Nhọc nhằn đời... ở trọ

Cập nhật 24/04/2010 11:30

"Ở phòng trọ giá rẻ khổ lắm anh ơi!" - một nữ công nhân ngành may tại Khu công nghiệp Tân Bình, tên Loan, hiện trọ trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Bình), ca thán: "Nó ngột ngạt, bức bí đã đành, hễ có người trả giá cao hơn là chủ nhà tìm cách đuổi mình đi. Mà mỗi lần dọn phòng là mất thời gian, hao sức lực, trần thân dữ lắm!".

Mỗi năm TP HCM lại được bổ sung hàng vạn người nhập cư đến sinh sống, học tập và làm việc. Đất chật nhưng người đông và không ngừng gia tăng đã làm cho giá nhà đất tăng đột biến và dần trở nên quá sức đối với người lao động trong việc có được một căn nhà nhỏ trú ngụ. Để có chốn vào ra, người lao động xa xứ phải tất tả thuê mướn phòng - nhà. Cũng từ đây họ sẽ phải đối mặt với ngày dài tháng rộng đủ cảnh gian nan, ức chế cảnh sống "nhà thuê, cơm chợ".

Khốn khổ với điệp khúc tăng giá

Bị chủ nhà lên giá một cách quá đáng, chịu không nổi nên mấy hôm nay, hai chị Nga, Linh, nhân viên kế toán kho cho Công ty May Việt Tiến hiện ngụ tại quận Bình Tân phải tranh thủ sau giờ làm chạy xe khắp các phố phường để tìm chỗ thuê phòng. Tìm cả tuần mà chẳng ưng ý nơi nào bởi chỗ thì giá quá cao, chỗ thì ẩm thấp, dơ dáy, ngột ngạt, chỗ thì quá xa nơi làm việc…

Trầy trật mãi, cuối cùng, hai chị mới kiếm được một căn phòng tàm tạm ở gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Tân Bình) với giá 800.000 đồng để náu thân. "So với căn phòng trước thì chỗ này tối, chật hơn nhưng được cái rẻ hơn. Tiền nào của đó. Thôi thì cứ ở tạm" - Linh tâm sự.

Có mức thu nhập mỗi tháng hơn 3 triệu đồng như Nga, Linh thì việc cùng "hợp tác" thuê một căn phòng để ở không đến nỗi quá nặng nề. Nhưng đối với những người có thu nhập thấp, khoảng dưới 2 triệu đồng một tháng thì quá đỗi gian nan.

Với đồng lương quá khiêm tốn, để có thể tồn tại và có chút đỉnh phòng thân hay phụ giúp gia đình, họ phải chấp nhận sống trong những căn phòng tồi tàn, chật chội như chiếc hộp diêm với giá dưới 1 triệu đồng/tháng cho căn phòng dưới 10m2 nhưng phải ở đến 5-6 người để giảm tiền bình quân đầu người…

"Ở phòng trọ giá rẻ khổ lắm anh ơi!" - một nữ công nhân ngành may tại Khu công nghiệp Tân Bình, tên Loan, hiện trọ trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Bình), ca thán: "Nó ngột ngạt, bức bí đã đành, hễ có người trả giá cao hơn là chủ nhà tìm cách đuổi mình đi. Mà mỗi lần dọn phòng là mất thời gian, hao sức lực, trần thân dữ lắm!".

Tuấn, bạn học cấp 3 với người viết ở chung phòng trên đường Phạm Thế Hiển (phường 5, quận 8) hiện đang tăng cường "bủa" khắp nơi tìm chỗ ở mới vì "Bị chủ nhà o ép chịu đời hổng thấu".

Gặp tôi, Tuấn tâm sự: "Phòng bốn đứa, không xài tivi, không nấu đồ điện, không ủi đồ, chỉ có cái bóng đèn thắp sáng và cái máy tính chỉ bật vào buổi tối vậy mà đồng hồ nhảy cả trăm số (100 KW). Mình yêu cầu bà chủ nhà xem lại đồng hồ điện thì bà bảo ăn gian làm gì vài ba chục số điện… rồi kiếm cớ đuổi tụi này ra khỏi nhà".

Mà đâu chỉ có điện, điều làm người thuê phòng "ớn" nhất là bị gia chủ tăng tiền phòng, tiền nước đột ngột mặc dù lúc giao kèo (thường là hợp đồng miệng), gia chủ cam đoan "không tăng, không phụ thu bất kì khoản gì khác". Lại có gia chủ ép người ở trọ đóng luôn tiền đổ rác, tiền an ninh quốc phòng, tiền ủng hộ các khoản quỹ ở địa phương. Phản ứng ư? "Mai dọn phòng em nhé!".


Giá rẻ đồng nghĩa với nơi ở tồi tàn.

Chất lượng sống… thấp!

Vì ngụ cư trong môi trường chật hẹp, tạm bợ nên chất lượng cuộc sống của những người ở trọ rất kém. Xem tivi - nhu cầu giải trí tối thiểu - được phần đông họ coi là khái niệm xa xỉ vì "ngán tiền điện".

Đang trọ trong căn nhà không số cũng tại khu Bình Hưng Hòa, anh Trương Phong, nhân viên Công ty Chế biến hải sản Trường Phong trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), tâm tình: "Các chủ nhà trọ thường tận dụng tối đa diện tích để ngăn thành nhiều phòng nên không gian nhà trọ rất tù túng, chật hẹp".

Đưa tôi đi thăm "dinh cơ" chỉ 4m2 nhưng có đến 3 người ở (chủ yếu tối về ngủ), chỉ những nùi dây điện chồng chéo cũ nhàu được giăng kéo tứ tung, anh Phong tiếp tục mạch chuyện: "Đường dây dẫn điện kém chất lượng, các phòng câu kéo điện bừa bãi, phòng chật nhưng cường độ nấu nướng thì hết ga… Nói thiệt, bà hỏa luôn rình rập khu vực này. Nếu có cháy xảy ra, chắc tụi này chết ngộp quá!".

Nước sinh hoạt cũng là "chuyện nhỏ nhưng không nhỏ". Còn gì nghịch lý, đau lòng hơn khi tại nhiều khu nhà trọ, gia chủ vô tư xài nước sạch nhưng lại cho người ở trọ uống nước giếng bơm mệt nghỉ. Lại nỗi bất bình của anh Phong: "Các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nguồn nước giếng khoan ở khu vực Bình Hưng Hòa rất ô nhiễm, độc hại do nhiễm mỡ của hàng chục ngàn xác chết phân huỷ thấm vào lòng đất... Tức cái là chủ nhà họ cho mình sử dụng nước giếng khoan nhưng lại tính tiền với giá nước máy".

Chúng tôi đến thăm một nhóm công nhân may gồm 5 cô gái trọ tại một căn phòng nằm sâu hun hút trong con hẻm 124A trên đường Tân Kì Tân Quí (quận Bình Tân). Ngôi nhà cấp bốn xập xệ được gia chủ tận dụng triệt để bằng cách lập ra nhiều căn phòng cách ngăn bởi những tấm ván ép sơ sài.

Mức giá 700.000đ/tháng tương xứng với sự tồi tàn của căn phòng ổ chuột. Trong cái nắng hầm hập và mùi hơi người phả ra đến nghẹt thở, Khương, quê ở Quảng Ngãi cho biết: "Giá thuê bèo nên chất lượng cũng bèo, 5 căn phòng với gần 30 con người chỉ có một cái toilet, một phòng tắm. Mà đã ở trong cảnh tập thể thì mấy ai biết giữ vệ sinh chung. Nhưng khổ nhất phải nói là vào giờ cao điểm mỗi sáng, cái toilet "đắt hàng" vô cùng, người này chưa ra đã có người khác đứng chờ".

Ước mơ xa vời


Ước mơ lớn và chính đáng của những lao động nghèo đang phải khốn đốn vì cảnh ở thuê là có được một ngôi nhà bởi "có an cư mới lạc nghiệp". Được biết, những năm qua, TP HCM cũng có nhiều động thái, cho xúc tiến triển khai các dự án chung cư giá rẻ cho người thu nhập thấp nhưng con số ấy rất so le so với hàng ngàn dự án chung cư cao cấp, căn hộ cao cấp dành cho những người giàu.

Nga trăn trở: "Với giá cả tỷ đồng mỗi căn hộ chung cư như hiện nay và với đồng lương ít ỏi này, chắc cả đời em cũng không có nổi mảnh đất cắm dùi". Anh Hải tâm sự nghe mà não lòng: "Nghe nói Nhà nước triển khai nhà ở cho người thu nhập thấp từ nhiều năm qua nhưng có mấy người được nhà đâu bởi vào tay đầu nậu, người có thu nhập kha khá hết rồi".

Không biết những sự thật đáng buồn này, lãnh đạo chính quyền các cấp TP HCM có biết.

DiaOcOnline.vn - Theo Công An Nhân Dân