Theo Sở Xây dựng Hà Nội, 5 năm trở lại đây, mỗi năm Thành phố có thêm gần 1,5 triệu m2 nhà ở. Dọc theo những con đường mới mở, hàng chục khu đô thị với hàng ngàn căn hộ đã xây xong từ lâu, song đêm đêm, chỉ lác đác le lói ánh đèn...
Phần 2: Chung cư... tối đèn
Khu chung cư tối đèn thuộc diện "hoành tráng" nhất, phải kể đến Khu Tái định cư Dịch Vọng (ngay cạnh đường Trần Đăng Ninh, một trong những khu vực phát triển khá sôi động của quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trái ngược với sự sang trọng và sầm uất của Khu biệt thự và nhà ở thương mại Làng Quốc tế Thăng Long, khu tái định cư này trông rất tiêu điều, vắng vẻ.
Được hoàn thành từ cuối năm 2004, Khu tái định cư Dịch Vọng (Ban Quản lý dự án quận Cầu Giấy làm chủ đầu tư) có hàng chục block nhà, với gần 1.000 căn hộ đã hoàn thiện, nhưng rất nhiều căn hộ vẫn bỏ không. Một vài cư dân đã chuyển đến sinh sống tại nhà No2, Khu tái định cư Dịch Vọng cho biết, mặc dù được xây xong từ cuối năm 2004, các đơn vị thi công đã rút đi từ lâu, nhưng hạ tầng của các khu nhà phần lớn còn dở dang. Những hộ gia đình chuyển đến sinh sống đều phải bỏ tiền túi để khắc phục những khiếm khuyết như sàn, trần nhà bị thấm, dột...
Nhà No3 đã hoàn thành phần xây dựng 3 năm nay, nhưng hệ thống điện, nước chưa hoàn chỉnh, nay đang được đào lên... làm lại. Ngay sát nhà No3 là nhà No5 và No6 với khoảng 250 căn hộ tái định cư cũng chung số phận tương tự.
Không đến nỗi tiêu điều như Khu Tái định cư Dịch Vọng, Khu đô thị mới Mỹ Đình I (do Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - HUD), Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư đã được xây xong gần 10 năm nay, nhưng vẫn khá nhiều căn hộ bị bỏ trống. Mỗi tối, phía ngoài mặt đường Lê Đức Thọ, các hàng cà phê nhấp nháy đèn màu ồn ào là thế, nhưng chỉ đi vào phía trong chừng trăm mét, tại các khu nhà cao tầng CT3, CT5, C5, B1, B6... là những khoảng tối om. Ban ngày có thể nhìn thấy rõ rác rưởi chất thành đống, cỏ hoang và dây leo phủ đầy trong các căn nhà, đêm về chúng trở thành những khoảng không đen ngòm ít ai lai vãng tới..
Trên đường Lê Văn Lương kéo dài, hàng loạt chung cư cũng bị bỏ hoang nhiều năm nay. Theo một chủ đầu tư dự án, hầu hết các căn hộ đều đã có chủ, song chủ lại không sử dụng mà chủ yếu là mua xong để đấy chờ được giá bán lại. Do thị trường trầm lắng, nên nhiều căn hộ mua rồi bị bỏ không. Tuy nhiên, lý do dẫn đến tình trạng để trống ở các chung cư không chỉ có vậy. Bất cập lớn ở các khu đô thị mới là thiếu sự đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật cụ thể là sự liên thông và kết nối giao thông, thoát nước, xử lý nước thải... không đảm bảo.
Mặt khác, các khu đô thị mới phát triển không có sự gắn kết với nhau trong một quy hoạch tổng thể chung.Ông Nguyễn Hồng Tiến, Vụ Hạ tầng kỹ thuật đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, mặc dù các khu đô thị mới đều được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch, nhưng lại thiếu các giải pháp về thiết kế đô thị.
Hình ảnh quen thuộc của các khu đô thị mới là các nhà cao tầng làm hàng rào quây xung quanh khu đất và lọt ở giữa các nhà thấp tầng. Một sự chênh lệch quá lớn về chiều cao tạo nên sự hụt hẫng không gian cũng như sự rời rạc, lộn xộn của các nhà cao tầng trong cùng một dự án hoặc của hai dự án ở hai bên đường.
Cũng do không có giải pháp rõ ràng về thiết kế đô thị, nên thường xuyên xảy ra tình trạng ách tắc giao thông tại các cửa ra vào ở khu đô thị mới như Định Công - Linh Đàm. Cao độ nền trong Khu đô thị mới Đại Kim thấp hơn so với khu vực xung quanh, trong khi hệ thống thoát nước không đồng bộ, nên cứ mưa to là xảy ra tình trạng ngập úng liền kề hoặc ngập úng tại chính trung tâm khu đô thị...
Hàng loạt những bất cập tại các khu đô thị, chung cư mới cộng với cái giá cao ngất ngưởng hàng chục triệu đồng mỗi mét vuông đã khiến nhiều người nghèo có nhu cầu ở nhà chung cư chỉ dám... "đứng từ xa mà nhìn".
>Biệt thự bỏ hoang.