Những vùng đất 'chết' sau 5 năm mang danh Hà Nội

Cập nhật 19/12/2013 08:29

Sau 5 năm điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội, diện mạo thủ đô đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, mặt trái của làn sóng đầu tư ồ ạt, đầu cơ là những khu đô thị hoang lạnh vắng bóng người và hàng nghìn tỷ đồng bất động trong các dự án BĐS.

Trên khắp các quận, huyện vùng ven nội đô như Hà Đông, Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ... tràn lan các dự án "chết".

Số dự án "chết" nhiều phải kể đến huyện Mê Linh. Với 50 dự án trên địa bàn, Mê Linh từng được xếp vào vùng trọng điểm trên bản đồ BĐS Hà Nội. Sau 5 năm được phê duyệt, BĐS Mê Linh hoàn toàn bất động. Các khu đô thị nơi đây vẫn là những bãi đất hoang dùng để chăn thả trâu bò và những ngôi nhà xây thô để hoang cho cỏ mọc.

Các dự án tiêu biểu như khu đô thị Minh Giang - Đầm Và, Tiền Phong, Phúc Việt, Hà Phong, River land, AIC, Chi Đông, Diamond Park New... tạo thành chuỗi các đô thị nằm giữa vành đai 3 và 4. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay các dự án đình đám trên đều đang trong tình trạng bỏ hoang, chưa giải phóng mặt bằng.

Đốt tiền, chôn chân ở vùng đất mới Mê Linh. (Ảnh D.A)

Cùng với hàng loạt dự án đình đám đang để hoang cho cỏ mọc, nhiều chủ đầu tư cũng đã âm thầm biến mất. Theo thống kê của Ban GPMB huyện Mê Linh, hiện trên địa bàn có khoảng 50 dự án của 47 chủ đầu tư, với tổng diện tích đất lên đến 14.394ha. Tuy nhiên, có tới 49 dự án chưa hoàn thành xong GPMB.

Cũng nằm ở ven đô, ngay từ năm 2000, mảnh đất Quốc Oai đã được các doanh nghiệp lớn trong ngành xây dựng để mắt đến. Từ năm 2005 trở đi, các dự án đô thị chính thức bắt đầu được triển khai. Sau khi Đại lộ Thăng Long được đầu tư xây dựng, Quốc Oai trở thành địa bàn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Sau khi quy hoạch xây dựng chung Hà Nội được công bố, đã xảy ra biến động lớn trong các dự án, đồ án phát triển đô thị ở Quốc Oai. Biến động mạnh nhất là dự án khu đô thị Ngọc Liệp - Đồng Trúc từ chỗ có diện tích 2.100 ha nay chỉ còn khoảng 700 ha, phần thuộc xã Đồng Trúc bị loại bỏ vì nằm trong vành đai xanh, phần còn lại ở xã Ngọc Liệp chỉ có thể phát triển theo hướng xây dựng đô thị sinh thái.

Tiếp theo là dự án Khu đô thị thương mại Nam Cường cũng không thể thực hiện như quy hoạch ban đầu vì nằm trọn vẹn trong thị trấn sinh thái Quốc Oai.

Biệt thự ma trên vùng đất chết ở Thủ đô. (Ảnh D.A)

Dọc đại lộ Thăng Long cũng tập trung hàng trăm dự án bất động sản nhưng đều trong tình trạng hoang vu. Cách đây ít lâu, các dự án dọc theo trục đại lộ Thăng Long là tiêu điểm của giới đầu tư, liên tiếp các cơn sốt giá tại khu vực này.

Hiện tại khu vực này là hàng loạt dự án đang im lìm, bất động, cỏ mọc um tùm, nhà đầu tư tháo chạy. Kỳ vọng về một khu đô thị tráng lệ xứng tầm khu vực vẫn còn nằm trên giấy. Đại dự án Geleximco - Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư được triển khai xây dựng từ năm 2007. Đến nay chỉ lác đác vài hộ đến ở. Hàng loạt các dự án lớn như Spendora, Nam An Khánh,... cũng trong tình trạng tương tự.

Với nguồn cung dự kiến lớn và nhu cầu có khả năng chi trả không cao, BĐS đại lộ Thăng Long trong thời gian tới được dự báo sẽ khó sốt nóng trở lại. Những khu đất tiền tỷ, biệt thự triệu USD là cục nợ đeo đẳng nhà đầu tư như một cái xác thối, "bỏ thì thương, vương thì tội".

Dọc tuyến quốc lộ 32 thuộc địa bàn huyện Hoài Đức những khu đô thị hoành tráng như: Lideco, Vân Canh HUD, Tân Tây Đô... , với hàng ngàn căn biệt thự, nhà liền kề đã được xây dựng xong nhưng cũng không có người đến ở. Đáng chú ý, nhiều khu đô thị chưa biết ngày nào hoàn thành do quy định trước đây cho phép chia lô bán nền, không cần xây nhà..

Nhiều khu đô thị mới vắng bóng người. (Ảnh:D.A)

Tại Hà Đông, các khu đô thị mới như: Văn Phú, An Hưng, Dương Nội, Văn Khê, Mỗ Lao... từng là tâm điểm của cơn sốt bất động sản cách đây vài năm giờ cũng vắng bóng người.

Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho thấy, trong tổng số 152 khu đô thị trên địa bàn TP, mới có 15 khu đô thị cơ bản hoàn thành hạ tầng và đi vào sử dụng. 137 khu đô thị còn lại, có 45 khu đô thị đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các công trình trên đất, 92 khu đô thị đã được phê duyệt quy hoạch, đang giải phóng mặt bằng, thực hiện chuẩn bị đầu tư hoặc mới bắt đầu xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Trong khi đó, sau hơn 5 năm Hà Nội mở rộng, hàng ngàn hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp "hộ khẩu Hà Tây" vẫn chưa nhận được đất dịch vụ theo quy định của tỉnh Hà Tây trước đây. Việc này khiến đời sống người dân gặp khó khăn và cũng làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án mới.

Tồn kho lớn, khu đô thị "ma" là hệ quả tất yếu bởi sự ảm đạm của thị trường bất động sản và khó khăn của nền kinh tế. Chính việc ảm đạm của thị trường bất động sản đã tác động ngược lại đối với nền kinh tế bởi một phần rất lớn nguồn lực đang nằm chết.

Để tiếp tục cứu vãn tình hình, dân đầu cơ đang tìm mọi cách cắt lỗ, chủ đầu tư dự án cũng giảm giá, bán tháo để đẩy lượng hàng tồn và thu hồi vốn. Tuy nhiên, không dễ bán bởi cơ sở hạ tầng đi kèm còn nhiều thiếu thốn, lại ở xa trung tâm thành phố nên việc đi lại, học hành, làm việc... cũng trở nên khó khăn.

Nhận định về thị trường trong thời gian tới, theo các chuyên gia cho rằng về cơ bản chưa có chuyển biến tích cực vì những bất lợi mà thị trường này đang gặp phải cần có thời gian để cải thiện và cũng phải chờ những tín hiệu tốt hơn từ kinh tế vĩ mô.

DiaOcOnline.vn - Theo Vef