả của việc thực hiện những chính sách này thì vẫn là một ẩn số. Chỉ biết rằng, từ khi gói hỗ trợ BĐS 30.000 tỷ chính thức được triển khai từ ngày 1/6/2013 cho đến thời điểm hiện tại là tròn 2 tháng, mới chỉ có 56 cá nhân và 30 DN tiếp cận được gói tín dụng này.

Xoay quanh đó vẫn là vô vàn những vấn đề đang trong quá trình tranh luận cần phải giải quyết, như việc giải ngân như thế nào, triển khai ra sao, quy định như thế nào, thủ tục ra sao... Còn người dân - đối tượng chính của gói 30.000 tỷ thì nhanh chóng thất vọng, buông xuôi.

“Không có số liệu đúng và đủ, không thể đưa ra đánh giá đúng tình hình, không nắm bắt chính xác các xu hướng, không thể đưa những quyết sách giải quyết, chủ trương giải quyết đúng được. Và như thế chúng ta sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì xảy ra đối với đất nước mình” – đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt