Những điều “khó hiểu” về một cao ốc

Cập nhật 30/05/2007 15:00

Ba lần bị lập biên bản, yêu cầu ngưng thi công vì sai phạm trong xây dựng nhưng công trình vẫn hoàn tất, đưa vào sử dụng. Sai phạm xảy ra đã hơn ba năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, dù có nhiều văn bản chỉ đạo từ UBND TP.

Đó là điều rất “khó hiểu” về cao ốc 13-13bis Kỳ Đồng (P.9, Q.3, TP.HCM). Không chỉ vậy, liên quan đến cao ốc này còn có không ít điều “khó hiểu” khác...

Xây dựng trái phép

Năm 1997, công trình 13-13bis Kỳ Đồng được Kiến trúc sư trưởng TP (nay là Sở Qui hoạch - kiến trúc) cấp phép xây dựng với qui mô sáu tầng, tổng diện tích gần 3.300m2 để làm văn phòng làm việc, do bà Phan Quỳnh Như, Công ty TNHH thương mại - dịch vụ Chiến Thắng, làm chủ đầu tư.

Sau năm năm sử dụng, vào cuối năm 2002, chủ công trình đề xuất cho nâng thêm bốn tầng. Kiến trúc sư trưởng TP cho rằng với diện tích khu đất (khoảng 850m2), ở mặt tiền đường Kỳ Đồng (lộ giới 20m) thì chủ đầu tư có thể xây công trình qui mô khoảng 9-10 tầng. Sau đó ông Lê Khắc Tuấn (chồng bà Như) được Sở Xây dựng cho phép nâng thêm công trình lên 10 tầng.

Nhưng trước khi có giấy phép của Sở Xây dựng, UBND P.9, Q.3 phát hiện công trình đã cơi nới sàn sân thượng, đúc cột bêtông cốt thép không phép... UBND phường yêu cầu ngưng thi công và báo cáo lên UBND quận 3. Sau đó, đội quản lý trật tự đô thị quận 3 tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị ngưng thi công. Nhưng một lần nữa phía chủ đầu tư vẫn phớt lờ, công trình tiếp tục xây dựng.

Ngày 11-3-2003, công trình mới chính thức được cấp phép xây dựng nhưng trên thực tế công trình đã thi công hơn một tháng rưỡi. Điều đáng nói khi có giấy phép xây dựng, công trình vẫn tiếp tục vi phạm. Trong hai lần kiểm tra vào cuối tháng năm và tháng 6-2003, đội quản lý trật tự đô thị quận 3 lại phát hiện: theo giấy phép, tầng 10 làm sân thượng, có mái che nhưng chủ đầu tư đã biến thành một tầng lầu, xây dựng tường xung quanh. UBND quận 3 xử phạt hành chính 3 triệu đồng, buộc xây dựng theo đúng giấy phép. Chủ đầu tư nộp tiền phạt nhưng không khắc phục theo yêu cầu của quận.

Để hợp thức hóa cho việc đã rồi, chủ công trình “đề nghị UBND quận 3 xem xét được duy trì diện tích xây dựng sai phép”. Thay vì tiến hành cưỡng chế, UBND quận 3 lại ra quyết định “buộc chủ công trình tháo dỡ vô điều kiện, không được bồi hoàn toàn bộ diện tích vi phạm khi có yêu cầu của cơ quan chức năng…”. Cũng trong thời gian này, không hiểu chủ đầu tư đã làm thế nào mà Sở Qui hoạch - kiến trúc có văn bản trả lời: việc xây dựng thêm tầng mái trên sân thượng để chống thấm và tạo cảnh quan kiến trúc cho công trình là “có thể chấp nhận được”!

Biến cao ốc thành... biệt thự để bán

Công trình chưa hoàn công, việc xử lý còn đang lấn cấn thì cuối năm 2003, ông Lê Khắc Tuấn và bà Phan Quỳnh Như có đơn xin xác nhận để chuyển nhượng công trình 13-13bis Kỳ Đồng. Dù biết rõ công trình xây dựng sai phép nhưng UBND phường 9 vẫn xác nhận vào đơn là công trình không có tranh chấp, khiếu nại. Sáng 29-5-2007, giải thích về chuyện này, phó chủ tịch UBND phường 9 Nguyễn Hữu Bình nói rằng thời điểm đó lãnh đạo phường mới chuyển từ nơi khác về nên chưa nắm rõ vụ việc. Mặt khác, mẫu đơn chỉ yêu cầu xác nhận công trình có tranh chấp hay không nên phường không thể ghi “tràng giang đại hải” vào trong đơn được.

Từ xác nhận của UBND phường 9, chủ đầu tư chuyển nhượng công trình cho Công ty TNHH kinh doanh nhà Phú Tường thông qua hai hợp đồng mua bán nhà ở và được Phòng Công chứng số 1 công chứng. Một hợp đồng mua bán công trình sáu tầng và hợp đồng còn lại mua bán căn nhà biệt thự. Thực tế, tại địa chỉ 13-13bis Kỳ Đồng bấy giờ đã là một cao ốc khá hoành tráng với 10 tầng lầu, không có biệt thự nào cũng như không có công trình sáu tầng nào. Thông tin chúng tôi được biết giá chuyển nhượng hai hợp đồng này khoảng 20 tỉ đồng.

Vì sao quá trình công chứng không kiểm tra thực tế? Một cán bộ Phòng Công chứng số 1 nói rằng đến thời điểm này, chưa có qui định nào buộc công chứng viên khi công chứng mua bán nhà đất phải kiểm tra thực tế. Ngoài ra, việc công chứng hai hợp đồng trên dựa vào xác nhận của chính quyền địa phương. Tuy nhiên theo cán bộ này, từ ngày 1-7 tới khi Luật công chứng có hiệu lực, có qui định việc công chứng phải đảm bảo xác thực về chữ ký, ngày giờ, đảm bảo đúng đối tượng... vì vậy cán bộ công chứng phải có trách nhiệm kiểm tra thực tế.

Đổi nhà to lấy nhà nhỏ?!

Tại địa chỉ 13-13bis trước đó là hai căn biệt thự. Trong đó căn biệt thự số 13 Kỳ Đồng do ông Lê Khắc Tuấn và bà Phan Quỳnh Như mua lại từ một chủ khác. Còn căn 13bis Kỳ Đồng (diện tích khuôn viên khoảng 440m2) thuộc sở hữu nhà nước, được giao cho Phòng Giáo dục quận 3 sử dụng. Đến năm 1995, Phòng Giáo dục quận 3 có công văn đề nghị UBND quận cho hoán đổi căn biệt thự này để lấy căn nhà tại địa chỉ 318B Nguyễn Thiện Thuật (P.3, Q.3, TP.HCM) với diện tích gần 100m2 (của ông Tuấn và bà Như). Vì sao lại đổi căn biệt thự với diện tích lớn như vậy để lấy một căn nhà có diện tích chỉ bằng 1/4?

Chưa hết, khi hoán đổi căn biệt thự 13bis Kỳ Đồng, mục đích ban đầu là xây dựng trường phổ thông dân lập. Vì vậy, việc hoán đổi này đã được UBND TP chấp thuận. Nhưng làm trường một thời gian, sau đó chủ đầu tư đã cải tạo và thay đổi mục đích sử dụng, khu đất có vị trí đẹp giờ đây là một cao ốc với nhiều đơn vị thuê sử dụng như ngân hàng, công ty thiết bị y tế, công ty kiểm toán, tin học...


QUỐC THANH - LAN VI
(Theo Tuổi Trẻ)