Những chiêu lừa của "cò" thuê nhà

Cập nhật 22/12/2009 09:40

Sau 3 lần được "cò" nhà đất đưa vào những căn nhà bé xíu, ẩm thấp, chị Minh xin rút lui sau khi mất 200.000 đồng phí môi giới.

Đọc trên báo, chị Thu Minh (Hà Đông, Hà Nội) tìm được căn nhà 30 m2 khép kín có giá thuê khá hợp lý ở đường Quang Trung. Liên hệ qua điện thoại, chị gặp "cò" tên Long. Anh này yêu cầu chị nộp 200.000 đồng và sẽ giúp chị tìm được căn nhà ưng ý mới thôi. "Cò" Long viết giấy biên nhận.

Đến nơi, chị Minh thất vọng vì ngôi nhà không giống như quảng cáo, chỉ vẻn vẹn 20 m2, chung khu phụ, chung lối đi với nhà chủ ở tầng trên. Tiếc 200.000 đồng đã nộp, chị vẫn để "cò" Long đưa chị đến ngôi nhà khác với lời hứa sẽ có ngôi nhà ưng ý. Ngôi nhà thứ hai nằm trong xã Vạn Phúc rộng gần 40m2, riêng biệt, nhưng lại lợp mái tôn như một nhà xưởng. Chị Minh cũng không thể đồng ý vì khó có thể ở đây trong mùa hè.

Vài hôm sau, chị lại được đưa đến một ngôi nhà sâu trong ngõ nhỏ xíu, ẩm thấp, song khi gặp chủ nhà thì họ lại đưa ra giá thuê ngoài suy nghĩ của chị, thế là lại quay về. "Cò" Long vẫn hứa khi nào tìm được ngôi nhà ưng ý sẽ gọi điện cho chị, nhưng cả tháng trôi qua, chị Minh mệt mỏi vì chờ đợi nên đành phải tự xoay sở.
 

Một căn nhà tập thể xập xệ là mơ ước của nhiều người sống ở thủ đô. Ảnh: Hoàng Hà.


Trong vai người đi tìm nhà thuê, phóng viên VnExpress.net tìm đến một văn phòng nhà đất có trong ngõ Văn Chương, quận Đống Đa theo địa chỉ quảng cáo. "Văn phòng" rộng chưa đến 10 m2, không biển tên, một người đàn ông xăm trổ ngồi gác chân trực điện thoại, mấy chị trung niên phì phèo hút thuốc, ngồi tán chuyện. Sau khi hỏi ngôi nhà đã đăng cho thuê trên báo trong ngõ Văn Chương, một chị môi giới yêu cầu đóng phí 100.000 đồng cho một lần xem nhà.

Đi lòng vòng qua các ngõ, chị "cò" tiết lộ là chưa đến địa chỉ này bao giờ mà chỉ làm việc với chủ nhà trên điện thoại. Đến nơi thì chủ nhà bảo đã có người thuê rồi. Ông chủ cho biết thêm không bao giờ làm việc qua môi giới nhưng vẫn có rất nhiều "cò" dẫn khách đến đây...

Thâm niêm 4 năm ở nhà thuê, Quang Hưng, sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết, cậu đã mất khá nhiều tiền với "cò" nhà trọ. Ngoại trừ những lần có giao kèo trả tiền cho "cò" trước khi xem nhà, thì có lần người môi giới tỏ ra nhiệt tình, không đòi tiền công. Tuy nhiên, sau khi đưa cậu sinh viên đi xem ngôi nhà sâu trong ngõ chợ Khâm Thiên, chị "cò" dẫn cậu ra quán nước nghỉ chân và đòi tiền "xăng xe" là 100.000 đồng. Không trả tiền, chị nháy mắt cho mấy "đệ tử" ngồi gần đó xông vào, sau một hồi bị dọa dẫm, cậu sinh viên phải ngậm đắng trả tiền.

Có lần, Hưng thuê được một ngôi nhà khá ưng ý gần ĐH Bách Khoa nhưng chỉ ở đó được 2 tháng thì chủ nhà dừng hợp đồng. Hỏi hàng xóm, cậu mới vỡ lẽ ngôi nhà đó chuyên cho thuê "ngắn hạn". Chủ nhà đã câu kết với "cò" nhà đất để lừa sinh viên. Khi sinh viên vào ở, họ thu luôn tiền nhà 3 tháng và tiền môi giới bằng 1/2 tiền thuê tháng đầu, sau 2 tháng thì đuổi người cũ để nhận người mới. Nếu ai đòi ráo riết, họ mới trả lại một tháng tiền nhà.

Một cách thức nữa được “cò” sử dụng khá phổ biến hiện nay là các trang thông tin rao vặt. "Cò" cóp nhặt mẩu rao vặt của chủ nhà rồi chỉnh sửa thông tin, chỉ cung cấp số điện thoại liên lạc mà không có địa chỉ, số nhà cụ thể cần cho thuê. Mỗi khi khách hàng yêu cầu dẫn đến xem nhà là "cò" kiếm được ít nhất là 100.000 đồng.

Hằng năm, hàng triệu sinh viên ra trường ở lại Hà Nội làm việc, học sinh lên nhập học đã khiến cho tình trạng nhà đất thủ đô "nóng" lên từng ngày. Những văn phòng môi giới, giới thiệu nhà đất, “cò nhà trọ” được dịp hoạt động hết công suất.

Trên các cột điện, gốc cây bên đường phố, rất dễ thấy những rao vặt cho thuê phòng trọ, có thể khép kín hoặc là không, giá điện nước rẻ, internet miễn phí... với giá cả vừa phải. Mặc dù các rao vặt cò dòng chữ “Không qua trung gian”, song nhiều người thuê tìm đến các địa chỉ này vẫn chuốc phải bực mình vì vừa mất tiền môi giới, vừa không thuê được nhà lại mất thời gian.

Rút kinh nghiệm qua nhiều lần gặp "cò", Quang Hưng, cho biết, hiện cậu chỉ nhờ bạn bè tìm nhà hoặc tự đăng nhu cầu tìm nhà trên các trang rao vặt. Nếu tìm nhà trên báo chí thì sẽ đến những nơi có địa chỉ cụ thể để được gặp chủ nhà. Hợp đồng thuê nhà cũng ký dài hạn 6 tháng trở lên.

Còn Thu Minh cho hay, chỉ cần bớt chút thời gian nghiên cứu các tin thuê nhà sẽ dễ nhận thấy đâu là tin "ảo" bởi không có địa chỉ cụ thể hoặc một địa chỉ do nhiều người cùng đăng. Ngoài ra, khi gặp người rao tin, chị sẽ hỏi cặn kẽ ngôi nhà diện tích như thế nào, ngõ đi vào ra sao, chung lối đi hay không. Nếu gặp người không nắm rõ hoặc trả lời loanh quanh thì ắt hẳn là "cò" nhà đất.

Trao đổi với VnExpress.net, luật sư Phạm Thanh Bình, Văn phòng Luật sư Hồng Hà, cho rằng, hiện có khá nhiều văn phòng nhà đất nhỏ lẻ mọc lên không đủ điều kiện hoạt động, người môi giới không đủ trình độ song vẫn được xã hội chấp nhận. Nhiều người không muốn giao dịch trong các sàn bất động sản, công ty nhà đất có đăng ký kinh doanh vì ngại phí giao dịch cao. Đây là sai lầm và tiếp tay cho kiểu kinh doanh trái phép của "cò" nhà đất.

Theo ông Bình, nhà nước cần quản lý các trung tâm nhỏ lẻ để dần đưa vào khuôn khổ. Ngoài ra, nếu gặp những dấu hiệu lừa đảo thì người dân có thể kiện "cò" nhà đất, bởi người này đang kinh doanh trái phép, không có đăng ký kinh doanh và chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản.


DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress