Những đại gia bất động sản "bất động" trước lời hứa với dân

Cập nhật 15/10/2018 15:15

Năm 2016, ông Võ Tấn Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc (chủ dự án Khu dân cư Thiên Lộc, Cần Thơ) đột ngột qua đời để lại công ty số nợ hơn 400 tỷ đồng và 70 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Đau đớn hơn, hàng trăm hộ dân gánh nợ bởi tiền mua nhà, đất của công ty đã đóng đầy đủ nhưng bị chủ đầu tư đem dự án thế chấp ngân hàng. Hiện công ty làm thủ tục phá sản thì cũng lúc người dân ôm đơn khiếu nại. Đây là một trong những bất cập tại khu dân cư trên địa bàn TP.Cần Thơ, nợ với dân một lời hứa.

Dân ôm nợ oan

Ngày 12-10, chúng tôi mục sở thị Khu dân cư (KDC) Thiên Lộc. Trái với cổng vào hoành tráng, những căn nhà phố là những bãi đất trống, cỏ dại mọc đầy.

Thấy chúng tôi loay hoay chụp ảnh, một người dân địa phương chua xót: “Mấy năm nay, khu dân cư có xây dựng gì đâu chú ơi. Nghe đâu, ông giám đốc đột ngột tử vong, công ty nợ nần chồng chất. Đáng trách, dân nghèo tội tui dành dụm cả đời mua căn nhà nhưng tiền trả đủ không có giấy đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất-PV). Kiểm tra thì biết được giấy đỏ khu đất này công ty cắm trong ngân hàng”.

Thật vậy, KDC Thiên Lộc, một thời xem là bề thế ở Nam Cần Thơ nay trong tình cảnh dở khóc dở cười. Năm 2016, ông Võ Tấn Vạn, Giám đốc Công ty TNHH Thiên Lộc (chủ dự án Khu dân cư Thiên Lộc, Cần Thơ) đột ngột qua đời để lại công ty số nợ hơn 400 tỷ đồng và 70 tỷ đồng tiền nợ thuế.

Cổng chào bề thế khu dân cư Thiên Lộc

Ngày 26-7-2017, Cục thi hành án dân sự TP.Cần Thơ tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản chủ đầu tư thế chấp là quyền sử dụng thửa đất số 2894, trong KDC thương mại Thiên Lộc, để thu hồi trên 10 tỷ đồng vốn và lãi cho ngân hàng. Thế nhưng khi triển khai, đoàn cưỡng chế đành bất lực.

Ngày 11-9-2014, TAND quận Cái Răng công nhận sự thỏa thuận của Công ty Thiên Lộc với ngân hàng. Theo đó, tháng 10-2015, Công ty không hoàn tất khoản nợ trên 10 tỷ đồng thì ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mãi tài sản là quyền sử dụng đất thửa số 2894 (tờ bản đồ số 02, tọa lạc tại KDC lô số 13A, khu đô thị mới nam sông Cần Thơ) để thu hồi nợ.

Đã hơn 10 năm, lãnh đạo công ty nhiều lần cam kết trả sổ đỏ cho dân nhưng chưa thực hiện

Công ty Cổ phần 586 nhiều năm liền nợ sổ đỏ của dân.

Được biết năm 2011, TP.Cần Thơ cấp giấy CNQSD, loại đất ở đô thị cho Công ty Thiên Lộc nhưng đến nay trên thực tế vẫn còn khoảng 1.500 m2 vẫn đang thuộc quyền sử dụng theo giấy CNQSD riêng của người dân mà Công ty Thiên Lộc vẫn chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Năm 2011, Công ty Thiên Lộc đem thửa đất trên thế chấp ngân hàng; trong đó có một số nền đã bán cho người dân. Hiện hơn 50 hộ dân sinh sống trong thửa đất trên. Ông Huỳnh Đức Độ cho biết: "Năm 2014 tôi đến công ty mua nền cất nhà. Căn nhà của tôi không liên quan đến hợp đồng thế chấp giữa Công ty Thiên Lộc và ngân hàng. Do đó, đề nghị Tòa án xem xét lại bản án để bảo vệ quyền lợi của người dân”.

Tương tự hoàn cảnh ông Độ, bốn hộ khác cũng đã góp tiền và chủ đầu tư đã bàn giao nền đất trên thực địa trong thửa đất này, gồm: ông Hoàng Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuấn, bà Nguyễn Thị Hoa, Huỳnh Thanh Hồng. Các hộ đều phản ứng gay gắt, cho rằng đất này Công ty Thiên Lộc đã chuyển nhượng cho họ từ năm 2007, họ đã đóng tiền nhưng chưa được cấp giấy. Trái lại, công ty khẳng định đã hết khả năng thực hiện theo yêu cầu của dân.

Hiện công ty còn khoảng 8,5ha đất trong phạm vi dự án chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, không còn nền để giao cho 300 hộ đã góp 72 tỷ đồng và 191 giấy CNQSD đất, QSH nhà và tài sản khác gắn liền với đất thì ông Vạn đã thế chấp cho các ngân hàng, Công ty không còn khả năng hoàn vốn nên chưa thể rút ra để làm thủ tục chuyển nhượng, sang tên quyền sử dụng cho các hộ được. Công ty Thiên Lộc làm thủ tục tuyên bố phá sản.

Điệp khúc hứa

Không chỉ KDC Thiên Lộc nợ sổ đỏ của người dân, nhiều KDC khác trên địa bàn TP.Cần Thơ trong tình cảnh tương tự. Bao năm thanh toán tiền đúng theo hợp đồng, nhận nhà nhưng chưa nhận sổ đỏ, người dân bức xúc. Quyền lợi của họ bị xâm phạm.

KDC Hưng Phú nằm ở quận Cái Răng, khởi công từ năm 2003, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8 (viết tắt là CIC 8) làm chủ đầu tư. Đã gần 15 năm, mặc dù khách hàng đã thanh toán đầy đủ tiền mua đất và nhà ở, nhưng đến nay CIC 8 vẫn chưa trao sổ đỏ cho khách hàng. Người dân đã nhiều lần yêu cầu nhưng chỉ nhận được những lời hứa...

Quá bức xúc, vừa qua, hàng trăm người dân kéo đến trụ sở công ty yêu cầu thực hiện lời hứa. Ông Đoàn Hòa Minh nói: “Tôi mua đất của dự án năm 2007, năm 2012 cất nhà. Sau khi làm hợp đồng, công ty hứa 3 tháng sẽ cấp sổ đỏ, nhưng nhà cất lên tỷ mấy đến nay không có giấy tờ gì hết. Tôi cần vốn làm ăn lấy gì thế chấp”.

Nhiều người dân tụ tập Công ty CIC 8 đòi công ty thực hiện cam kết.

Ông Nguyễn Minh Thạnh cho rằng: Công ty đã hứa với người dân nhiều năm mà vẫn chưa thực hiện, lời hứa hay cam kết không có giá trị pháp lý, bởi vì đã hơn 10 năm nay công ty cứ hứa đi hứa lại mà không thực hiện. Trong khi người dân phải vật lộn với cuộc sống, từ việc học hành của con cái đến việc cho, chuyển nhượng cũng không được vì không có giấy tờ. Biết công ty gặp khó khăn, người dân cũng chia sẻ và thông cảm nhưng hơn 10 năm thì rõ ràng là không tôn trọng người dân.

Tổng giám đốc CIC 8, ông Huỳnh Hữu Phước xin lỗi người dân do công ty khó khăn đem sổ đỏ của dân thế chấp ngân hàng. Ông Phước viết giấy cam kết sẽ giao giấy CNQSĐ cho người dân. Theo đó, tháng 10-2018 sẽ cấp 79 giấy; tháng tháng 12-2018 cấp tiếp 220 giấy; tháng 3-2019 cấp 483 giấy...

Tại KDC Phú An (do Công ty cổ phần 586 đầu tư) cũng có nhiều người dân bị công ty lấy sổ đo đi thế chấp ngân hàng. Những lần mang đơn lên công ty khiếu nại thì công ty này hứa.

Tổng giám đốc Công ty cam kết với dân

Đủ lý do không thực hiện cam kết

Không như chủ đầu tư khác, Công ty cổ phần phát triển nhà Cần Thơ, được xem như đại gia bất động sản. Tiền thân là công ty nhà nước nên KDC mà công ty này thực hiện đều nằm ở vị trí đắc đỏ. Thế nhưng, công ty này cũng nợ lời hứa với dân.

Anh Đô, ngụ KDC 91B (phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cho biết, anh mua nền góp vốn với công ty hơn 10 năm. Đến nay, con đường trước mặt nhà anh từ lộ nhỏ nay thành đường A3, đường Trần Hoàng Na nhưng sổ đỏ anh vẫn chưa nhận. Không riêng gì anh Đô, nhiều người dân trong KDC 91B bị Công ty hứa lần hứa lựa.

Anh Đô khẳng định: “Công ty tìm mọi cách để không thực hiện lời hứa với dân. Nếu công ty cho rằng, công ty khó khăn tài chính sao lại triển khai giai đoạn 3 để thực hiện dự án?”.

Nhiều người dân ở đường Trần Hoàng Na, Khu dân cư 91B chờ dài cổ chưa nhận sổ đỏ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty cổ phần Phát triển nhà Cần Thơ đang thực hiện nhiều dự án trên địa bàn thành phố, gồm: KDC Hưng Phú 1, Khu tái định cư (KTĐC) phường Hưng Phú, KTĐC phường Phú An, KTĐC phường Tân Phú và Khu dân cư 91B (giai đoạn 1, 2 và 3) có tổng diện tích 200ha.

Bề thế, hoành tráng là vậy nhưng sổ đỏ của dân công ty không trả theo đúng cam kết. Công ty còn hơn 3.000 GCNQSDĐ còn lại nằm tập trung ở Khu tái định cư Phú An, Khu tái định cư Tân Phú và Khu tái định cư 91B chưa cấp cho dân.

Lãnh đạo công ty cam kết, năm 2018 sẽ tiến hành làm khoảng 2.000 GCNQSDĐ của 3 khu Phú An, Tân Phú và 91B. Số GCNQSDĐ còn lại, công ty sẽ phấn đấu hoàn thành xong trong năm 2019. “Hứa là hứa vậy nhưng người dân chúng tôi có thấy cuốn sổ đỏ nào đâu. Người dân mua đất vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt, bị hủy còn công ty vi phạm thì hứa hoài sao”, ông Đô bức xúc.

Theo Sở Tài Tài nguyên-Môi trường TP.Cần Thơ, tổng số GCNQSDĐ TP đã chuyển cho người dân mới được 7.938. Trong đó, một số giấy nhà đầu tư đưa vào thế chấp ngân hàng và một số giấy nhà đầu tư chưa được cấp là do chưa đầu tư cơ sở hạ tầng để nhà nước nghiệm thu cấp giấy. Báo cáo của Ban Đô thị xác định, hiện có khoảng trên 1.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bị các chủ đầu tư thế chấp ở ngân hàng, mặc dù đã có hợp đồng góp vốn hoặc hợp tác đầu tư của các hộ dân với chủ đầu tư.

Đồng thời, một số lượng rất lớn lô, nền người dân đã góp vốn nhưng chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính hoặc chưa hoàn thiện hạ tầng để được cấp giấy và thực hiện các thủ tục cho người dân theo quy định. Cá biệt, có nhà đầu tư có biểu hiện lẩn tránh, gian lận, phủi bỏ trách nhiệm của mình đối với chính quyền và người dân.

Khu đô thị Nam Cần Thơ hiện có 33 dự án bao gồm khu đô thị, khu dân cư và khu tái định cư cũng như các dự án khác của 26 nhà đầu tư với diện tích quy hoạch 1.376/2.081 ha, chiếm trên 66% diện tích đất quy hoạch 1/2000 khu đô thị này. Sở Xây dựng quản lý 23 dự án với 18 nhà đầu tư. Hiện các dự án triển khai với tỷ lệ xây dựng chiếm tỷ lệ 23,5% (trên tổng diện tích đất giao các nhà đầu tư thực hiện), tức đất còn trống rất nhiều. Theo tiêu chí giải phóng mặt bằng, hiện có 5 dự án đạt 100%, có 9 dự án đã giải phóng mặt bằng từ 90- 100% và có 3 dự án đã giải phóng mặt bằng từ 70- 90% diện tích và 4 dự án giải phóng mặt bằng từ 50-70%.

Đặc biệt, hai dự án chậm triển khai, còn dưới 50% diện tích, gồm Công ty CP Xây dựng giao thông 586 (Công ty 586) tại lô 21 với 82 ha, trong đó đã giải phóng mặt bằng 56 ha và Công ty CP KCN Sài Gòn- Cần Thơ. Hai dự án này, TP đã thu hồi chủ trương đầu tư một phần còn lại (trong 82 ha) của Công ty 586 để tìm nhà đầu tư mới. Bên cạnh đó, TP đã rà soát thu hồi lô số 16 của Cty CP KCN Sài Gòn-Cần Thơ về dự án xây dựng tái định cư nhà ở công nhân KCN. Tuy nhiên, công ty này chỉ mới triển khai 10ha và cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên TP xem xét thu hồi phần diện tích còn lại nếu không tiếp tục triển khai.


DiaOcOnline.vn - Theo Công an