Những doanh nhân cười tươi bên khủng hoảng

Cập nhật 09/03/2012 08:15

Trong khi hàng trăm doanh nghiệp (DN) địa ốc kêu khó, hàng ngàn nhà đầu tư phá sản vì thị trường bất động sản (BĐS) trầm lắng, thì vẫn có những nhà đầu tư “bình chân như vại” do phần đầu tư của họ ổn định và sinh lời, dù thị trường không hề có thanh khoản.


Ảnh minh họa.

Chọn lối đi riêng

“Để suất đầu tư của mình ổn định, nhất định không được đầu tư theo tâm lý bầy đàn” – anh Lê Tuấn, chủ một DN nhỏ có trụ sở đóng ở Hải Phòng bắt đầu câu chuyện. Việc đầu tư BĐS đối với anh Tuấn như một cái duyên, nhưng không phải là cái duyên ngẫu nhiên. Anh Tuấn được các bạn trong nghề cơ khí chính xác biết đến như một người có tầm nhìn, và anh đã ứng dụng rất hiệu quả vào việc đầu tư BĐS.

Dẫn chúng tôi vào thăm khu đất rộng vài ngàn m2 cách Hà Đông (Hà Nội) khoảng 10km, anh Tuấn kể, khi anh lựa chọn mua khu đất này, tất cả những người biết việc anh làm đều cản, bởi mọi người không tin khu đất không đường vào không lối ra ấy có thể sinh lời.

“Lúc đó, khoảng năm 2007, tôi và 2 anh bạn đều cầm tiền đi đầu tư BĐS. Cuối cùng, 1 anh chọn bỏ hơn 600 triệu mua 1 căn hộ ở đường Nguyễn Chí Thanh, giờ căn hộ đó có giá thị trường chừng gần 4 tỷ. Anh kia mua mảnh đất xen kẹt ở trung tâm quận Tây Hồ với mức 700 triệu, giờ khu đất đó có giá 4 tỷ”.

Còn anh Tuấn bỏ ra 200 triệu để mua khu đất rộng hơn 2 ngàn m2 này. Sau đó, anh bỏ thêm 100 triệu cùng bà con trong khu vực mở con đường dài gần 200m từ đường chính, đúng theo ý đồ của chính quyền địa phương và giải tỏa được cả bài toán chi phí làm đường mà chính quyền địa phương chưa biết phải xử lý thế nào. Có đường rộng đẹp, giá trị khu đất tăng lên.

Cộng với khoảng cách không xa từ trung tâm thành phố, lại ở giữa khu vực đang phát triển mạnh mẽ, giao thông thuận tiện, hơn 5 năm nay, khu đất của anh luôn có người hỏi thuê, với mức giá thời điểm thấp nhất là 3.000 đôla mỗi tháng. “Bây giờ, lô đất này có giá hơn 20 tỷ và luôn trong trạng thái có thanh khoản” – anh Tuấn khoe.

Không chỉ chọn cách mua đất ở khu vực đường xấu rồi đầu tư làm đường, anh Tuấn còn tìm mua đất ở những khu vực “chưa có đường”. Bằng cách này, anh đến “đặt vấn đề” với địa phương “đổi” khu vực A, B lấy bao nhiêu km đường vào khu vực đó. “Cách này thường ít bị chính quyền từ chối, nhất là ở những khu vực chưa được quan tâm đầu tư” – anh Tuấn nói – “Tôi có đất làm nhà xưởng hay đầu tư kinh doanh, còn cộng đồng thì có công trình hạ tầng cần thiết”.

Tìm cơ hội trong khủng hoảng

Từng là manager của nhiều công ty có tiếng, anh Lê Dũng cũng là người được biết đến nhiều như là một “đạo diễn” đứng sau nhiều thương vụ mua bán – sáp nhập. Anh Dũng nhận định, nhà đầu tư sa lầy trong khủng hoảng BĐS là những người đầu tư theo tâm lý bầy đàn hoặc các DN “ăn theo” ngắn vốn tận dụng thị trường sôi động. Anh Dũng chia sẻ, anh được nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham vấn, và “nghề” của anh chính là nhìn trước, đoán định xu hướng thị trường và tìm cơ hội trong khủng hoảng.

Anh Dũng kể, là chủ đầu tư thứ phát có kinh nghiệm và cơ hội, nhưng không bao giờ anh đầu tư vào các dự án tình trạng pháp lý không rõ ràng. “Nếu anh bán cho khách hàng sản phẩm dự án tình trạng pháp lý không rõ ràng, anh có thể thu tiền ngay nhưng phải đối mặt với rủi ro khi khách hàng “lật” hợp đồng. Vả lại, đó là cách làm ăn không lâu bền, bởi khi anh mất uy tín thì rất khó giao dịch trong các dự án khác”.

Trong bối cảnh thị trường khủng hoảng, việc anh Dũng được “thuê” nhiều nhất là tìm dự án để “mua”. “Nhiều dự án khá “ngon” – vị trí đẹp, quy mô hợp lý, nhưng chúng tôi cũng không thể mua vì điều kiện pháp lý không chắc chắn. Nếu có rủi ro chính sách hoặc địa phương bất chợt làm chắc, thì khoản đầu tư vào các dự án đó coi như mất trắng”.

Trong tay “đội” của anh Dũng, hiện giờ có những khu đất vàng đã hoàn thành thủ tục pháp lý, và chỉ chờ thời cơ hợp lý là tiến hành thực hiện. “Chúng tôi đã chuẩn bị đội ngũ nhà đầu tư hùng hậu cả trong và ngoài nước, với tiềm lực tài chính không phụ thuộc vào ngân hàng” – anh Dũng cho hay – “Đó là lý do tại sao ngay cả khi thị trường trầm lắng, thì các công ty BĐS trong “đội” chúng tôi vẫn nhộn nhịp và làm ăn có lãi”.

“Theo hiểu biết của tôi, số DN, nhà đầu tư “chết” là những người đầu tư theo tâm lý bầy đàn hoặc phụ thuộc vốn ngân hàng. Còn các đại gia BĐS chẳng có ai “chết” cả. Các đại gia này có đội ngũ phân tích để xây dựng chiến lược, nên có ai kêu “chết”, cũng chỉ là “chết” giả vờ thôi” – anh Dũng nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN