Theo Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), toàn thành phố hiện có 1.219 dự án, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công, trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi côn.
Tóm tắt
Vấn nạn lớn nhất cho thị trường BĐS Tp.HCM là: sản phẩm dở dang; công trình dở dang; dự án dở dang. Hiện nay, trên thị trường vẫn còn rất nhiều sản phẩm nhà ở không bán được, nhất là những dự án có diện tích căn hộ lớn, còn căn hộ có diện tích nhỏ đều bán rất tốt.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, xu thế đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc ký kết nhiều hiệp định tự do thương mại, đặc biệt là TPP, dự báo sẽ có sự chuyển dịch đầu tư vào Việt Nam và thành phố, sẽ thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài và thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường BĐS, trước hết là phân khúc thị trường BĐS công nghiệp, nhà xưởng, phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê, căn hộ dịch vụ.
Song song đó, trên địa bàn Tp.HCM tính từ năm 2012 đến nay, vẫn còn khá nhiều dự án BĐS không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, nhiều dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án, nhưng phần còn lại doanh nghiệp không thể thỏa thuận đền bù được, nên rất cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Ông Châu, còn cho rằng thị trường BĐS thành phố mặc dù đang trên đà phục hồi khá nhanh nhưng chưa thật sự vững chắc, phát triển chưa đồng bộ. Mặt khác, những yếu tố tác động đến thị trường như quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố…
“Tồn kho BĐS trên địa bàn thành phố hiện nay được xem là phần chìm của tảng băng khổng lồ. Trong đó, đáng lo ngại nhất là lượng nhà ở tồn kho của những dự án ngưng triển khai, “đắp chiếu”, chứ không phải là tồn kho tại các dự án đã và đang triển khai”, ông Châu nói.
Cũng theo ông Châu, vấn nạn lớn nhất cho thị trường BĐS Tp.HCM là: sản phẩm dở dang; công trình dở dang; dự án dở dang. Hiện nay, trên thị trường vẫn còn rất nhiều sản phẩm nhà ở không bán được, nhất là những dự án có diện tích căn hộ lớn, còn căn hộ có diện tích nhỏ đều bán rất tốt. Các dự án BĐS tại Tp.HCM nhìn chung đều có tính khả thi cao, nhưng do chính sách về điều chỉnh diện tích căn hộ lớn thành nhỏ vẫn còn cứng nhắc nên không giúp doanh nghiệp giải quyết được đầu ra.
Trước những vấn đề trên, Chủ tịch HoREA đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường giải phóng mặt bằng được từ trên 80% diện tích, để tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án, để xử lý nhiều dự án đang đền bù dở dang trong số 502 dự án đang ngừng triển khai. Giá bồi thường của phần diện tích còn lại của dự án không được thấp hơn giá bồi thường cao nhất mà doanh nghiệp đã thực hiện trước đây. Hoặc Tp.HCM sớm có cơ chế giao cho tòa án để xem xét quyết định giá bồi thường một cách khách quan.
Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (sửa các Nghị định 45, 46/2013/NĐ-CP), trong đó, có nội dung về khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi tính tiền sử dụng đất. Hiệp hội đề nghị có cơ chế để xác định chi phí mà doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách hợp lý, để khắc phục tình trạng gần như doanh nghiệp phải mua lại hai lần như hiện nay, cũng là một nguyên nhân làm tăng giá thành nhà ở mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.
“Về lâu dài, chúng ta cần biến khoản thu tiền sử dụng đất thành Thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở" với thuế suất cụ thể để khắc phục việc nộp tiền sử dụng đất hiện nay đang là một gánh nặng, là một ẩn số đối với doanh nghiệp, và trên thực tế dễ phát sinh cơ chế xin – cho”, ông Châu đề xuất.
Cuối cùng, đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản có tính trung hạn và dài hạn, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn trung hạn, dài hạn trước hết là nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý. Thị trường cũng chưa có cơ chế để tạo nguồn vốn tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội dài hạn, tối thiểu 20 năm, với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm, do vậy rất cần được bổ sung, sẽ là một nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường BĐS phát triển bền vững.
DiaOcOnline.vn - Theo Trí thức trẻ