Đó là ý kiến của PGS-TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường khi trả lời Thanh Niên.
PGS-TS Nguyễn Thế Chinh. ẢNH: NVCC
|
Theo ông Chinh, suất đầu tư gần 3.500 tỉ đồng cho 1 km đường là quá khủng khiếp và nhà nước mất quá nhiều ngân sách nhưng không thu được lợi ích từ đất.
*
Tình trạng khiếu kiện đất đai ở cả nước và gần đây là hơn 130 hộ dân chịu tác động từ dự án mở rộng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục ở TP.Hà Nội đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai chủ yếu tập trung vào vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất chiếm khoảng 80 - 90% số lượng đơn thư. Để giải quyết căn cơ tình trạng trên cần hoàn thiện đồng bộ các chính sách.
Thứ nhất, xem xét hoàn thiện các quy định về giá đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Thực hiện nghiêm túc yêu cầu công khai minh bạch từ quy hoạch, chủ trương đầu tư, thu hồi đất, lập phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư, xác định giá đất; thực hiện quy định lấy ý kiến nhân dân đối với phương án bồi thường để có sự đồng thuận cao của các bên liên quan.
Thứ hai, nghiên cứu đổi mới chính sách bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo hướng đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp, tính toán một cách căn cơ lợi ích của người dân; phải giải quyết từ gốc đó là trả đủ thu nhập của người dân từ đất theo cơ chế thị trường; cho phép người dân lựa chọn hình thức chi trả thu nhập hằng năm hay chi trả bồi thường một lần. Chú trọng giải quyết đời sống để người có đất bị thu hồi có điều kiện sống (bao gồm giải quyết việc làm, nhà ở tái định cư) bằng hoặc tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.
Thứ ba, cần có cơ chế trọng tài để giải quyết khiếu kiện về đất đai giữa một bên là người sử dụng đất và một bên là cơ quan nhà nước. Bởi vì hiện nay, ở nhiều dự án, nhà nước thu hồi đất, người dân luôn cho rằng giá đất tính bồi thường thấp hơn so với giá thị trường; trong khi đó, chính quyền luôn cho rằng giá đất là tính đúng tính đủ. Khi nhà nước thu hồi đất người sử dụng đất chấp hành quyết định và có quyền khởi kiện về giá đất tính bồi thường.
*
Sắp tới đây sửa đổi luật Đất đai sẽ hoàn thiện các quy định này như thế nào để đảm bảo thực hiện được trong thực tiễn, giảm các “con đường đắt nhất hành tinh”?
- Theo tính toán thì nếu thực hiện tốt cơ chế tạo quỹ đất bên cạnh công trình để đấu giá sẽ hoàn toàn có thể tạo ra nguồn lực để đầu tư hạ tầng và giải quyết vấn đề tái định cư tại chỗ cho người thu hồi đất, nhất là ở các đô thị. Do đó, lần sửa luật này sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về cơ chế, nguồn lực, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện để cơ chế này phát huy hiệu quả trong thực tiễn; khắc phục được tình trạng “con đường đắt nhất hành tinh”, “nhà siêu mỏng” cũng như thực hiện tốt việc chỉnh trang phát triển kiến trúc đô thị.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên