Ngày 30.11.2011, lần đầu tiên, “Chiến lược phát triển Nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đã đưa ra một trong những quan điểm có tính đột phá, đó là: “Phát triển nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân”. Đến nay, chính sách đang dần đi vào cuộc sống và việc thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội đã được coi là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015.
|
Giai đoạn trước năm 2011, thị trường bất động sản phát triển thiếu ổn định - khi thì sốt nóng, lúc lại trầm lắng, thậm chí “đóng băng” theo từng chu kỳ. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề nằm ở chỗ, cứ sau mỗi chu kỳ tăng trưởng, giá bất động sản càng tăng, sản phẩm càng nhiều, nhưng người nghèo, người thu nhập thấp càng khó tiếp cận và sở hữu. Trong giai đoạn 2011 – 2012, thị trường “bất động” với tồn kho lên tới gần 130.000 tỉ đồng, nhưng nghịch lý là đại đa số dân cư đô thị vẫn không thể mua và sở hữu nhà ở. Lý do là phần lớn sản phẩm bất động sản khi ấy đều thuộc phân khúc trung và cao cấp. Trong khi đó, hơn 80% số dân đô thị chỉ có thu nhập trung bình và thấp, nên không thể đủ khả năng mua những sản phẩm này.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “đóng băng” của thị trường bất động sản (TTBĐS) giai đoạn 2011 - 2012 là việc thừa quá nhiều sản phẩm trung và cao cấp, trong khi thiếu quá nhiều sản phẩm bình dân, giá rẻ. Vì vậy, vấn đề cốt lõi để tháo gỡ khó khăn cho thị trường là phải khắc phục sự lệch pha cung - cầu, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa một cách hợp lý để sản phẩm bất động sản đến được với mọi đối tượng, phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán thực của thị trường.
Trên cơ sở phân tích, nhận định một cách thấu đáo, khách quan về TTBĐS, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho TTBĐS, gắn với thực hiện Chiến lược nhà ở quốc gia, đặc biệt là nhà ở xã hội, được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị quyết 02 năm 2013 và Nghị quyết 61 năm 2014. Theo đó, đồng thời với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư xây dựng, phát triển đô thị, nhà ở và TTBĐS, đã tiến hành rà soát, phân loại các dự án bất động sản trên toàn quốc, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại (chia nhỏ căn hộ) cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường; miễn giảm tiền sử dụng đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đầu ra đối với các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Đặc biệt, Chính phủ đã dành gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội và người dân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bán thấp...
Nhà ở xã hội KĐT Đặng Xá (Hà Nội) đã cải thiện chỗ ở cho hàng nghìn gia đình.
|
Chính nhờ các giải pháp đồng bộ đó, TTBĐS đã phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp. Trong năm 2015, Hà Nội có khoảng 19.350 giao dịch thành công (tăng 1,7 lần so với năm 2014); TP. HCM có khoảng 18.700 giao dịch thành công (tăng 1,8 lần so với năm 2014). Tồn kho bất động sản đến 20.12.2015 đã giảm 77.659 tỉ đồng, còn khoảng 50.889 tỉ đồng - giảm 60,41% so với quý I/2013.
Thông qua các chương trình phát triển nhà ở xã hội trọng điểm, đến nay đã có khoảng 800.000 hộ gia đình - tương đương khoảng trên 3 triệu người nghèo, người thu nhập thấp được cải thiện chỗ ở. hiện Trên cả nước đang tiếp tục triển khai 171 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 108 dự án nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, quy mô xây dựng khoảng 61.290 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 31.760 tỉ đồng; 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân với quy mô xây dựng khoảng 69.300 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 18.800 tỉ đồng. Chương trình phát triển nhà ở sinh viên đã có 85 dự án hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 330.000 sinh viên.
|
Hàng vạn hộ dân nghèo, các đối tượng chính sách từ nông thôn, miền núi, các khu vực thường xuyên bị bão lũ và người thu nhập thấp ở khu vực đô thị đã được cải thiện về nhà ở. Nhiều mô hình khu đô thị nhà ở xã hội với hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ giành cho người thu nhập thấp như khu đô thị Đặng Xá - Gia Lâm (Hà Nội), khu nhà ở cho công nhân tại thành phố mới Bình Dương… đã góp phần khẳng định một hướng đi mới trong việc kết hợp giữa phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu xã hội chủ nghĩa, hướng tới con người, vì con người, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Tuy vậy, trên thực tế, sản phẩm nhà ở xã hội vẫn còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu, trong khi vẫn còn đó nhiều lực cản như: Có địa phương chưa thực sự quan tâm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội; quy định giành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để đầu tư phát triển nhà ở xã hội có những nơi chưa được thực hiện nghiêm túc; nguồn vốn trung và dài hạn cho phát triển nhà ở xã hội còn thiếu; nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa mặn mà với nhà ở xã hội; các doanh nghiệp mới chủ yếu xây dựng nhà ở xã hội để bán, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội để cho thuê... Đây chính là những nhiệm vụ đặt ra với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm và nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao động Thủ đô