Những vấn đề trong bồi thường, di dân, tái định cư

Cập nhật 08/08/2013 13:42


Bản tái định cư Tân Dương, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, Lai Châu, phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. (Ảnh: TTXVN)
Song song với việc đầu tư xây dựng nhiều dự án thủy điện để cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế-xã hội, thì việc thực hiện các chế độ chính sách về bồi thường, di dân, tái định cư cũng đang đặt ra những vấn đề lớn bởi lẽ những công trình này đã phải di dời dân cư và thu hồi đất đai với quy mô khá lớn.

Nếu không giải quyết một cách rốt ráo, vô hình chung sẽ đưa những người dân nhường đất để xây dựng các công trình của đất nước rơi vào cảnh nhà không có mà đất cũng không. Nhất là đối tượng dân cư bị ảnh hưởng chủ yếu lại là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.

Cơ bản là tốt hơn nơi ở cũ

Trên cơ sở kiểm tra và báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, công tác bồi thường, di dân tái định cư tại các dự án thủy điện cơ bản tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Các khu tái định cư được xây dựng đều có kết cấu hạ tầng, nhà ở tốt hơn nơi ở cũ, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tiếp cận thông tin và các dịch vụ công cho đồng bào tái định cư. Đi đôi với việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…) trong khu vực cũng như tại các khu/điểm tái định cư được đầu tư xây dựng, nâng cấp đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Xã Hà Mòn (huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum) là địa bàn tái định cư của dự án thủy điện Pleikrông do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư là một ví dụ. Xã này đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2012 đầu tiên ở Tây Nguyên. Việc bồi thường, hỗ trợ theo chính sách hiện hành của Nhà nước cũng tạo điều kiện để người dân vùng dự án có nguồn vốn đầu tư phát triển sản xuất, phục vụ sinh hoạt.

Tại tỉnh Lâm Đồng, theo thống kê của Bộ Công Thương, dự án thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi đã xây dựng đường nhựa từ thành phố Bảo Lộc vào đến công trình, cấp vốn xây dựng đường liên thôn của xã Lộc Nam; xây dựng trường học khang trang; đã hỗ trợ xây dựng trạm y tế và cấp phát thuốc miễn phí cho các hộ nghèo.

Người dân tái định cư được phổ biến kiến thức và cách thức sản xuất, kiến thức phòng, chống các bệnh dịch thông thường, được sử dụng điện lưới quốc gia. Trong số tiền đền bù của dự án, đã trích ra một phần để xây dựng trạm bưu điện ở mỗi xã. Tại dự án thủy điện Đại Ninh cũng vậy, cơ sở hạ tầng tái định cư có chất lượng tốt, nhà ở khang trang, người dân có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, được tiếp cận các dịch vụ y tế và con cái được học hành.

Các sinh kế và thu nhập không bị thay đổi nhiều mà còn tốt hơn. Vào mùa giáp hạt, dự án có chính sách cấp phát lương thực cho đồng bào trong khu tái định cư. Các lễ hội, phong tục truyền thống được lưu giữ và phát huy tại các nhà văn hóa và phòng truyền thống ở mỗi xã; mồ mả dòng tộc được đền bù và quy tập về các nghĩa trang của khu tái định cư.

Đối với dự án thủy điện Buôn Tua Srah, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, có khoảng 130 ha đất sản xuất bị ngập úng và 2 đoạn bờ sông bị sạt lở. Hiện nay, EVN đã thi công công trình ngăn ngập cho 48,68 ha đất; bồi thường, hỗ trợ cho 4,42 ha đất sản xuất bị sạt lở; đang tập trung gia cố 1 đoạn bờ sông bị sạt lở có ảnh hưởng đến đường giao thông và kênh thủy lợi Đắk Rền thuộc xã Nậm N'Đir để hoàn thành trong tháng 8 này. Đồng thời phối hợp với cơ quan tư vấn lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho khoảng 30 ha bị ngập.

Hợp nhất hệ thống văn bản chính sách

Nhìn nhận của các địa phương nơi có dự án thủy điện và các cơ quan chức năng cho thấy xét về tổng thể, hệ thống các quy định hiện hành hướng dẫn thực hiện công tác bồi thường, di dân, tái định cư hiện khá phức tạp gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, do vậy hầu hết các tỉnh đều đề nghị Chính phủ xem xét hợp nhất các văn bản này.

Các quy định liên quan cũng thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng quyền lợi cho người dân bị ảnh hưởng, trong khi các dự án thủy điện lớn thường phải thực hiện nhiều năm. Việc triển khai vướng mắc cho cả chính quyền địa phương và chủ đầu tư khiến vốn đầu tư cho dự án tăng cao, dẫn tới chủ đầu tư bị động trong kế hoạch huy động vốn bổ sung, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ và hiệu quả đầu tư, cũng như phát sinh khiếu nại đòi hỏi quyền lợi của người dân…

Tại dự án thủy điện Đồng Nai 2 tỉnh Lâm Đồng là một ví dụ. Với mức hỗ trợ bằng 3 lần giá đất, đã phát sinh hơn 450 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ. Cùng với chi phí xây dựng công trình tăng hơn 800 tỷ đồng do biến động về giá vật tư, vật liệu, chi phí nhân công, tỷ giá ngoại tệ... chủ đầu tư dự án đang đề nghị giá bán điện ở mức rất cao (khoảng 1.500 đ/kWh) và không kịp thời vay bổ sung nguồn vốn để chi trả cho người dân. Vì vậy, tiến độ tích nước để phát điện đã bị chậm so với yêu cầu của Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong khi khu vực phía Nam đang thiếu điện. Các dự án thủy điện khác như Hủa Na, Đắk Đrinh, Bản Chát... cũng gặp phải những khó khăn tương tự.

Theo Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 1/6/2010), đối với diện tích đất sản xuất nằm trên cốt ngập hồ chứa nhưng cách xa nơi ở tái định cư sẽ phải thu hồi, bồi thường và hỗ trợ cho hộ dân tái định cư. Tuy nhiên, Quyết định này chưa quy định cụ thể về tiêu chí cự ly và điều kiện giao thông từ khu tái định cư đến đất sản xuất; về trường hợp hộ dân không phải tái định cư nhưng có đất trên cốt ngập cần thu hồi do không có đường vào sản xuất sau khi hình thành hồ chứa; về việc quản lý và sử dụng đất sau khi thu hồi.

Trước đây, theo Nghị định số 197/2004/NĐ-CP, chỉ các hộ dân bị thu hồi trên 30% diện tích đất sản xuất mới được hưởng chế độ hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và đào tạo việc làm. Hiện nay, theo Nghị định số 69/2009/NĐ-CP, tất cả các hộ dân có đất sản xuất bị thu hồi sẽ được hưởng chế độ hỗ trợ nêu trên. Quy định này mặc dù quyền lợi của người dân bị thu hồi đất sản xuất được tăng thêm nhưng cũng chưa thực sự phù hợp, thiếu công bằng.

Trong khi đó, trên cùng một địa bàn tỉnh có nhiều dự án cùng triển khai nhưng lại áp dụng các cơ chế bồi thường, hỗ trợ khác nhau gây khó khăn cho việc giải phóng mặt bằng, tăng chi phí, phát sinh thắc mắc, khiếu nại, khiếu kiện của người dân. Ở một góc nhìn khác, công tác tư vấn, thẩm định, phê duyệt phương án và thực hiện bồi thường di dân tái định cư tại một số dự án chưa thực hiện theo đúng quy định hoặc phương án quy hoạch chưa thực sự hợp lý. Vì vậy, một số dự án đã bị thiếu sót đất phải đền bù, không đủ đất tái định canh, người dân không chịu nhận đất sản xuất hoặc không vào khu tái định cư, các công trình hạ tầng và công cộng được xây dựng chưa đồng bộ hoặc xuống cấp nhanh, ảnh hưởng đến ổn định sinh hoạt và sản xuất của người dân tái định cư.

Còn nhiều vấn đề đang đặt ra trong công tác di dân tái định cư tại các dự án thủy điện rất cần các bộ ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng như chủ đầu tư các dự án cùng chung tay tháo gỡ. Có như vậy, mục tiêu của Đảng và Nhà nước là để người dân tái định cư có cuộc sống ở nơi mới tốt hơn nơi ở cũ mới trở thành hiện thực./.

DiaOcOnline.vn - Theo Thông tấn xã Việt Nam