Ninh Bình: Xâm hại vùng lõi di sản

Cập nhật 29/01/2019 08:00

 64 điểm du lịch gia đình hoạt động trái phép ngay trong quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) nhưng chính quyền chưa thể xử lý

Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014. Đây là di sản "kép" độc đáo và duy nhất ở Việt Nam, có giá trị về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên và lịch sử - văn hóa.

Xây dựng tràn lan

Nhằm bảo vệ giá trị của di sản thế giới Tràng An, ngày 4-2-2016, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt quy hoạch chung đến năm 2030. Theo quyết định, tổng diện tích danh thắng Tràng An là 12.252 ha, trong đó trên 6.000 ha là vùng được kiểm soát đặc biệt nghiêm ngặt hạn chế và cấm các hoạt động xây dựng.

                                   
Một cơ sở kinh doanh homestay trái phép trong vùng lõi danh thắng Tràng An Ảnh: PHONG SƠN

Thế nhưng, theo báo cáo của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình, hiện địa phương này có 225 cơ sở kinh doanh du lịch gia đình (homestay) với gần 1.500 phòng nghỉ, riêng vùng lõi di sản thế giới Tràng An có 64 homestay.

Qua kiểm tra, Sở Du lịch Ninh Bình phát hiện 74 cơ sở kinh doanh homestay hoạt động trái phép. Trong số này có 29 cơ sở được phép hoạt động vì ra đời trước Quyết định số 230/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 15 cơ sở đang xây dựng và 20 cơ sở hoạt động trái quy định (ra đời sau Quyết định 230).

Đặc biệt, trong số này có 24 cơ sở xây dựng trên đất không phép (15 cơ sở đã xây dựng xong, 9 cơ sở đang xây dựng), 3 cơ sở xây dựng trên đất không đúng với giấy phép xây dựng được cấp… Từ đó, đoàn kiểm tra của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, dừng hoạt động 24 cơ sở; yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh lưu trú 5 cơ sở.

Ngoài ra, Sở Du lịch tỉnh này cũng đã đưa hình ảnh, địa chỉ các cơ sở homestay hoạt động trái phép trong di sản Tràng An lên trang thông tin để cảnh báo du khách khi tới đây nghỉ dưỡng.

Ghi nhận thực tế tại di sản thế giới Tràng An ngày 25-1, phóng viên nhận thấy các cơ sở kinh doanh du lịch tại đây vẫn hoạt động, sẵn sàng đón khách vào ăn uống, nghỉ dưỡng bất cứ lúc nào. Chúng tôi ghé vào một homestay có tên là T.C. - một trong những địa chỉ nghỉ dưỡng bị Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình "bêu tên". Tại đây, các nhân viên vẫn làm việc, đón khách bình thường. Thậm chí khi du khách nghi ngại về cơ sở mình không được phép, quản lý nhà nghỉ này khẳng định "không sao cả vì họ hoạt động lâu nay, có thấy ai nói gì đâu".

Chính quyền kêu khó!

Huyện Hoa Lư có hơn 20 cơ sở lưu trú xây dựng trái phép trong vùng lõi danh thắng Tràng An. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện, huyện đã nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân trong vùng lõi không xây dựng nhà nghỉ, hoạt động kinh doanh du lịch, thậm chí còn tổ chức phá dỡ.

"Cái khó là lúc đầu xây dựng họ nói có nhu cầu bức thiết về nhà ở, sau đó họ tự ý chuyển đổi kinh doanh nên cũng khó. Huyện cũng đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xử lý, vận động họ dừng hoạt động. Thế nhưng, cái khó là có hộ gia đình vẫn được hoạt động vì xây trước khi có Quyết định 230 nên hộ xây sau họ so bì nên nó khổ vậy đó!" - bà Cúc nói.

Ông Bùi Thành Đông, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cũng kêu khó khăn khi xử lý những cơ sở, kinh doanh dịch vụ homestay trái phép do sở không phải là đơn vị cấp phép nên không có chức năng xử phạt. Vì thế, sở chỉ kiểm tra sau đó lập biên bản đề nghị các cơ quan chức năng như huyện có cơ sở vi phạm và các sở, ngành liên quan xử lý.

Trước mắt, sở khuyến cáo du khách không nên lưu trú, nghỉ dưỡng tại các điểm kinh doanh homestay trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An. Đồng thời, sở có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, TP xem xét dừng cấp phép và thu hồi ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú ngắn ngày trong giấy phép kinh doanh của những cơ sở lưu trú. 


Diaoconline.vn – Theo Báo NLĐ