Những quy định về mái che cầu thang, tầng lửng... của nhà phố liên kế trên địa bàn TPHCM đã được tổng hợp cụ thể trong quy định về kiến trúc nhà ở liên kế trong khu đô thị hiện hữu do UBND TP vừa ban hành.
Giàn hoa, mái che cầu thang: có chiều cao tối đa 3 m (tính từ sàn sân thượng). Diện tích mái che không được lớn hơn1/2 diện tích sàn sân thượng và phải bố trí có sân trước, sân sau. Khoảng lùi phía trước cách vị trí mặt tiền sàn sân thượng tối thiểu 4 m, khoảng lùi phía sau cách ranh đất mặt hậu tối thiểu 2 m.
Tầng lửng: Chỉ được bố trí tại tầng trệt công trình với diện tích xây dựng không quá 80% diện tích xây dựng tầng trệt.
Tầng hầm: Phần nổi của tầng hầm (tính đến sàn tầng trệt) không quá 1,2 m so với cao độ vỉa hè hiện hữu ổn định. Vị trí đường xuống tầng hầm (ram dốc) cách ranh lộ giới tối thiểu 3 m. Đối với nhà ở liên kế có mặt tiền xây dựng giáp với đường có lộ giới nhỏ hơn 6 m thì không thiết kế tầng hầm có lối lên xuống dành cho ô tô tiếp cận trực tiếp với đường.
Ban công, ô văng: Có độ vươn ra không gian phụ thuộc chiều rộng của lộ giới. Cụ thể đường dưới 6 m thì không được vươn ra, đường 6 m - 12 m có độ vươn là 0,9 m; đường từ 12 m - 20 m có độ vươn là 1,2 m; đường trên 20 m là 1,4 m. Mặt dưới của ban công, ô văng phải cao hơn mặt vỉa hè hiện hữu ổn định tối thiểu 3,5 m. Các hình thức trang trí mặt tiền (bao gồm lam trang trí, ô kính, lan can, tay vịn...) không vượt quá 50% diện tích bề mặt các tầng có ban công.
Khoảng lùi tại tầng trệt công trình nhà ở liên kế trong các trục đường thương mại - dịch vụ: Phải được bố trí nhằm tăng thêm diện tích công cộng và tiếp cận dịch vụ thương mại. Khoảng lùi này tùy thuộc quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị nhưng phải rộng tối thiểu 3 m so với ranh lộ giới. Trong khoảng lùi này không được xây các vật dụng kiến trúc khác như bậc cấp, tường ngăn mà chỉ được xây cột đỡ kết cấu sát lộ giới.