Ở chung cư cao cấp nhưng phải dắt xe máy lên nhà, tiền tỷ một chỗ để xe trong tầng hầm, chung cư cao tầng bốc mùi, nước chảy lênh láng... là một số điều lạ đời xảy ra ở nhiều chung cư hiện nay.
Ở chung cư cao cấp, dắt xe máy lên nhà
Những ngày gần đây, người dân được phen xôn xao với thông tin nhiều người "ở chung cư cao cấp phải dắt xe máy lên nhà". Chuyện thật tưởng như đùa này diễn ra ở tại khu chung cư cao cấp ở 203 Nguyễn Huy Tưởng, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Sự việc bắt đầu từ khi một người dân sống tại chung cư phản ánh rằng, họ phải trả số tiền để xe dưới tầng hầm là 73.000 đồng mỗi ngày. Quá bức xúc, người dân này đã quyết định dắt xe vào... thang máy để mang lên để trong nhà. Một trường hợp khác là anh N.M.H, gia sư tại một hộ chung cư cũng phải trả 35.000 đồng cho một tối để xe trong khi lương mỗi buổi dạy cũng chỉ là 100.000 đồng.
Trao đổi về vấn đề này, Ban Quản lý Khu dân cư cho rằng, căn cứ theo Quyết định của UBND TP Hà Nội, việc thu phí trông xe như vậy là vô cùng hợp lý. Theo đó, phí trông xe máy lượt ban ngày là 3.000 đồng, tối tính đến 22h00 là 5.000 đồng/lượt. Sau đó, từ 22h00 đến 6h00 là 30.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, mỗi hộ gia đình chỉ được đăng ký gửi 2 xe tính phí tháng, mỗi xe là 45.000 đồng/tháng. Những xe còn lại phải tính phí 30.000 đồng/đêm.
Tuy nhiên, đại diện hộ dân ở đây cho rằng, mức phí như trên là không đúng theo quy định của UBND TP Hà Nội. Đồng thời, khung giờ quy định mức phí tối – qua đêm cũng không đúng theo quy định.
Giá để xe ô tô tiền tỷ, vẫn lo thiếu chỗ
Tại nhiều chung cư, chỗ để các phương tiện đi lại, đặc biệt là xe ô tô đang trở thành một vấn đề nan giải. Lý do là "đất chật, người đông", đôi khi Quản lý chung cư đưa ra một cái giá để xe cắt cổ nhưng vẫn phải tranh nhau mua vì sợ hết chỗ.
Dù phải chịu giá cắt cổ cho một chỗ để xe tại tầng hầm nhưng vì thiếu chỗ nên nhiều người vẫn phải mang ra ngoài để. |
Theo anh Hải, một cư dân tại dự án ở Thụy Khuê, đã phải chi gần 800 triệu đồng để có được một chỗ đỗ 38 năm tại chung cư của mình. Thậm chí, có người bỏ 1 tỷ đồng để mua một chỗ đỗ xe 16m2. Giá cắt cổ như vậy nhưng ai cũng muốn mua, khổ nỗi là không phải lúc nào muốn mua cũng được.
Mặc dù bất kỳ chung cư cao cấp nào cũng thiết kế tầng hầm riêng để xe nhưng vẫn không đủ với số lượng xe quá tải của cư dân, khiến cho tình trạng "giành" nhau chỗ để vẫn diễn ra như cơm bữa, và những người không có chỗ để xe thì vẫn loay hoay không biết phải làm thế nào.
Mặc dù vé tháng đã khó mua, vé ngày mua được nhưng còn khổ hơn. Ở nhiều chung cư, ban Quản lý thu vé đỗ xe ô tô theo ngày lên đến cả trăm nghìn đồng/ ngày, khiến cho cuộc "tranh đấu" tìm chỗ để xe càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Nếu không thuê được chỗ để xe theo tháng, cũng không chấp nhận mức giá để xe cắt cổ theo ngày, chủ xe buộc phải tìm phương án khác, chẳng hạn như thuê chỗ để xe bên ngoài với giá cũng cao, chưa kể còn phải đi một đoạn đường xa để lấy xe ô tô, khiến cho sinh hoạt thường ngày trở nên vô cùng bất tiện.
Chủ đầu tư đòi 2/3 lối đi
Sau hàng loạt sai phạm được Sở Xây dựng chỉ ra, hồi tháng 11/2015, cư dân sống tại dự án Sky City (88 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) lại tiếp tục bức xúc khi chủ đầu tư đòi 2/3 cổng ra vào tại dự án này.
Chung cư bị chiếm 2/3 lối đi chung cư. (Ảnh: VTC News)
|
Cụ thể, công ty Hanotex cho biết đã đi thuê đất để cho cư dân “mượn tạm” lối ra vào trong suốt 5 năm qua. Đến nay hợp đồng đã chấm dứt và cư dân sẽ phải hoàn trả lại phần diện tích đó để lối ra vào chỉ còn rộng 3,5m và phải đi chung với dãy nhà hàng xóm khác.
Trong văn bản số 2110/CV-HNT của công ty Hanotex gửi Sở Xây dựng Hà Nội và thanh tra sở xây dựng Hà Nội ngày 21/10/2015, tại điều 1, công ty Hanotex cho biết đã thanh lý lối đi là đất thuê của công ty CP Sản xuất HXK và XNK Đống Đa (Dasimex).
Tuy nhiên, theo các cư dân, thông báo này của Hanotex hoàn toàn không logic bởi trong buổi họp với ban quản trị ngày 07/12/2013, ông Dương Thành Đạt, Tổng Giám đốc của Hanotex tuyên bố đã mua toàn bộ diện tích đường đi để làm lối đi chung của dự án.
“Chúng tôi tiếp tục đi xác minh để xem công ty Dasimex, đơn vị cho Hanotex thuê đất để làm đường đi chung vào khu chung cư Sky City Towers – 88 Láng Hạ thì được biết: Công ty Hanotex đang sở hữu 41,42% tỉ lệ vốn góp tại công ty Dasimex. Và cổ đông Trần Nhật Thành (giữ 30% cổ phần tại Hanotex) đồng thời là người đại diện cho phần vốn góp của Hanotex tại Dasimex. Như vậy, phải chăng chủ đầu tư đang lừa dân”, đại diện cư dân cho biết.
Mất điện, nhịn cơm
Trước đó, nhiều khách hàng mua dự án The Pride (Lê Văn Lương kéo dài, quận Hà Đông, Hà Nội) hết sức bất ngờ khi chủ đầu tư gửi thông báo yêu cầu thay toàn bộ hệ thống bếp gas bằng bếp điện.
Trong văn bản này gửi cư dân nêu rõ lý do thay đổi là, việc sử dụng bếp gas có nhiều yếu tố gây hại cho sức khỏe con người cũng như những nguy cơ về phòng chống cháy nổ.
Hơn nữa, khi cư dân trong tòa nhà sử dụng dịch vụ cung cấp gas do công ty quản lý tòa nhà chỉ định cũng sẽ bị phụ thuộc vào sự thay đổi trong chính sách giá của nhà cung cấp. Trong khi đó, sử dụng bếp điện và bếp từ không những an toàn hơn, không gây hại tới sức khỏe mà còn tiết kiệm hơn đáng kể.
Với những lý giải đó, Công ty Hải Phát cho biết quyết định chuyển hướng đầu tư thay thế hệ thống cung cấp gas trung tâm bằng việc nâng cấp điện để tăng công suất, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng của cả dự án.
Trao đổi với báo điện tử VTC News, một khách hàng khác lại bức xúc: “Tôi chưa thấy hệ thống chung cư nào ở Hà Nội mà người dân dùng điện thay gas. Trong trường hợp bị mất điện thì người dân phải đun nấu thế nào? Không lẽ mất điện thì người dân cũng nhịn ăn luôn?
Ở Hà Nội, việc mất điện luân phiên vào mùa hè, nhất là những năm nguồn điện gặp khó khăn không phải là chuyện lạ, thì phương án phụ thuộc tất cả các sinh hoạt vào nguồn điện có khả thi không?”.
Chung cư cao tầng...bốc mùi
Theo Vietnamnet, Chung cư N2A, N2B (Tổ dân cư số 39, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) được đưa vào sử dụng từ năm 2006 thuộc quản lý của Xí nghiệp Quản lý dịch vụ và khai thác khu đô thị (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý & Phát triển nhà Hà Nội).
Đơn vị cung cấp dịch vụ nước sạch cho các tòa N2 là Công ty Nước sạch Viwaco. Công ty này lấy nguồn nước từ Sông Đà để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt của người dân.
Tòa nhà N2A và N2B đã xuống cấp trầm trọng.
|
Mới đầu hè nhưng cư dân ở tòa N2A đã phải đối diện với tình trạng “khát” nước. Ông Lê Quý Hồng, Tổ trưởng tổ dân phố 39 cho hay: “Không chỉ mất nước sinh hoạt, chúng tôi thường xuyên phải đối diện với tình trạng nước bẩn. Để đảm bảo an toàn các hộ đều chủ động lọc nước để nấu ăn”.
Theo người dân sống tại tòa nhà, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nước bẩn bởi bể chứa không được thau rửa trong thời gian dài. Nước luôn được tích trữ tại bể ngầm, sau đó đi qua bể lọc trên tầng thượng, cuối cùng mới theo đường ống, hơn nữa đường ống nước xập xệ, xuống cấp… nước sinh hoạt đến từng nhà dân bị nhiễm bẩn.
Bà Nguyễn Thị Hảo - Tổ phó Tổ dân cư 39 cho biết: “Nói về những bất cập ở chung cư này thì nói cả ngày. Khốn khổ hơn, khi xảy ra sự cố về đường ống, bể phốt chúng tôi phải mất công tìm kiếm đường ống rồi mới tiến hành sửa chữa được. Chưa kể chi phí thông mỗi lần toàn tiền triệu. Hiện, chúng tôi không hề có sơ đồ kỹ thuật về vị trí bể phốt, đường ống… của tòa nhà”.
Từ khi đưa vào sử dụng đến này bể phốt tại tòa nhà N2B chưa một lần được thau rửa. Nhiều người dân cho biết, vào những ngày trời nồm cả tòa nhà bốc mùi nồng nặc.
Theo tìm hiểu của PV, cửa thoát hiểm tại tòa nhà N2A ngang nhiên bị bịt lại để làm quán ăn. Ông Hồng cho biết: “Việc lối thoát hiểm bị chiếm làm quán ăn xảy ra hơn 10 năm nay rồi. Chúng tôi cũng đã nhắc nhở, thậm chí có cả công an vào cuộc nhưng vẫn không có tác dụng, nói chung mọi bất cập đều do nhà quản lý kém”.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News