Những phát ngôn gây 'sốc'thị trường bất động sản

Cập nhật 25/12/2013 13:58

Trong năm 2013, dù thị trường địa ốc vẫn ảm đạm nhưng nhiều phát ngôn của các đại gia, chuyên gia bất động sản đã góp phần hâm nóng thị trường này.

"Nên để thị trường bất động sản rơi tự do"

Tiến sĩ Alan Phan
Hồi cuối tháng 3/2013, Tiến sĩ Alan Phan đã làm “dậy sóng” và gây ra tranh cãi trong giới bất động sản khi đề xuất “nên để thị trường bất động sản rơi tự do”.

Điều này sẽ làm giá nhà giảm thêm 30-50% để "bắt kịp" thu nhập của người dân và sẽ tạo ra một tầng lớp trung lưu có đủ điều kiện mua nhà. Người dân sẽ có thêm niềm tin và đây chính là một cú hích tạo ra sự kích cầu lớn. Ông còn cho rằng, để bất động sản rơi tự do, nợ xấu của ngân hàng sẽ tăng và nguy cơ các ngân hàng phá sản cũng sẽ tăng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng việc các ngân hàng phá sản là chuyện không đáng lo, miễn là Chính phủ bảo đảm người dân sẽ không mất tiền.

Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm để “cứu” BĐS

ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Hồi tháng 2/2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, nhiều bộ ngành... kiến nghị gây “sốc”: Đánh thuế thu nhập trên tiền lãi từ những khoản gửi tiết kiệm trên mức 500 triệu đồng, để chuyển hướng dòng tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh. Kiến nghị này đã dấy lên làn sóng tranh luận.

"Cần đánh thuế thu nhập cá nhân khoản lãi thu được từ gửi tiết kiệm này. Tôi đã nghiên cứu kỹ ở nước ta người dân có được khoản tiền 500 triệu đồng để gửi NH không nhiều. Quốc hội nghiên cứu có thể nâng lên hoặc hạ xuống", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nói.

Doanh nghiệp BĐS mong được ngân hàng xiết nợ

Hồi tháng 6/2013, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bà Đỗ Thị Loan cho biết, không ít doanh nghiệp mong được ngân hàng “xiết nợ” BĐS với giá trị mà ngân hàng đã định giá trước đó. Tuy nhiên, đó chỉ là mong ước, vì các ngân hàng đã trót định giá quá cao.

Bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM
Chia sẻ trên tờ Đầu tư chứng khoán, nhiều chuyên gia cho rằng, nên phát mại BĐS dưới giá trị sổ sách để thị trường sớm phục hồi.

Theo ông Chris Brown, Tổng giám đốc Công ty Cushman & Wakefield, nếu chỉ dựa vào con số trên sổ sách thì rất khó để Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) giải quyết tài sản phát mại, bởi con số này thường cao hơn nhiều so với giá thị trường. Vì thế, tài sản phát mại có thể phải bán thấp hơn giá trị sổ sách 30 - 40%. Năm 1997, thị trường Thái Lan đã phải phát mại tài sản BĐS chỉ bằng 1/4 giá trị sổ sách để cứu thị trường.

Lương 5-6 triệu đồng/tháng vẫn có thể mua nhà

Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng
Theo ông Nguyễn Trần Nam - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng có thể mua những căn hộ giá mềm, như căn hộ 30m2 bán giá 8,5 triệu đồng/m2 của Viglacera vừa mới khởi công tại khu Đặng Xá.

Theo quy định, chúng ta phải đặt cọc, tức là tự lo khoảng 50 triệu đồng (20%), vay 80% là 200 triệu đồng, trả trong 10 năm, mỗi năm trả 20 triệu đồng tiền gốc, mỗi tháng trả 1,8 triệu đồng, lãi 6% tính trên gốc lớn đầu tiên, một năm trả 12 triệu đồng tiền lãi. Đây là những tháng đầu, các tháng sau gốc giảm thì lãi còn giảm nữa. Ngay tháng đầu tiên, lãi mỗi tháng 1 triệu cộng 1,8 triệu gốc. Như vậy, mỗi tháng trả 2,8 triệu đồng.

Với thu nhập của những gia đình khoảng 5-6 triệu đồng, dành 30-35% thu nhập để trả, với sự hỗ trợ của gia đình thì trả được. Như các ngân hàng thương mại công bố, có thể vay 15 năm, 200 triệu đồng trong 15 năm thì con số trả hàng tháng còn giảm đi nữa.


Ông Nguyễn Văn Đực với các phát ngôn gây “bão”: Không cần cứu và không thể cứu bất động sản bằng tiền; Bất động sản “chết”, chưa chắc người nghèo mua được nhà; "Gói 30.000 tỷ cứu bất động sản đã thất bại"

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng “không cần và không thể cứu bất động sản bằng tiền” mà là phải bằng thủ tục. Đó là “cởi trói” giảm thiểu thủ tục, nhanh chóng giải quyết các “đơn xin” và cho doanh nghiệp thực hiện căn hộ nhỏ, vừa với khả năng mua của người dân, để không có hàng tồn kho như hiện nay.

Sau 6 tháng triển khai gói hỗ trợ giải cứu bất động sản 30.000 tỷ, ông Đực cũng khẳng định: “Gói 30.000 tỷ đã thất bại. Điều này tôi đã thấy và cho đến nay thị trường bất động sản vẫn chưa có biến động gì. Doanh nghiệp không hưởng lợi, người dân không hưởng lợi, thị trường tiếp tục đóng băng và đóng băng thì doanh nghiệp chết. Giống như căn bệnh đã thối mà chờ các loại thuốc, còn thuốc thì không đủ mạnh, không đúng lúc, uống vào lúc đã trễ. Riêng thuốc về TP.HCM còn phải đợi xem xét, phê duyệt nên bệnh nhân chết là chắc chắn”



DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet