Trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI...
Báo cáo về thị trường bất động sản công nghiệp nửa đầu năm 2019 do Savills vừa thực hiện cho thấy, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, nguồn vốn đầu tư và các hiệp định thương mại tự do mới đã mang lại ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam.
Báo cáo của Savills đề cập tới Hiệp định cải cách toàn diện cho Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thiết lập vào tháng 1/2019, trong khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết vào tháng 6/2019. Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ xoá bỏ 99% thuế hải quan và kỳ vọng tăng thu hút vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp.
Một FTA khác là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) được kỳ vọng sẽ hoàn tất cuối năm nay. Hiệp định thiết lập nhằm mục đích thắt chặt hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên khối ASEAN và 6 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang ký kết hiệp định thương mại tự do.
Cùng với đó, với 25% thuế quan xuất khẩu áp trên tổng giá trị xuất khẩu 250 tỷ USD của Trung Quốc và vẫn có khả năng tăng thêm 10% trên tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá 300 tỷ USD, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đang hướng các công ty đa dạng hoá quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy.
Ngoài ra, Savills còn đánh giá, Việt Nam thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp, môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới - tất cả các yếu tố cho thấy môi trường đầu tư khá hấp dẫn.
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong nửa đầu năm 2019, có 1.723 dự án mới đăng ký với tổng vốn đầu tư 7,41 tỷ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỷ USD tăng 39,8% theo năm.
Hà Nội và Tp.HCM là hai thành phố thu hút đầu tư nhất, chiếm 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ HongKong đầu tư chiếm 28,7% với 5,3 tỷ USD, theo sau là Hàn Quốc với 2,73 tỷ USD và Trung Quốc với 2,28 tỷ USD.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp (IPs) và vùng kinh tế (EZs) thu hút gần 340 dự án FDI với tổng nguồn vốn gần 8,7 tỷ USD.
Ông John Campbell, Tư vấn cao cấp, Phòng dịch vụ công nghiệp của Savills, cho rằng, mặc dù tỷ lệ lấp đầy ở các tỉnh trọng điểm tăng trưởng mạnh theo năm, quỹ đất dồi dào và các dự án tiêu biểu gia tăng đã thúc đẩy sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước.
Đáng chú ý, các nhà sản xuất đang gia tăng sự chú ý vào các tỉnh miền Trung trong khi các chủ đầu tư trong thị trường công nghiệp đang đẩy mạnh chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, tạo nguồn cung mới.
"Phân khúc bất động sản công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà tăng của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thâp kỷ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và nhà xưởng xây theo yêu cầu (BTS)", chuyên gia của Savills nhận định.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, Việt Nam cần cẩn trọng lựa chọn các dự án sắp tới để tăng trưởng hơn trong giá trị chuỗi, tăng tính cạnh tranh và phát triển bền vững.
"Lao động giá rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài hàng đầu vào Việt Nam. Tuy nhiên, tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn là số lượng đầu tư", ông John Campbell nhấn mạnh.
DiaOcOnline.vn – Theo Vneconomy