Là lô đất vàng có nguồn gốc quân đội nhưng sau nhiều lần chuyển đổi, liên danh, góp vốn lô đất vàng 7 - 9 Tôn Đức Thắng đã trải qua không ít thăng trầm khiến dư luận lo ngại có khuất tất. Gần đây, nó lại bất ngờ được rao bán trên mạng…
Đất vàng và sự tham gia của Út Trọc
Lô “đất vàng” 3.531 m2 đất tại số 7 - 9 Tôn Đức Thắng phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. Trước đây do Công ty Hải Thành (thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân) quản lý. Đến năm 2009, UBND TP. HCM có Quyết định số 5977/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng, để đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ trên lô đất này.
Sau đó, Công ty Hải Thành liên kết với Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh (là công ty của gia đình “Út Trọc” Đinh Ngọc Hệ) cùng thành lập Công ty TNHH Yên Khánh Hải Thành (Công ty Yên Khánh Hải Thành) để thực hiện dự án trên.
Theo đó, Công ty Hải Thành góp vốn bằng quyền sở hữu 3.531 m2 đất tại số 7 - 9 Tôn Đức Thắng. Thời điểm đó, lô đất này chỉ được định giá 32 tỷ đồng (tương đương 10% vốn điều lệ của Yên Khánh Hải Thành).
Tháng 3/2010, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CT00244 cho Yên Khánh Hải Thành với thời hạn sử dụng đất 49 năm (tính từ ngày 25/11/2009, thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư).
Ban đầu, khu đất tại số 7 - 9 đường Tôn Đức Thắng được UBND TP. HCM phê duyệt giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại Quyết định duyệt giá số 3251/QĐ-UBND với mục đích sử dụng đất là đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại, hệ số sử dụng đất là 9, mật độ xây dựng là 50%, tầng cao xây dựng 28 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Tôn Đức Thắng, chiều cao tối đa 113m), tầng cao xây dựng 15 tầng (đối với khu đất tiếp giáp đường Ngô Văn Năm, chiều cao tối đa 61m).
Thế nhưng, hơn 8 năm trôi qua, dự án “đất vàng” số 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn đắp chiếu, hiện được chủ đầu tư quây tôn để làm bãi đỗ xe.
Lô đất vàng 7 -9 Tôn Đức Thắng, quận 1, TP. HCM |
Thăng trầm chuyển nhượng
Từ khi được cấp phép, dự án luôn im hơi lặng tiếng. Dư luận chỉ biết nhiều đến dự án này khi có thương vụ gần 1.000 tỷ đồng bất thành giữa Sabeco và Yên Khánh Hải Thành năm 2016. Tháng 3/2016, Sabeco thông qua Nghị quyết số 13 và 15 trong đó có nội dung hợp tác đầu tư, thương thảo để triển khai thực hiện chủ trương mua sàn văn phòng để làm trụ sở Tổng công ty tại khu đất số 7 - 9 Tôn Đức Thắng.
Sau đó, Sabeco và Công ty Yên Khánh Hải Thành đã ký thỏa thuận nguyên tắc về việc mua sàn văn phòng thời hạn sử dụng ổn định trong 49 năm tại dự án “đất vàng” số 7 - 9 Tôn Đức Thắng. Với mức giá thuê tối đa 3.000 USD/m2, diện tích dự kiến khoảng 10.000 - 15.000 m2. Dự kiến Sabeco có thể sẽ phải bỏ ra số tiền gần 1.000 tỷ đồng để thuê văn phòng trong 49 năm. Thế nhưng, sau đó Sabeco đã quyết định rút lui khỏi dự án trên và chấp nhận bồi thường thiệt hại vì phá vỡ hợp đồng cho Yên Khánh Hải Thành.
Mới đây, theo báo Nhadautu.vn đưa tin, lô đất này đang được mang đi cầm cố tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô. Trong khi đó, tình hình vay vốn của Công ty Yên Khánh với BIDV cũng có nhiều vấn đề đến mức báo động đỏ. Theo một báo cáo của Bộ GTVT trình lên Thủ tướng về các vướng mắc hợp đồng bán quyền thu phí trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương giữa Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng công ty Cửu Long) với Công ty Cổ phần tập đoàn Yên Khánh (Công ty Yên Khánh) thì có nhiều vấn đề đặt ra. Trong đó, về khoản tiền 264,7 tỷ đồng mà Công ty Yên Khánh bị phạt do chậm thanh toán tiền mua quyền thu phí cao tốc TP. HCM - Trung Lương thì mặc dù Tổng công ty Cửu Long, đơn vị đại diện cơ quan nhà nước đã nhiều lần yêu cầu Công ty Yên Khánh thanh toán tiền phạt này để nộp vào ngân sách Nhà nước nhưng Công ty Yên Khánh vẫn không thanh toán.
Số tiền phạt chậm này là quá lớn, nhưng công ty Yên Khánh không có tài sản gì để có thể bảo đảm cho việc thanh toán số tiền này ngoại trừ tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng và nguồn thu trực tiếp tự việc thu phí trên cao tốc TP. HCM - Trung Lương. Theo đánh giá của Bộ GTVT thì khả năng rủi ro không thu hồi đủ số tiền phạt trên là rất lớn và có nguy cơ dẫn đến thất thoát. Bộ GTVT đã có kiến nghị cho phép Bộ chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long tiếp tục áp dụng các biện pháp để thu hồi số tiền bảo lãnh hợp đồng. Cụ thể, Tổng công ty Cửu Long tịch thu toàn bộ hơn 100 tỉ đồng của thư bảo lãnh do Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thanh Đô cấp để nộp phạt thay cho Công ty Yên Khánh vào ngân sách theo quy định.
Được biết, ngoài nợ BIDV Thành Đô, Công ty Yên Khánh còn nợ Agirbank hơn 600 tỷ đồng.Vì vậy gần đây, có một số thông tin cho biết, ngân hàng BIDV và một số ngân hàng khác đang tìm mọi cách để thu hồi công nợ đối với Công ty Yên Khánh song việc thu hồi không hề dễ dàng.
Công ty Yến Khánh Hải Thành mang dự án 7-9 Tôn Đức Thắng đi cầm cố (Ảnh: Báo Nhà đầu tư)
Dấu hỏi thất thoát tài sản?
Trong bối cảnh đó, gần đây trên internet lại rộ lên thông tin rao bán khu đất vàng này. Trang batdongsan.com.vn đăng tin “Bán dự án 7 - 9 Tôn Đức Thắng, Q. 1, 3531 m2, 1850 tỷ””. Người bán xưng là Mặc Thế Duy hay còn gọi là Lại Thế Duy. Trên trang của Sàn giao dịch Đại Phúc group cũng rao bán lô đất này nhưng lại thông tin mật độ xây dựng lên tới 60%.
Hải Thành dù chỉ có 10% góp vốn bằng đất trong liên danh Yên Khánh Hải Thành nhưng vẫn có tiếng nói quyết định. Tin cho biết hiện đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước nhay vào muốn mua với giá 1200-1800 tỷ.
Những thông tin trên khiến dư luận đặt dấu hỏi về sự phức tạp cũng như tính hợp pháp của việc rao bán và chuyển nhượng khi khu đất trên có nguồn gốc quân đội và Công ty Hải Thành đã góp vốn 10% tương đương với 32 tỷ đồng vào thời điểm ký kết liên danh. Nay nếu dự án tiếp tục được chuyển nhượng thì vai trò của doanh nghiệp quân đội sẽ ra sao, sự thực năng lực tài chính của Công ty Yên Khánh trong liên danh như thế nào mà để dự án hơn 8 năm không thực hiện được. Có hay không việc mang sổ đỏ khu đất thế chấp tại ngân hàng để vay vốn? Có hay không nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước khi dự án không được thực hiện mà lại được rao bán nhanh chóng?
Trước những thông tin trên, phóng viên đã liên lạc với lãnh đạo Công ty Hải Thành, đại diện công ty cho biết: “Hiện sự việc đang nằm trong cơ quan điều tra nên lô đất không thể bán, chúng tôi phải báo cáo, xin phép bây giờ chặt chẽ lắm, có thể đó là thông tin vỉa hè, có gì tôi sẽ thông tin sau”.
Còn ông Lại Thế Duy, người rao bán khu đất trên mạng thì cho biết qua điện thoại: “Hiện số nợ 600 tỷ đồng với BIDV đã được trả xong, vụ này hơi nhạy cảm phóng viên cần thông tin thì gặp riêng anh trao đổi vì rất …nhạy cảm”(!)….
DiaOcOnline.vn - Theo Công Lý