Những con đường “vắt qua” hai thế kỷ
Bài 2: Bốn năm 'đánh vật' với hai cột điện

Cập nhật 12/08/2007 10:00

Trong vô số khó khăn liên quan đến việc triển khai dự án đường vành đai 3 (Hà Nội), chúng tôi xin chỉ đề cập đến một nhóm khó khăn liên quan đến cơ chế. Do vướng cơ chế nên “quả bóng trách nhiệm” được ban đi ban lại còn dự án thì gần như “dậm chân tại chỗ”.

14 tỷ đồng để di chuyển 2 cột điện

Khi thực hiện dự án đường vành đai 3, chủ đầu tư (Ban QLDA Thăng Long - Bộ GTVT) đã vấp phải rất nhiều hạng mục công trình của các cơ quan nhà nước trong diện phải di dời. Trong đó phải kể đến hệ thống đường điện hạ thế, cao thế, trung thế.

Năm 2006, báo giới từng đề cập đến việc đoạn đường vành đai 3 (dài 600 m) thuộc công trình trọng điểm phục vụ APEC 14 bị ách tắc vì 6 cột điện. Lý do đơn giản là chẳng đơn vị nào phê duyệt dự án di chuyển cột điện này.

Sau đó, hạng mục di dời cột điện đã được các cơ quan chức năng xắn tay tháo gỡ. Tuy nhiên đó là hạng mục nhỏ, lại được chỉ đạo sát sao từ Thủ tướng Chính phủ.

Nay dự án này tiếp tục bị tắc vì 2 chiếc cột điện 220kv nằm trên địa bàn phường Yên Sở (quận Hoàng Mai). Năm 2004, khi triển khai tuyến đường vành đai 3, Ban QLDA Thăng Long đã phải xử lý 2 cột điện 220kv thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án. Lý do: con đường cao 7m sẽ ảnh hưởng đến độ cao tĩnh không của đường dây.

Theo quy định, chủ đầu tư sẽ chỉ phải trả tiền đền bù di dời 2 cột điện cho chủ quản lý, sở hữu đường điện là Cty Truyền tải điện 1 - Tập đoàn điện lực Việt Nam. Tuy nhiên, đơn vị này không chịu nhận tiền đền bù di chuyển vì họ chỉ là đơn vị quản lý vận hành chứ không phải đơn vị xây lắp.

Ban QLDA Thăng Long từ chủ đầu tư cả dự án làm đường bất đắc dĩ phải làm chủ đầu tư dự án di chuyển điện và họ bị rơi vào “trận đồ bát quái”. Vì Ban QLDA Thăng Long chỉ thạo về dự án làm đường chứ đâu có am hiểu về quản lý dự án điện với hàng loạt các quy trình, thủ tục mới lạ.

Sau cả năm thuê tư vấn lập dự án, cuối cùng phương án được chấp thuận. Chỉ có điều, phía điện lực yêu cầu phải di dời cả hàng cột (gần chục cột) chứ không phải là 2 cột.

Vì lẽ đó, hàng cột này sẽ phải chuyển vào đất của cơ quan nhà nước và nhà dân... Và như vậy, lại phải có một dự án nữa được lập ra để thu hồi đất. Vì thế, Ban QLDA Thăng Long không thực hiện theo phương án này.

Phương án 2 được đề xuất: Dựng 4 cột tạm hai bên cột cần di chuyển sau đó mắc dây vào 4 cột này để tháo 2 cột. Xây dựng lại 2 cột (nâng cao) rồi di chuyển dây điện về 2 cột tại vị trí ban đầu.

Theo đại diện Ban QLDA Thăng Long, phương án này được chấp thuận về mặt kỹ thuật. Dự kiến kinh phí di dời khoảng 14 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả phương án này cũng cần phải thu hồi đất (diện tích đất dựng 2 cột tạm khoảng 500m2). Hiện Ban QLDA Thăng Long đang làm các thủ tục để tạm thu hồi diện tích này. Như vậy sau gần 4 năm trời, 2 cột điện vẫn chưa được di dời và dự án xây dựng đường tiếp tục bị ách tắc.

Dự án tái định cư: Trên dưới “đá” nhau!

Khi thực hiện dự án đường vành đai 3, Ban QLDA Thăng Long còn phải làm chủ đầu tư một số dự án trong hạng mục GPMB của dự án như: Khu tái định cư tại xã Thanh Liệt (Thanh Trì); dự án nghĩa trang mới Đại Kim (Hoàng Mai); dự án khu nghĩa trang mới Thanh Liệt (Thanh Trì).

Tất cả các tiểu dự án này đều phục vụ cho công tác GPMB của dự án đường vành đai 3. Tuy nhiên chúng đã bị ách tắc từ 3 - 4 năm nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân ách tắc dự án là do Quyết định 26/2005 của UBND TP Hà Nội có nội dung trái với quy định tại Nghị định 197/2004 của Chính phủ.

Cụ thể, điều 33 nêu rõ: “UBND cấp tỉnh có trách nhiệm lập và thực hiện các dự án tái định cư để đảm bảo phục vụ tái định cư cho người bị thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở”. Trong khi đó, theo quyết định của thành phố, các dự án tái định cư đã được thành phố giao cho Ban QLDA Thăng Long làm chủ đầu tư.

Cuối năm 2003 các dự án này đã được thu hồi đất và hoàn thành GPMB. Vậy nhưng đến giai đoạn lập hồ sơ, thiết kế kỹ thuật thì Bộ GTVT lại từ chối phê duyệt vì cho rằng làm như vậy là trái với Nghị định 197 của Chính phủ. Hơn thế, nếu Bộ GTVT phê duyệt thì kho bạc cũng không thanh toán.

Ngày 8/2/2007, UBND TP Hà Nội có văn bản gửi Bộ GTVT khẳng định: “Đối với các dự án khu tái định cư Thanh Liệt, khu nghĩa trang mới Thanh Liệt và khu nghĩa trang mới Đại Kim do quyết định thu hồi đất được hoàn thành trước ngày Nghị định 197 có hiệu lực, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo Ban QLDA Thăng Long triển khai thực hiện”.

Sau 5 tháng nghiên cứu, ngày 7/7/2007, Thứ trưởng Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức có văn bản đề nghị: “Đối với khu nghĩa trang mới Đại Kim, khu nghĩa trang mới và khu tái định cư Thanh Liệt đề nghị UBND TP Hà Nội giao cho UBND các quận, huyện tiếp nhận và triển khai thực hiện tiếp các thủ tục về quản lý đầu tư xây dựng để xây dựng các khu tái định cư”. Nhưng cho đến nay, Hà Nội vẫn chưa có văn bản chấp thuận.

Như vậy chỉ với một thủ tục “phê duyệt thiết kế kỹ thuật” của các dự án tái định cư đã ngốn 3 - 4 năm. Không biết đến bao giờ các dự án tái định cư này mới được thực hiện. Và dự án đường vành đai 3 của Hà Nội chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ?

Dự án đường vành đai 3 (đoạn Mai Dịch - Pháp Vân) khởi công năm 2001, dự kiến hoàn thành năm 2003. Con đường có chiều dài 10 km, mặt cắt 68 - 70m.

Tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu là 820 tỷ đồng. Hiện dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2.200 tỷ đồng.


>> Bài 1: Mười năm không xong 600 mét đường!

>> Bài 3: Đường 'đắt nhất hành tinh' cũng… dở dang

Theo Phùng Sưởng - Tiền Phong