Níu giữ bản sắc kiến trúc Sài Gòn

Cập nhật 10/01/2010 08:15

GS-KTS Hoàng Ðạo Kính có lần viết: “Một thành phố luôn muốn xóa đi những kiến trúc cũ là thành phố mất trí nhớ...”. Sài Gòn từng có kiến trúc Ðông Dương.

KTS Nguyễn Văn Tất cũng từng lo lắng: “Một điều quan trọng mà chúng ta làm quá ít làđưa giá trị đô thị cũ vào cuộc sống hiện đại của đô thị mới”.

Bản sắc kiến trúc của TP.HCM từng là gì mà giới chuyên môn đau đáu giữ gìn? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS - KTS Lê Quang Ninh về chủ đề này.

* Thưa ông, nhắc đến TP.HCM là người ta nghĩ đến nhà thờ Đức Bà, dinh Thống Nhất, chợ Bến Thành, trụ sở UBND TP. Phải chăng đó là bản sắc kiến trúc Sài Gòn?

Sài Gòn theo những thăng trầm lịch sử chia làm ba trào lưu kiến trúc: Kiến trúc bản địa, kiến trúc Đông Dương và kiến trúc đương đại. Kiến trúc bản địa được mô tả là nhà phố dọc theo sông Bến Nghé cùng cảnh đô thị phồn hoa trên bến dưới thuyền, rồi chùa chiền, lăng tẩm, dinh trấn, nhà ở cổ xưa với mái ngói âm dương, ít gian, chái rộng, mái thấp, vách gạch, cột cây kê tán… Đó là Phụng Sơn Tự (chùa Gò) trên đường Ba Tháng Hai được lập vào đầu thế kỷ 19 trên một đồi nhỏ, bao quanh là ao; hoặc chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên… Kiến trúc rất thanh thoát, nhẹ nhàng từ mái cho đến bố cục bên trong. Nếu ta hồi phục được thì đây là những di sản văn hóa kiến trúc rất tuyệt vời.
 

Việc pha lẫn hài hòa giữa kiến trúc cũ và mới như thế này là một bài toán đau đầu đối với kiến trúc sư. Ảnh: HTD


Không thể thiếu quá khứ

* Ngoài những công trình nổi tiếng, công trình kiến trúc nào đặc biệt làm ông ấn tượng và thích thú?

Đến những ngôi chùa cổ như chùa Giác Lâm, chùa Giác Viên mới cảm nhận thế nào là sắc thái kiến trúc bản địa. Hoặc ngôi nhà được xem là cổ nhất Sài Gòn của đức giám mục Bá Đa Lộc trong khuôn viên tòa Tổng giám mục hiện được chọn làm nhà nguyện đẹp trong quan điểm cổ, có sắc thái rất riêng, không giống những công trình ngoài Bắc, Trung hay phương Tây.

* Ông hẳn từng tiếc nuối không ít trước những công trình có giá trị lịch sử văn hóa, văn hóa và nghệ thuật không được giữ gìn?

Cầu Ông Nghè trong Thảo Cầm Viên mất đi là rất uổng. Cây cầu này liên quan đến sự tích vợ một ông nghè cho xây cầu để chồng tiện đường đi làm việc. Thời Pháp, họ đã phục chế thành một cây cầu khá tiêu biểu thời Phục hưng. Cây cầu cũng từng có trong danh mục bảo tồn nhưng sau đã bị đập. Lẽ ra ta nên giữ gìn cầu và làm thêm một đối cảnh bên kia Thảo Cầm Viên đi qua thì giá trị cảnh quan của sông Thị Nghè sẽ tốt hơn nhiều.

Cái tiếc thứ hai là một số biệt thự rất tiêu biểu bị đập, có cái nay biến thành tòa nhà, làm Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên đường Võ Thị Sáu hoặc làm văn phòng Indochine cạnh dinh Thống Nhất... Sự biến dạng của một số đền chùa cũng vậy.

Xung đột cũ - mới

* Với kiến trúc hiện đại, ông đánh giá thế nào? Cái cũ và cái mới có thể hòa hợp được hay không?

Từ năm 2000 trở đi có thể gọi là trào lưu kiến trúc cao tầng. Cái này còn quá mới mẻ và ta chưa đủ thời gian để đánh giá nhưng đã thấy có những nơi nhìn ở khía cạnh phát triển kinh tế mạnh quá, làm cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ. Ví dụ, góc Lý Tự Trọng-Pasteur có công viên Bách Diệp và một biệt thự khá đẹp làm khu vực này khá yên bình lại xuất hiện một cao ốc quá to, quá cao; hay sau lưng dinh Thống Nhất tự dưng lại là văn phòng của Liên đoàn Lao động và quán ẩm thực… Trong hoàn cảnh này, cái khéo léo của giới kiến trúc để dung hòa giữa cái cũ và cái mới là rất quan trọng.

* Hiện chỉ còn sót lại những công trình kiến trúc cũ nằm rải rác hoặc chen lẫn những công trình hiện đại đủ thứ phong cách. Ở đây, có sự xung đột giữa bảo tồn và phát triển, thưa ông?

Đương nhiên là có sự xung đột, thậm chí là xung đột gay gắt giữa bảo tồn và phát triển mà nhà nước phải giải bài toán này. Nhưng nghiên cứu bảo tồn nhằm để phát triển, để kiếm chỗ khác phát triển mạnh, chứ đâu hẳn bảo tồn là giữ lại tất. Có điều mình làm chưa tới nên bây giờ công trình mới mọc lung tung. Nếu cách đây 10 năm mà ta đặt vấn đề bảo tồn thì có lẽ tốt hơn nhiều.

Tuy vậy, ta không phải vì trễ mà bỏ luôn, chấp nhận xóa những giá trị cũ. Một đô thị cũng như một đời người, phải có quá khứ, hiện tại và tương lai. Các cụ Vương Hồng Sển, GS Trần Văn Giàu, GS Trần Bạch Đằng, KTS Nguyễn Hữu Thái và nhiều người khác nữa đã nghĩ đến điều này từ rất sớm.

* Xin cảm ơn ông.

Sài Gòn từng có kiến trúc Ðông Dương

Khi người Pháp có mặt tại Đông Dương vào giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20, đô thị Sài Gòn hình thành một hình thái kiến trúc châu Âu có kết hợp thiên nhiên và tập quán xây dựng địa phương. Các hình thái vòm, cột, chóp, phù điêu, tượng, tranh tường của châu Âu được đưa vào hầu hết. Các công trình thời đó phảng phất đường nét các thời kỳ kiến trúc như Classique, Gothique, Baroque nhưng ở phần mái, cửa, sảnh, hiên, bố cục công trình thì lại không theo kiến trúc cổ điển phương Tây.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP