Đó là những công trình “không phải ai cũng xây được” đang làm xấu đi bộ mặt đô thị độc đáo này.
Những công trình ấy bất kỳ người dân Đà Lạt nào cũng thấy (và xì xào): Nếu vì những lý do khách quan, người Đà Lạt và du khách (Đà Lạt giờ đã không còn là của riêng người Đà Lạt) cũng ngậm bồ hòn để những giá trị đô thị đặc trưng ấy “ra đi”. Nhưng sự phôi phai đó có nguyên do của sự tắc trách trong quản lý hoạt động xây dựng, để rồi góp phần làm tan vỡ nhanh, tổn thất đi giá trị của đô thị Đà Lạt thì đáng tiếc vô cùng.
“Đêm Vàng” ngạo nghễ
Hai năm nay, chính quyền thành phố Đà Lạt kiên trì dồn lực giải tỏa rất khó khăn hàng quán hai bên trục đường Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc phường I), lối vào trung tâm sinh hoạt thương mại của thành phố (chợ Đà Lạt) để tạo bộ mặt một con phố công cộng, phố đi bộ vào các đêm cuối tuần, phố mỹ quan tiêu biểu cho thành phố du lịch.
Hai bên đường này, xưa nay đều là đất công cộng, quy định là vị trí không được phép có nhà cửa cư dân. Đùng một cái, căn nhà duy nhất của tư nhân lù lù mọc lên trên miếng đất bé tẹo (không đầy 70 m2) ở một vị trí vô cùng trắc trở: không có đường vào, lọt thỏm nơi miếng đất không ai dám đụng vào ở phía sau một nhà hàng lâu đời mà chính quyền đang trong giai đoạn “đàm phán” để giải tỏa nốt nhằm tạo không gian cho con phố đi bộ.
Chủ nhà tự đặt số cho căn nhà: số 6 và trưng lên tấm bảng Đêm Vàng (Gold Night), sát bên khách sạn ba sao Golf III nổi tiếng. Từ đó, dân gian ở phố núi gần năm nay gọi mỉa mai đây là “Golf 4”. Chuyện “động trời” là người ta cấp giấy tờ xây dựng hẳn hoi để căn nhà trên ra đời... hợp pháp.
Ba năm nay, Lâm Đồng bỏ ra trên 10 tỷ đồng để xây dựng công viên lớn Bà Huyện Thanh Quan. Cùng đó, ít nhất năm tỷ đồng tiền thuế của dân được chi ra để giải tỏa tất cả những vườn rau, nhà cửa vốn được xây lên không đúng quy hoạch. Điều đó nhằm để có thêm một công viên xứng tầm “thành phố hoa” dành cho nhân dân và du khách. Và rồi tất cả các căn nhà đều được giải tỏa y lệnh, ngoại trừ căn nhà này. Nhân dân bảo chính quyền xây dựng công viên cho... biệt thự trên và gọi căn biệt thự trên là “ngôi nhà bí ẩn”.
Khách sạn Đêm Vàng.
“Cơ thể” Đà Lạt bị cưỡng bức Trục đường diễm lệ nhất, còn giữ nguyên vẻ đẹp xưa cũ của “Đà Lạt mộng mơ” thuộc vùng trung tâm của phố núi là sau Dinh II, được đặt tên là Khởi Nghĩa Bắc Sơn (phường 10). Đoạn đường đầy thông và vắng bóng công trình xây dựng này từ lâu đã được xác định là khu vực “bất kiến tạo”, bởi có di tích lịch sử (Dinh II) và để giữ nguyên vẹn hình ảnh còn lại của những mảng rừng thông, trảng cỏ, thung lũng, sương mù cho du khách thưởng lãm...
Hơn 115 năm qua, không người dân Đà Lạt gốc nào dám mơ ước cất nhà lên chỗ đấy. Nhưng hơn một năm qua, có căn biệt thự tên là Hoàng Triều lại ung dung mọc lên, mà chủ nhân là một doanh nhân đến từ TP.HCM.
Công trình xây mới cửa hàng La Tulipe đồ sộ đã làm không gian khu trung tâm Hòa Bình (trái tim thành phố) nhìn từ hướng tượng đài “Người phụ nữ Đà Lạt” bên dưới bị nuốt chửng. Tiếp đó, dư luận choáng hơn khi chính quyền làm ngơ để Công ty DaLat Toserco “liên kết” với một tư nhân khác nữa cất nguyên một cái chợ chui bên trên với gần 20 sạp hàng để cho thuê, mỗi tháng thu vào 15-25 triệu đồng. Đã gần hai năm, chính quyền thừa nhận đây là “công trình chợ xây chui” giữa nơi nhạy cảm nhất thành phố nhưng vẫn... lầy ra, mặc cho người dân phản ứng.
Trật tự xây dựng lơi lỏng Căn nhà tự đặt số 21 đường Khe Sanh của một đại gia từ TP.HCM lên cất chỗ để nghỉ ngơi, từng bị chính quyền phường 10, TP Đà Lạt kiên quyết cưỡng chế, cho đập bỏ vì xây dựng trái phép và tự san lấp núi đồi, phá hỏng không gian cảnh quan chung để tạo nền nhà. Đùng một cái, nó lù lù mọc lên lại sau vài tháng và chẳng hiểu sao lại có giấy phép thành phố cấp hẳn hoi.
Công ty DaLat Toserco liên kết với một tư nhân
cất nguyên một cái “chợ chui” như thế này.
Con đường Ba Tháng Tư được xem cực nhạy cảm vì là đường cửa ngõ đón chào du khách (lên đèo Prenn). Khoảng 10 năm trước, kiến trúc hai bên chỉ toàn biệt thự với cao tầng công trình khiêm tốn, lịch lãm, mái đủ nhô lên mặt đường. Thế rồi căn “siêu mỏng” (nhà 15B) chẳng hiểu bằng phép màu gì đã ra đời được. Và từ tiền lệ đó, những căn nhà về quy chuẩn không thể được xây mang vóc dáng hộp diêm như thế đủng đỉnh được “nhân bản” một cách... hợp lệ.
Khách sạn Ngọc Phương Nam (8A Trần Hưng Đạo) nằm ở vị trí đắc địa, phía sau cây xăng Kim Cúc đã buộc phải cho giải phóng để tạo cảnh quan xinh đẹp cho bùng binh lối cửa ngõ vào thành phố du lịch. Điều “kỳ diệu” là chủ nhân của khách sạn đó đã có thể cất hợp pháp một khách sạn ở vị trí này và bản thiết kế khách sạn ấy do con của một vị nguyên lãnh đạo tỉnh vẽ. Cán bộ ngành xây dựng địa phương nói nếu không phải con của một người lãnh đạo vẽ thì còn lâu mới có thể xây dựng công trình ở vị trí đó.
Bộ mặt vốn tử tế, thanh thoát của đô thị có một không hai này đang gồng gánh cả những phi lý cùng ngang trái của thời cuộc, đời sống kinh tế thị trường và có khi là cả sự quan liêu của một bộ phận những người có trách nhiệm quản lý xây dựng.
Theo Pháp Luật TP.HCM