Những phát ngôn khiến thị trường bất động sản "nổi sóng" năm 2013

Cập nhật 17/12/2013 11:21

Hiệu ứng doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đổ vỡ chỉ mới bắt đầu, doanh nghiệp BĐS mong được ngân hàng xiết nợ, nên để thị trường bất động sản rơi tự do... là những phát ngôn “gây sốc” trong giới BĐS năm 2013.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để “cứu” BĐS

Hồi tháng 2/2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, nhiều bộ ngành... kiến nghị cực “sốc”: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kiến nghị này đã dấy lên làn sóng tranh luận.

"Cần đánh thuế thu nhập cá nhân khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm này. Tôi đã nghiên cứu kỹ ở nước ta người dân có được khoản tiền 500 triệu đồng để gửi NH không nhiều. Quốc hội nghiên cứu có thể nâng lên hoặc hạ xuống", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Ngay sau khi nghe về nội dung đề xuất này, ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận xét: “Có thể thấy HoREA đang sốt ruột với thị trường BĐS, nhưng đây là một kiến nghị bất khả thi trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện nay”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM.

"Nên để thị trường bất động sản rơi tự do"

Phát biểu về thị trường BĐS vào tháng 3/2013, tiến Sĩ Alan Phan cho rằng, “nên để thị trường bất động sản rơi tự do”.

Theo ông, điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30% - 50% để "bắt kịp" thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn.

Vị TS này còn cho rằng, để bất động sản rơi tự do nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng và nguy cơ các ngân hàng phá sản cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc các ngân hàng phá sản là chuyện không đáng lo, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền.

Tiến Sĩ Alan Phan.

Bầu Đức: "Ông Alan Phan nói như cậu SV dạy toán cho GS Ngô Bảo Châu"

Cũng ngay sau đó, phân tích về quan điểm “để thị trường BĐS rơi tự do” và "Hãy để nó (thị trường BĐS VN - pv) chết đi" của TS Alan Phan về thị trường BĐS Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhấn mạnh: “Alan Phan là ai? Trong lịch sử, ông ấy đã làm gì cho đất nước Việt Nam? Đối với thị trường BĐS, ông Alan Phan có dự án nào ở VN không? Câu trả lời là “không có”. Ông ấy có một công ty nào thành đạt không? Câu trả lời cũng là “không”. Một người không biết gì mà lại đi khuyên những người biết gì, giống như một người không biết đá banh mà lại nói chuyện đá banh hoặc chẳng khác nào một cậu sinh viên lại “lên mặt” dạy toán cho GS.Ngô Bảo Châu”.

Trong mắt mọi người, Alan Phan có thể là một doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc nhưng trong mắt của bầu Đức, Alan Phan chỉ là một con số 0.

Bầu Đức chia sẻ thẳng thắn: “Tôi nghe câu nói của Alan Phan: "Hãy để cho nó (doanh nghiệp BĐS – pv) chết đi", tôi cho là cực kỳ thiếu văn hóa. Chúng ta là người có học, tại sao lại nói như thế!”.

Trong mắt mọi người, TS Alan Phan có thể là một doanh nhân với 43 năm kinh nghiệm tại thị trường Mỹ và Trung Quốc, cũng là Việt kiều đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên niêm yết sàn chứng khoán Mỹ nhưng trong mắt của bầu Đức, Alan Phan chỉ là con số 0.

Vị lãnh đạo của Tập đoàn HAGL khẳng định: Thị trường BĐS Việt Nam có những đặc điểm phức tạp riêng của nó và chỉ những người trong nước, những người trong cuộc, trực tiếp nhặt từng miếng sắt, viên gạch để xây nhà thì mới hiểu rõ nhất, thấm sâu nhất về BĐS.

Người đứng đầu Tập đoàn HAGL nhấn mạnh: Dư luận không nên đề cập quá sâu hoặc cuốn vào những lời nói của ông Alan Phan bởi nó chỉ làm rối thị trường, rối xã hội hoặc có động cơ xấu ẩn chứa phía sau những “tuyên bố sốc” của ông Alan Phan.

Doanh nghiệp BĐS mong được ngân hàng xiết nợ

Hồi tháng 6/2013, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bà Đỗ Thị Loan cho biết, không ít doanh nghiệp mong được ngân hàng “xiết nợ” BĐS với giá trị mà ngân hàng đã định giá trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là mong ước, vì các ngân hàng đã trót định giá quá cao.

Chia sẻ trên tờ Đầu tư chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, nên phát mại BĐS dưới giá trị sổ sách để thị trường sớm phục hồi.

Bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM.

Theo ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, nếu chỉ dựa vào con số trên sổ sách thì rất khó để Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) giải quyết tài sản phát mại, bởi con số này thường cao hơn nhiều so với giá thị trường. Vì thế, tài sản phát mại có thể phải bán thấp hơn giá trị sổ sách 30 - 40%. Năm 1997, thị trường Thái Lan đã phải phát mại tài sản BĐS chỉ bằng 1/4 giá trị sổ sách để cứu thị trường.

Hiệu ứng doanh nghiệp BĐS đổ vỡ chỉ mới bắt đầu

Đầu tháng 7/2013, trước những thông tin về ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hưng (chủ đầu tư dự án 409 Lĩnh Nam), đồng thời cũng là chủ tịch tập đoàn Vina Megastar (chủ đầu tư của hàng loạt dự án bất động sản tại Hà Nội) bị bắt khiến hàng trăm khách hàng của những dự án này đang đứng trước nguy cơ mất trắng số tiền góp vốn hàng trăm tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành dự đoán: "Tôi cho rằng đây là những cú sốc đầu tiên để sắp tới chào đón những cú sốc liên tiếp nữa. Tôi lo sợ nó sẽ trở thành hiện tượng domino với hàng loạt doanh nghiệp sẽ đổ vỡ tiếp theo",

Ông Nguyễn Văn Đực cũng nhận định: Tình hình hiện nay rất nguy hiểm cho chủ đầu tư BĐS... Hiện tượng đổ vỡ của doanh nghiệp BĐS đã được báo động rất dễ xảy ra nhưng rất tiếc không có cách gì để cứu đến khi doanh nghiệp dần dần kiệt sức. Có thể nói cách đây 1 – 2 năm thì tình hình chưa đen tối như hiện nay, nếu lúc đó nhà nước có những biện pháp tích cực tháo gỡ tình hình không đến nỗi tồi tệ như bây giờ.

"Lương 6 triệu đồng/tháng hoàn toàn mua được nhà ở Hà Nội"

Sáng ngày 20/8, trả lời trực tuyến trên Báo Điện tử VTC News với chủ đề “Nhà ở xã hội – Cơ hội cho người nghèo”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết, với mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng hoàn toàn có thể mua được nhà tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nam, để giải quyết vấn đề nhà ở, phải có nhiều giải pháp và nhiều gói sản phẩm khác nhau để phục vụ nhiều tầng lớp, đối tượng khác nhau trong xã hội. Đối với nhà thu nhập thấp, hiện có dải rất rộng từ 30 – 70m2, giá cả tùy vị trí và địa phương có thể dao động từ 6 – 12 triệu đồng/m2. Cụ thể, ở Hà Nội, có một số dự án giá từ 8 – 8,5 triệu đồng với diện tích căn hộ 30,2m2. Giá căn hộ khoảng 250 triệu đồng, người mua có vốn đối ứng 50 triệu đồng, có thể làm thủ tục vay ngân hàng 200 triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam.

Theo phân tích của Thứ trưởng Nam, nếu 200 triệu đồng này được vay trong 10 năm thì mỗi năm trả 20 triệu đồng, mỗi tháng trả 1,6 triệu đồng tiền gốc và 1 triệu đồng tiền lãi những tháng đầu tiên. Như vậy, tháng đầu tiên trả 2,6 triệu đồng/tháng.

“Nếu người có mức lương 6 triệu đồng và sống một mình thì hoàn toàn có thể mua được căn hộ 30m2”- ông Nam nhấn mạnh và những tháng sau do gốc giảm dần, lãi hàng tháng cũng giảm dần đi.

"Không nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam"

Ngày 6/9/2013, trong một phát biểu tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM về tình hình thực hiện Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở trên địa bàn thành phố TS Trần Du Lịch cho rằng: "Điều kiện kinh doanh quá dễ dãi nên mới có chuyện nhà nhà kinh doanh. Có lẽ trên thế giới không có nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam".

TS Trần Du Lịch.

Theo ông Lịch, đây là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Bí quyết kinh doanh bất động sản gói gọn trong 2 điều, thứ nhất là chọn địa điểm đúng và thứ hai là biết sử dụng đồng tiền của người khác để đầu tư.

"Yếu tố thứ hai được ràng buộc bởi sự quản lý của Nhà nước có chặt chẽ về năng lực tài chính hay không. Nếu không, người ta sẽ tận dụng điều này để gây thiệt hại cho khách hàng là đối tượng yếu thế", ông Lịch phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Giáo Dục VN