So với franchising (nhượng quyền) dịch vụ, franchising bất động sản có vẻ gặp nhiều khó khăn hơn và cho tới nay dịch vụ này vẫn chưa phát triển mạnh tại Việt Nam. Nguyên nhân vì sao?
Mở lối tiên phong
Công ty Cổ phần Nhà Vui được xem là công ty đẩy mạnh chương trình nhượng quyền thương hiệu trên toàn quốc đầu tiên trong lĩnh vực xây dựng - địa ốc.
Theo ông Nguyễn Thu Phong, Tổng giám đốc Nhà Vui, khách hàng có nhu cầu muốn franchising thương hiệu Nhà Vui sẽ được công ty tiến hành các thủ tục franchising cùng các trợ giúp khác về dịch vụ. Tuy nhiên, để được franchising, khách hàng phải đảm bảo một số tiêu chuẩn về địa điểm kinh doanh, khả năng tài chính, tính chuyên nghiệp và khả năng quản lý.
Điều đáng nói, cho đến nay, ngoài Công ty Nhà Vui (thực chất là công ty chuyên về nội thất) đẩy mạnh việc franchising, thì vẫn chưa có công ty địa ốc nào trong nước tiếp cận được với dịch vụ này.
Một chuyên gia trong ngành địa ốc nhận định, so với các ngành khác, franchising trong lĩnh vực bất động sản gặp nhiều khó khăn hơn do đòi hỏi mô hình quản lý và nguồn vốn đầu tư khá lớn.
Trước đây, công ty địa ốc Hoàng Quân cũng có kế hoạch franchising mô hình kinh doanh nhà theo kiểu trọn gói (tư vấn - thẩm định - môi giới - xây dựng), nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện được.
Gần đây, công ty môi giới địa ốc Vinaland, công ty địa ốc Phúc Đức.. cũng có kế hoạch xúc tiến việc franchising mô hình kinh doanh của mình, nhưng sự đóng băng kéo dài của thị trường nhà đất đã khiến họ phải từ bỏ ý định.
Theo bà Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, Việt Nam hiện là điểm nóng franchising bất động sản của một số tập đoàn địa ốc đến từ Nhật, Hàn Quốc và Singapore.
Lý do khá đơn giản: ở các nước kể trên, quá trình đô thị hoá đã chấm dứt. Họ không còn quỹ đất để hình thành nên các khu đô thị mới. Xuất khẩu công nghệ địa ốc ra nước ngoài là lối thoát kinh doanh cho họ.
Thực tế, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cấp giấy phép cho Công ty TNHH Phát triển THT - một tổ hợp gồm 5 nhà thầu xây dựng lớn của Hàn Quốc xây dựng khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), liên doanh Lee&Co Việt Nam đầu tư xây dựng cụm khu dân cư và cụm công nghiệp sạch rộng hơn 2000 m2 tại quận 7 (To.HCM) hay các nhà đầu tư Nhật được cấp phép xây dựng thành phố nghỉ mát ở khu Dankia - Suối Vàng (tỉnh Lâm Đồng)... đã phần nào minh chứng cho điều đó.
Trò chuyện với giới báo chí gần đây, ông Alfred Cheng, Tổng giám đốc Tập đoàn Lion Group (chủ đầu tư siêu thị Parkson Việt Nam) cũng không ngần ngại cho biết ý định, sẽ đẩy mạnh việc kinh doanh bất động sản tại Việt Nam trong một thời gian thích hợp.
Cần một bộ luật franchise bất động sản hoàn chỉnh
Theo ông Lý Quý Trung, Giám đốc Tập đoàn Nam An, (sở hữu chuỗi cửa hàng Phở 24), phí franchising thương hiệu trên thế giới trung bình khoảng 200.000 USD, trong đó chi phí khởi sự từ 10.000 - 25.000 USD. Nếu chỉ mở một ki-ốt nhỏ chi phí chỉ từ 3.000-5.000 USD.(phí franchising của Phở 24 từ 7.000-12.000 USD/cửa hàng).
Franchising bất động sản chi phí khởi đầu cũng ở mức tương tự, nhưng mức độ về cơ sở pháp lý có phần khắt khe hơn. Cụ thể, tại Mỹ, mức phí của công ty franchising bất động sản Century 21 Real Estate khoảng 20.000 USD, mức phí của công ty Coldwell Banker Real Estate từ 13.000-20.500 USD (hai công ty franchising hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản ở Mỹ).
Nhưng các công ty franchising bất động sản lại rất chú trọng đến tư cách pháp nhân, tiềm lực tài chính, cũng như uy tín trên thương trường của bên muốn nhận nhượng quyền.
Luật franchising của Mỹ quy định rất chặt chẻ các yếu tố bảo vệ quyền lợi của người nhượng quyền và người nhận nhượng quyền. Chẳng hạn, luật yêu cầu người cho thuê nhượng quyền bất động sản phải đệ trình các hợp đồng và điều khoản trước khi được nguời thuê ký. Người mua nhượng quyền có 14 ngày để tham khảo các báo cáo tài chính, liên lạc người thuê hợp đồng các nơi khác, tiến hành kiểm tra thông tin... Ngoài ra, các hình thức xử phạt, đền bù thiệt hại khi bên vi phạm hợp đồng được qui định rất cụ thể.
Theo ông Nguyễn An Bình, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, hình thức đầu tư kết hợp với hình thức kinh doanh kiểu Franchising bất động sản ngày càng phổ biến trên thế giới và có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, cách kinh doanh này đòi hỏi nhiều điều kiện phạm vi hoạt động nghiêm ngặt và chặt chẽ về luật pháp lẫn tài chính. Nên nếu nhà đầu tư bỏ vốn vào một dự án địa ốc ở Việt Nam cảm thấy không được thoải mái, môi trường không thuận lợi, không tạo ra lợi nhuận... thì họ sẽ rút ngay.
Vì vậy, những quy định về franchising trong Luật Thương mại không chưa đủ, mà tiến tới Chính phủ cần sớm ban hành thêm một bộ luật franchising bất động sản hoàn chỉnh mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, của thị trường bất động sản trong tương lai.