Phần 2: Tiền tỷ mất tăm theo làng nghề
Khi có chủ trương và chính sách vực lại những làng nghề và các cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN), tại Quảng Bình những dự án về làng nghề, làng TTCN tới tấp được trình lên cấp thẩm quyền phê duyệt.
Nhưng sau 4 năm nhìn lại, CNH-HĐH nông thôn chẳng thấy đâu, chỉ thấy những làng nghề trống trơ, "phơi gan cùng tuế nguyệt" và tiền tỷ của Nhà nước đang bị..."cuốn theo chiều gió"
"Phá sản" cụm công nghiệp làng nghề
Xin được bắt đầu từ làng nghề Cảnh Dương (Quảng Trạch). Xã Cảnh Dương là một địa phương có nghề đánh bắt và chế biến hải sản nổi tiếng nên được chọn để xây dựng cụm làng nghề điểm, để rồi từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh.
Dự án cụm làng nghề này có diện tích 10 ha, nguồn vốn tỉnh cấp ban đầu gần 3 tỷ đồng để san ủi mặt bằng, xây dựng hệ thống điện, nước và đường giao thông. Tham vọng của những người lập dự án này đề ra là thu hút được 200 dự án đầu tư vào đây và tạo công ăn việc làm ít nhất cho 1.000 lao động.
Cuối năm 2004, cụm làng nghề này được hoàn thành và bàn giao cho UBND xã Cảnh Dương quản lý sử dụng. Gần 4 năm đã trôi qua, thay vì sẽ có 200 dự án lấp đầy như dự định ban đầu, thì đến nay chỉ có vài căn nhà cấp 4 của người dân “ngẫu hứng” được mời ra đây tá túc. Chẳng thấy đâu dáng dấp của một làng nghề, làng TTCN.
Người ta đến đây chỉ thấy 10 ha hoang vắng và na ná như một khu tái định cư còn đang dang dở. Hỏi người dân ở đây thì chỉ nhận được câu trả lời chung rằng: Họ (những người xây dựng và thực thi dự án) có hỏi nguyện vọng của chúng tôi đâu. Họ sắp xếp trong khu làng nghề tùy tiện và chẳng theo một quy hoạch nào cả...
Đem tâm sự của người dân hỏi lãnh đạo ngành Công nghiệp Quảng Bình thì nhận được câu trả lời “vĩ mô” rằng, do có sự biến động của thị trường trong nước và thế giới nên ảnh hưởng đến nhà đầu tư và các hộ sản xuất nhỏ. Vì thế nên, cụm làng nghề TTCN ở đây chưa được lấp đầy các dự án cũng là điều dễ hiểu?!
Trong khi Làng nghề Cảnh Dương, mô hình điểm đang lâm vào tình trạng “chùa Bà Đanh” và chưa có giải pháp nào tháo gỡ, thì năm 2005, tỉnh Quảng Bình lại tiếp tục đầu tư xây dựng cụm làng nghề Đức Trạch, huyện Bố Trạch. 1,5 tỷ đồng bỏ ra chỉ để kéo một đường điện, làm một con đường cấp phối rồi để đó cho cỏ dại mọc um tùm.
Khi triển khai dự án kế tiếp này, những người lập dự án đã vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng như, làng sẽ tập hợp hàng chục cơ sở sản xuất và chế biến thủy hải sản cùng với hàng chục tổ hợp làng nghề TTCN. Làng sẽ là trung tâm đầu mối để cho các làng nghề trong huyện cùng “trăm hoa đua nở”.
Thế nhưng, đã mấy năm qua, tịnh không thấy một tổ hợp nghề nào xin cắm đất ở đây. Làng đang trở thành bãi rác bất đắc dĩ với những cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xuống cấp cùng nắng mưa. Trước thực trạng đó, quả bóng trách nhiệm được đá tứ tung.
Và hiện tại nó đang nằm ở “sân” cấp xã vì lý do, đất xây dựng làng không rõ ràng về mặt địa giới hành chính. Đức Trạch bảo đó là làng nghề của xã mình. Còn Đồng Trạch thì cho rằng nó đang xâm cư qua địa giới của xã Đồng Trạch. Chưa có ai đứng ra làm trung gian cho cuộc tranh chấp “vô tiền khoáng hậu” này.
Ai chịu trách nhiệm?
Trong khi hai làng nghề kể trên đang lơ lửng treo chờ các nhà đầu tư trong trạng thái “vườn không nhà trống” thì, hiện tại Quảng Bình vẫn đang bỏ ra nhiều tỷ đồng để tiếp tục xây dựng thêm nhiều cụm làng nghề khác như: làng nghề xã Thuận Đức (TP. Đồng Hới), làng nghề xã Quảng Thuận (huyện Quảng Trạch), làng nghề xã Liên Thủy (huyện Lệ Thủy).v.v…
Và thực tế nhãn tiền, những làng nghề này lại đang dẫm lên vết xe đổ của các làng nghề đi trước. Nghĩa là, sau khi xây dựng xong một vài hạng mục, làng nghề lại bị “treo” mà không thấy bóng dáng của các nhà đầu tư, các hộ kinh doanh.
Trước thực trạng ảm đạm và rất lãng phí của các làng nghề trên địa bàn Quảng Bình, từ người hoạch định cho đến người thực thi đang đổ lỗi cho nhau. Lãnh đạo Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) thì cho rằng: “Việc kêu gọi các nhà đầu tư là của địa phương chứ không phải của Sở”.
Còn ở địa phương thì người ta đổ lỗi cho cơ sở hưởng lợi từ dự án theo kiểu như ông Phan Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch nói: “Huyện đã giao cho xã Cảnh Dương thành lập Ban quản lí dự án. Việc không có nhà đầu tư nào vào là do năng lực của ban quản lí này” (?!).
Rốt cuộc thì ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước sự lãng phí tiền tỷ này? Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đang gấp rút cho kiểm tra, rà soát lại những công trình lãng phí tiền tỷ trên, để từ đó làm cơ sở đi đến kết luận chính xác ai là người phải chịu trách nhiệm.
>Những công trình lãng phí tiền tỷ ở Quảng Bình.