Những công trình “khủng” trên đất trang trại

Cập nhật 10/05/2018 09:14

Mặc dù được thuê hơn 70 nghìn m2 đất để phục vụ mục đích xây dựng trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa, tuy nhiên, chủ đầu tư đã biến đất nông nghiệp thành một khu làng ẩm thực, vui chơi giải trí, trồng cây cổ thụ, cây cảnh... có quy mô “khủng”...

Đất chuyển nhượng trái phép

Những ai đi trên quốc lộ 45, đoạn qua thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh, TP.Thanh Hóa không khỏi tò mò về một công trình được xây dựng có quy mô lớn ngay vùng ven phía Tây Nam TP.Thanh Hóa.

Cổng vào khu trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa

Ngay từ ngoài vào được xây dựng như một cổng thành nguy nga, đồ sộ với những phiến đá xếp chồng lên nhau. Từ ngoài nhìn vào, khu vực này như một quần thể với những cây xanh, cây cổ thụ và cả những cây cảnh thuộc vào “hàng khủng”.

Đi sâu vào trong là khu Làng ẩm thực Xứ Thanh được xây dựng trên mặt hồ; đường vào khu ẩm thực có kiến trúc độc đáo, sang trọng như một mê cung; nhà “Bảo tàng gốm Tam Thọ” để trưng bày những hiện vật...

Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy, ngày 15/8/2013, UBND TP.Thanh Hóa đã có Biên bản làm việc về việc kiểm tra khu đất ông Nguyễn Xuân Hương (P.Tân Sơn, TP.Thanh Hóa) xin thuê để xây dựng trang trại tại thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh.

Theo đó, UBND xã Quảng Thịnh phối hợp với các Phòng, Ban chức năng của UBND TP.Thanh Hóa kiểm tra khu đất trại cá, thôn Thịnh Vạn do ông Hương thuê.

Nguồn gốc khu trại cá tại thôn Thịnh Vạn có đặc điểm trũng, thấp so với mặt đường quốc lộ 45, là đất trại cá cũ do Ban kinh tế huyện Quảng Xương cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tây Hồ (Cty Tây Hồ) thuê để sản xuất nông nghiệp theo mô hình lúa - cá.

Khu dịch vụ ăn uống được xây dựng trên mặt hồ

Năm 2007, Huyện ủy Quảng Xương giao lại cho xã Quảng Thịnh. Sau đó, UBND xã Quảng Thịnh cho ông Bùi Sỹ Định (ở P.Lam Sơn, TP.Thanh Hóa) thuê để sản xuất nông nghiệp với mô hình lúa - cá, cây năng suất cao, nhưng không thanh lý tài sản với Cty Tây Hồ nên đã xảy ra tranh chấp gây mất ổn định địa phương.

Tháng 4/2013, Cty Tây Hồ và ông Định chuyển nhượng trái phép cho ông Nguyễn Xuân Hương.

Mặc dù khẳng định việc Cty Tây Hồ và ông Định chuyển nhượng đất cho ông Hương là trái phép, nhưng, ngày 5/8/2014, Chủ tịch UBND xã Quảng Thịnh vẫn có Tờ trình về việc đề nghị cho phép hộ ông Hương được thuê đất 50 năm tại khu trại cá, thôn Thịnh Vạn để tiếp tục sử dụng.

Ngày 22/10/2014, UBND TP.Thanh Hóa có quyết định số 9698 cho phép ông Hương thuê đất tại Khu trại cá, thôn Thịnh Vạn để đầu tư thực hiện Dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa (gọi tắt là dự án). Cũng trong ngày 22/10/2014, Phòng Kinh tế đã có báo cáo thẩm định dự án của hộ ông Hương.

Mục tiêu của dự án là phủ kín mặt ruộng và khắc phục tình trạng hoang hóa, sản xuất không hiệu quả bằng hình thức sản xuất cá - lúa có số lượng hàng hóa lớn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng về lương thực, thực phẩm cho thành phố và tỉnh Thanh Hóa...

Cây Linh Kỳ Mộc 1.500 tuổi trong khu trang trại

Mục tiêu đưa ra là vậy, nhưng trên thực tế, tại khu đất thực hiện dự án này không thấy trồng lúa, thay vào đó là khu vui chơi giải trí và dịch vụ ăn uống có tên gọi là "Làng ẩm thực xứ Thanh" bao gồm khu nhà sàn, nhà chòi phục vụ dịch vụ quy mô lớn; hệ thống cây xanh, cây cổ thụ và nhiều hạng mục công trình khác.

Thủ tục “thần tốc”!

Qua nghiên cứu hồ sơ được biết, ngày 9/10/2014, UBND TP.Thanh Hóa có tờ trình số 708/TTr-UBND gửi Thành ủy TP.Thanh Hóa. Chỉ một ngày sau, 10/10/2014, Thường trực Thành ủy đã tổ chức Hội nghị và ra thông báo ý kiến chỉ đạo các Phòng, Ban và UBND xã Quảng Thịnh hướng dẫn cho ông Nguyễn Xuân Hương (ông Hương là em trai ông Nguyễn Xuân Phi, Bí thư Thành ủy TP.Thanh Hóa) được thuê đất để thực hiện dự án.

Khu nhà bảo tàng

Căn cứ thông báo số 625-TB/TU của Thường trực Thành ủy TP.Thanh Hóa về việc thống nhất chủ trương cho thuê đất thực hiện dự án, ngày 21/10/2014, UBND TP.Thanh Hóa có thông báo số 651/TB-UBND kết luận Hội nghị giao ban Chủ tịch, các Phó chủ tịch đồng ý cho ông Hương thuê đất tại thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP.Thanh Hóa giao cho các phòng chuyên môn thẩm định về tổng mức đầu tư, tính khả thi dự án; mức độ phù hợp để chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang sản xuất cá - lúa; nguồn gốc đất, thời gian thuê đất; kế hoạch sử dụng đất và các hạng mục công trình dự án.

Căn cứ vào những hồ sơ cho thấy, chỉ một ngày sau khi ra Thông báo đồng ý cho ông Hương thuê đất chưa ráo mực (ngày 21/10/2014), thì ngày 22/10/2014, UBND TP.Thanh Hóa đã đồng loạt ký các văn bản một cách “thần tốc”, cho phép ông Hương được thuê khu đất nêu trên thực hiện dự án. Việc thẩm định, báo cáo của các Phòng, Ban và thủ tục ký kết chỉ diễn ra trong vòng một ngày.


Những công trình "khủng" "mọc" lên trên đất trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa

Hơn nữa, dù chưa có quyết định thu hồi đất, nhưng UBND TP.Thanh Hóa vẫn ký quyết định cho ông Hương được thuê hơn 70.360 m2 đất với thời gian 50 năm để thực hiện dự án trang trại cá - lúa.

Giá thuê đất là hơn 32 triệu đồng/năm, được tính từ ngày 22/10/2014. Theo như cam kết của bên thuê đất sẽ sử dụng đất đúng mục đích, chấp hành các quy định của Luật đất đai, nộp tiền thuê đất đầy đủ và đúng hạn, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy chữa cháy và các cam kết khác.

Tại khoản 5, Điều 142, Luật Đất đai 2013 quy định: Nghiêm cấm việc lợi dụng hình thức kinh tế trang trại để bao chiếm, tích tụ đất đai không vì mục đích sản xuất.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí