Nỗ lực cho mục tiêu đòn bẩy thúc đẩy kinh tế

Cập nhật 14/06/2010 15:40

Triển khai xây dựng các tuyến đường N2, N5 trị giá 643,8 tỷ đồng, tạo các trục giao thông quan trọng nhằm thúc đẩy công tác quy hoạch và thu hút đầu tư đang là công việc mới thêm khởi sắc cho hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam, Nghệ An.


Mô hình khu kinh tế Đông Nam Nghệ An.

Khu công nghiệp Nghệ An được thành lập khá sớm (đã hơn 10 năm) nhưng quá trình xây dựng phát triển có nhiều khó khăn và phát triển chậm chạp. Tuy đã đạt được một số kết quả nhưng nhìn chung khu kinh tế và các khu công nghiệp (KCN) Nghệ An phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của mình. Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội thiết yếu của Khu kinh tế và các KCN còn có nhiều yếu kém và thiếu đồng bộ.

Các công trình quan trọng như cảng biển, các trục đường giao thông chính và các công trình cấp nước, cấp điện còn thấp kém. Trong đó yếu nhất là các cảng biển của Nghệ An chưa đủ điều kiện cho tàu có tải trọng từ 3 đến 5 vạn tấn cập bến làm hàng đã hạn chế không nhỏ đến sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lớn cần đến cảng biển nước sâu.

Công tác giải phóng mặt bằng tại các khu kinh tế, KCN còn gặp nhiều khó khăn nhất là về các chế độ chính sách bồi thường thiếu ổn định, còn quá nhiều thủ tục trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và trong điều kiện nguồn vốn ngân sách có nhiều khó khăn, hạn chế; thiếu quỹ đất sạch có hạ tầng kỹ thuật để tiếp nhận các dự án đầu tư thuận lợi hơn.

Nguồn vốn cho đầu tư phát triển khu kinh tế và KCN trong giai đoạn đầu là rất lớn, nhưng việc huy động các nguồn vốn có nhiều khó khăn; hơn nữa, chưa có những dự án lớn, dự án động lực để thu hút vốn đầu tư, tạo động lực phát triển. Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam được thành lập vào tháng 8/2007), đây là mô hình hoạt động mới, chưa có kinh nghiệm; đội ngũ cán bộ công chức chủ yếu từ ban quản lý các KCN trước đây chuyển sang.

Tr­ước mắt, hoạt động của Khu kinh tế Đông Nam còn phải tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Như­ng với sự quan tâm của tỉnh Nghệ An và có những giải pháp thường xuyên, tại đây bắt đầu mở ra những triển vọng mới cho phát triển kinh tế xã hội của Nghệ An với những nhân tố mới như­: cảng Cửa Lò đã được quy hoạch phát triển thành cảng container n­ước sâu cho tàu 3 đến 5 vạn tấn vào làm hàng với công suất 15 triệu tấn năm; cảng Đông Hồi quy hoạch phát triển thành cảng chuyên dùng, với công suất 10 triệu tấn/năm; Quy hoạch phát triển và quy hoạch chi tiết xây dựng khu kinh tế và các KCN Nghệ An đ­ược phê duyệt, đáp ứng yêu cầu cho phát triển công nghiệp Nghệ An trư­ớc mắt và lâu dài; Sân bay Vinh đang từng b­ước đ­ược nâng cấp để trở thành sân bay Quốc tế; cùng với hệ thống các công trình giao thông, cấp điện, cấp nư­ớc và thông tin liên lạc đã đ­ược quy hoạch xây dựng phát triển sẽ là những nhân tố cơ bản, tạo động lực phát triển không chỉ cho khu kinh tế, KCN Nghệ An mà còn tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ trong thời gian tới.

Ban quản lý Khu kinh tế đã tổ chức lập được một số dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, có một số dự án đã được duyệt. Năm 2009 đã thu hút được 8 dự án đầu tư với số vốn đăng ký gần 1.000 tỷ đồng. Hiện nay có 39/64 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong khu kinh tế và KCN đã đi vào hoạt động. Giá trị sản xuất năm 2009 đạt trên 1.186,5 tỷ đồng; doanh thu 1.313,8 tỷ đồng; trong đó xuất khẩu 389,2 tỷ đồng, nhập khẩu 306,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 67,7 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 5.401 lao động với thu nhập bình quân 1,9 triệu đồng/người/tháng.

Mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng các doanh nghiệp trong khu kinh tế và KCN Nghệ An vẫn ổn định phát triển. Cũng năm 2009, nhằm cải thiện về các thủ tục hành chính, Ban quản lý đã xây dựng “Đề án một cửa” và bộ thủ tục trình UBND tỉnh phê duyệt để công bố thực hiện. Ban cũng triển khai xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN- ISO 9001:2008 và thực hiện cắt giảm 30% thủ tục hành chính theo đề án 30.

Việc cảng Cửa Lò được xếp vào nhóm 2, nhóm cảng biển Bắc Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi đón đầu phát triển của khu kinh tế vào tỉnh Nghệ An và khu vực miền Bắc Trung Bộ.

Nghệ An có 8 KCN, 1 khu kinh tế, 113 vùng mỏ và 171 điểm mỏ quặng. Với tiềm năng trên của Nghệ An cũng như các vùng kinh tế của nước CHDC nhân dân Lào, Đông Bắc Thái Lan thì nhu cầu nhập khẩu hàng hóa qua cảng Cửa Lò là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cảng Cửa Lò còn hạn chế về luồng vào và năng lực tiếp nhận tàu trọng tải lớn. Cao độ luồng thường xuyên chỉ sâu 4,0 đến 4,5 m, bến chỉ tiếp nhận được tàu trọng tải tối đa đến 1 vạn tấn ra vào làm hàng khi cao triều. Vì thế, với việc cảng Cửa Lò được Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là cơ sở, điều kiện cho các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam cũng như các KCN đã được phê duyệt.

Trao đổi của đồng chí Nguyễn Song Tùng- Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế- cho biết: Để Khu kinh tế Đông Nam nhanh chóng hình thành đi vào hoạt động, trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế Nghệ An, nhiệm vụ trong năm 2010 và những năm tiếp theo là nhanh chóng hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng của các khu kinh tế và KCN, công bố quy hoạch xây dựng khu kinh tế, KCN được duyệt; làm tốt công tác tư tưởng đến mọi người dân trong vùng quy hoạch để họ biết được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lợi ích của việc quy hoạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình xây dựng phát triển của khu kinh tế, KCN, nhất là công tác giải phóng mặt bằng một cách thuận lợi nhất; có giải pháp huy động các nguồn vốn đầu tư nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của khu kinh tế và KCN; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng tạo một số quỹ đất sạch để sẵn sàng tiếp nhận và triển khai thực hiện các dự án đầu một cách thuận lợi nhất.

Đồng thời, Nghệ An sẽ tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tiếp tục xây dựng những cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư (chú trọng thu hút một vài dự án động lực, dự án lớn, nhất là dự án sớm xây dựng được cảng Cửa Lò giai đoạn đầu 2 bến 30.000 tấn và 50.000 tấn, nâng cấp Sân bay Vinh) nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Đông Nam và các KCN; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư vào khu kinh tế và các KCN nhưng không có khả năng thực hiện hoặc triển khai thực hiện dự án chậm nhằm khai thác sử dụng đất có hiệu quả hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Công Thương