Nợ đất quy ra vàng, người dân "ngồi trên lửa"

Cập nhật 11/12/2009 11:20

Giá vàng nhảy múa, tăng chóng mặt đang khiến hàng ngàn hộ tái định cư trên địa bàn TP Đà Nẵng như “ngồi trên đống lửa”, bởi thời hạn phải trả nợ (quy ra vàng) cho Nhà nước đã cận kề.

Trước đó, năm 2002, chủ trương cho người dân nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng của TP Đà Nẵng được hàng ngàn hộ dân tái định cư trên địa bàn TP ủng hộ, bởi giá vàng ở thời điểm đó rất ổn định, không phải lo trả lãi suất.

Nợ tăng gấp 6 – 7 lần

Năm 2002 gia đình chị Đặng Thị Mai, 45 tuổi, được mua phần đất 80m2 tại khu tái định cư Hòa Phú, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Do tiền đền bù không đủ nên gia đình chị Mai được ký nợ 22 triệu đồng, tương đương với 49 chỉ (giá vàng mức 450.000 đồng/chỉ). Nhưng nếu tính mức giá vàng 2,8 triệu đồng/chỉ vào ngày 9/12, số nợ của gia đình chị Mai đã lên đến gần 150 triệu đồng.

Tương tự trường hợp chị Mai, ông Phạm Trung Khảm, bí thư Chi bộ Hòa Phú 5, cho biết: “Khi chuyển về khu tái định cư Hòa Phú, những tưởng cuộc sống sẽ ổn định hơn, nào ngờ khoản nợ của gia đình giờ lên đến gần 100 triệu đồng”.

Chị Phạm Thị Hương (50 tuổi), thuộc khu tái định cư Hòa Phú 6 cũng than thở: “Ngày tui đến đây, cầm trong tay 41 triệu đồng tiền đền bù nhà đất. Chạy vạy xây cất được căn nhà mới, tui nợ thành phố 32 triệu đồng, tương đương gần 6 cây vàng lúc đó. Theo giá vàng hiện nay, tui phải trả trên 160 triệu đồng. Tôi thuộc diện mất sức lao động, nhà nghèo, có đến đời cháu, chắt cũng không thể trả nổi khoản đó”.
 

Giá vàng tăng đẩy món nợ của người dân Đà Nẵng ra xa khỏi tầm chi trả.


Trên địa bàn TP Đà Nẵng có hàng nghìn hộ dân tái định cư đang loay hoay với khoản nợ quá lớn như vậy. Chỉ tính riêng phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu đã có đến 360 hộ tái định cư đang trong tình trạng “ôm nợ” trầm trọng.

Giải pháp tình thế

Để giảm bớt khó khăn cho người dân, UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đồng ý giảm 40% giá trị vàng cho các hộ dân nợ tiền sử dụng đất tái định cư quy ra vàng 98% từ năm 2005 trở về trước; 10% đối với các hộ nợ từ năm 2006 đến 2010. Với quy định này, hàng nghìn người dân tại các khu tái định cư được giảm số tiền nợ từ 20 - 40 triệu đồng.

Theo văn bản trên, những hộ nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng từ năm 2005 trở về trước được phép nợ tối đa 15 năm không tính lãi. Đến năm thứ 16 mới tính lãi suất bằng vàng theo quy định của ngân hàng. Các hộ gia đình và các cá nhân thuộc diện giải tỏa được bố trí đất tái định cư cho nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng 98% từ năm 2005 trở về trước, khi trả nợ được giảm 40% giá trị vàng.

Các đối tượng thuộc diện giải tỏa được bố trí đất tái định cư cho nợ tiền sử dụng đất quy ra vàng 98% từ năm 2006 đến 2010, thời gian nợ tiền sử dụng đất tối đa là 10 năm, được giảm 10% giá trị vàng khi trả nợ.

Tuy nhiên, trong bối cảnh giá vàng liên tục leo thang, biện pháp trên vẫn không làm những hộ dân ký vào hợp đồng mua đất nợ vàng yên tâm.

Chị Mai lý giải: “40%, là mức giảm đáng kể. Nhưng nếu tính thời điểm từ năm 2005 trở về trước, khi đó giá vàng cao nhất cũng chỉ 800.000 đồng/chỉ, (nay thì đã lên tới gần 2,8 triệu đồng/chỉ) thì mức độ giảm chưa thấm tháp gì so với mức độ tăng. Số nợ của người dân không những không giảm mà vẫn nằm im, thậm chí nhích dần và tăng lên theo giá vàng”.

Trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh nhận định: “Tuy thành phố đã có chính sách hỗ trợ, nhưng với mức giá vàng cao như hiện nay, người dân vẫn khó có thể trả nợ đúng hạn”.

Ông Cường đề nghị: “UBND TP Đà Nẵng nên xem xét áp dụng mức giá vàng cố định. Bởi nếu áp dụng chính sách “mua đất quy ra vàng” như hiện nay, nếu giá vàng tăng, người dân sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi; còn nếu giá vàng giảm quá mức, thì Nhà nước lại bị thiệt. Suy cho cùng, chủ trường bán đất quy ra vàng mang tính rủi ro cao và không có ai được hưởng lợi”.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt