Những nguồn tiền nào sẽ “đổ” vào thị trường BĐS trong năm 2014? - kỳ 2

Cập nhật 02/02/2014 08:33

Tiến sĩ Trần Kim Chung – Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương tiếp tục trao đổi về những nguồn tiền dự báo sẽ chảy vào thị trường BĐS trong năm 2014...

>>Những nguồn tiền nào sẽ “đổ” vào thị trường BĐS trong năm 2014?



Nguồn tiền từ quỹ đầu tư BĐS

Cùng với việc các quỹ đầu tư đang hoạt động tốt tại Việt Nam, cụ thể là các doanh vụ trong thị trường BĐS đang làm cho sự nhìn nhận của các nhà đầu tư quỹ có thể kỳ vọng hơn vào thị trường BĐS Việt Nam trong năm 2014.

Cùng với việc Hiệp định TPP được thông qua, dự báo các quỹ đầu tư mới sẽ tìm đường vào Việt Nam. Do vậy, các hoạt động triển khai dự án, giải ngân dự án từ các nhà đầu tư quỹ có thể sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, do chỉ là năm đầu tiên nên khả năng các nguồn vốn này cũng sẽ không cao như mong đợi và không có đột phá đáng kể.

Kênh huy động vốn đầu tư nước ngoài

Năm 2014 nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS Việt Nam sẽ có một xu hướng mới dưới tác động của chủ trương mở rộng tối đa cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng 130.000 người Hàn Quốc đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam có mong muốn mua nhà. Nếu có chính sách phù hợp đây sẽ là một nguồn cầu lớn. Một khi nguồn cầu này thanh toán, một lượng tiền lớn sẽ vận hành vào thị trường BĐS.

Bên cạnh đó, việc xem xét nới rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam cũng sẽ thu hút các nguồn lực FDI khác bổ sung tiền vào thị trường BĐS.

Các nguồn vốn khác

Ngoài những nguồn vốn truyền thống, có một số nguồn vốn khác có thể được khơi thông.

Thứ nhất, đó là nguồn dịch chuyển từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản) trong đầu tư vào Việt Nam hệ quả kéo theo là nguồn vốn chi phí cho các nhà ở của các đối tượng có liên quan. Mặc dù nguồn vốn này là khó lượng định nhưng về xu thế là tốt hơn năm 2013.

Thứ hai, luồng tài chính phi truyền thống là nguồn vốn phái sinh từ việc tăng cường hợp tác quốc tế theo Hiệp đinh xuyên Thái Bình Dương TPP có khả năng là sẽ có một dòng đầu tư mới vào Việt Nam và thị trường BĐS sẽ có một nguồn vốn mới.

Thứ ba, năm 2014 cùng với việc kinh tế ổn định thu nhập tiềm năng được định dạng cùng với việc rủi ro trên thị trường BĐS giảm xuống, việc các nhà đầu tư tiềm năng quay lại thị trường BĐS có thể xảy ra.

Tiến sĩ Trần Kim Chung cho rằng, từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn ở Việt Nam, năm 2014 sẽ là năm thị trường BĐS phục hồi. Tuy nhiên, việc phục hồi đến đâu còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Rủi ro lớn nhất của thị trường vào thời điểm hiện tại là rủi ro đối tác nội tại của thị trường BĐS. Việc còn tồn đọng một lượng nợ xấu trong nền kinh tế nhưng không được công khai hóa đang là một tác nhân cản trở cho việc phục hồi của thị trường BĐS.

Vì vậy, theo Tiến sẽ Chung, một trong những giải pháp cần thiết trong năm 2014 đối với thị trường BĐS là minh bạch hóa thị trường. Điều này sẽ tập trung vào ba khía cạnh: Minh bạch hóa các khoản nợ xấu; Minh bạch các dự án không có khả năng triển khai; Minh bạch hóa trạng thái tình trạng tài chính của các doanh nghiệp không còn khả năng tham gia thị trường.

Hiện tại, thị trường BĐS vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Việc quý III/2013 hệ thống NHTM có những thông tin khó khăn sẽ ảnh hưởng đến lượng tín dụng đối với thị trường BĐS trong quý IV/2013 và năm 2014.

Do đó, rất cần các giải pháp lành mạnh hóa hệ thống NHTM nói riêng và hệ thống tài chính nói chung để năm nay thị trường BĐS có thể tiếp cận được nguồn vốn tốt hơn năm trước – Tiến sĩ Chung kết luận.

DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ