Nhiều tín hiệu vui từ đấu giá đất

Cập nhật 24/03/2015 09:31

Năm nay TP Hà Nội phấn đấu thu 2.500 tỷ đồng từ đấu giá quyền sử dụng đất. Ngay từ đầu năm, công tác đấu giá đất đã có nhiều tín hiệu vui.


Khách hàng bỏ phiếu đấu giá quyền sử dụng đất tại quận Hà Đông. Ảnh: ANH TUẤN

Ngày 14-3, Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông tổ chức phiên đấu giá đất đầu tiên của năm 2015. Tổng diện tích đất đấu giá lần này gần 1.200 m2, được chia thành 24 thửa, mỗi thửacó diện tích từ 30 m2 đến hơn 90 m2. Mức giá khởi điểm từ 36,7 triệu đồng/m2 đến 43,4 triệu đồng/m2, tùy theo vị trí. Mặc dù chỉ có 24 thửa đất, nhưng đã có hơn 200 khách hàng tham gia đấu giá, trong đó nhiều người đăng ký mua từ hai đến ba thửa đất. Tổng số thửa đất mà khách hàng đăng ký mua lên đến gần 350 thửa, lớn hơn nhiều so với số thửa đất đấu giá. Anh Nguyễn Văn Long, một khách hàng cho biết, đây là các thửa đất còn thừa tại các khu tái định cư phục vụ các dự án trên địa bàn quận, được đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tương đối đồng bộ. Mức giá khởi điểm phù hợp nhu cầu sử dụng thật của người dân.

Phiên đấu giá thu hút rất đông người dân theo dõi. Kết quả, toàn bộ các thửa đất đã được đặt mua, trong đó mức trúng giá cao nhất hơn 107 triệu đồng/m2, mức trúng giá thấp nhất hơn 37 triệu đồng/m2. Tổng số tiền đấu giá thu được hơn 85 tỷ đồng, vượt hơn 38 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Đây là thành công rất lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản còn không ít khó khăn. Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hà Đông Nguyễn Đình Huệ chia sẻ, việc định giá khởi điểm sát với giá thị trường. Trình tự, thủ tục đăng ký mua hồ sơ, thông tin về các thửa đất... được dán công khai, minh bạch để người dân tìm hiểu và đưa ra quyết định. Cuối tháng 4, trung tâm sẽ tiếp tục tổ chức đấu giá đất khu vực mặt đường Lê Văn Lương. Đây là khu vực có vị trí đẹp, giao thông thuận lợi, cho nên dự kiến đối tượng tham gia đấu giá đông. Quận Hà Đông phấn đấu thu vượt mức 200 tỷ đồng đấu giá đất do UBND thành phố Hà Nội giao.

Theo thống kê của các quận, huyện, thị xã, năm 2014, các đơn vị đã thu được gần 3.000 tỷ đồng từ đấu giá đất, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách các cấp, tạo nguồn lực để đẩy nhanh công tác xây dựng nông thôn mới. Một số đơn vị đạt kết quả tốt như quận Long Biên đạt hơn 670 tỷ đồng (kế hoạch được giao 200 tỷ đồng), quận Hà Đông đạt gần 370 tỷ đồng (được giao 100 tỷ đồng), huyện Đông Anh đạt hơn 240 tỷ đồng (kế hoạch giao 200 tỷ đồng)… Tiếp nối thành công này, năm 2015, UBND thành phố giao kế hoạch cho các địa phương phấn đấu thu 2.500 tỷ đồng từ đấu giá đất tại 50 dự án, với diện tích gần 55 ha, trong đó có 36 dự án chuyển tiếp từ năm 2014 sang, 14 dự án mới triển khai. Quận Cầu Giấy được giao chỉ tiêu lớn nhất, với hơn 650 tỷ đồng, quận Long Biên 300 tỷ đồng, quận Nam Từ Liêm 250 tỷ đồng, quận Hà Đông 200 tỷ đồng… Cùng với việc giao chỉ tiêu, thành phố cũng phân cấp tối đa cho UBND các quận, huyện, thị xã và ủy quyền cho các sở, ngành trong quá trình tổ chức đấu giá đất, bảo đảm đúng pháp luật và hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay, việc đấu giá đất không hề đơn giản. Nguồn vốn giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh khẳng định, công tác đấu giá quyền sử dụng đất là một nhiệm vụ quan trọng của năm 2015, nhằm khai thác, huy động nguồn lực đầu tư phát triển. Vì vậy, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, giám đốc các sở, ngành cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đấu giá đất đối với các khu đất, dự án được UBND thành phố phê duyệt. Tập trung chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng sớm tổ chức các phiên đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền trúng đấu giá và tăng cường quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng tại khu đất đấu giá. Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm hướng dẫn, kịp thời giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn, giải quyết các công việc liên quan đấu giá đất đối với các dự án giao cho UBND quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và tổ chức đấu giá theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Đáng chú ý, thành phố đồng ý để các quận, huyện, thị xã chủ động lập kế hoạch, tổ chức đấu giá đất và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư đối với các khu đất xen kẹt, nhỏ lẻ có quy mô dưới 5.000 m2, tránh tình trạng đầu tư tràn lan, lãng phí tài nguyên, tồn đọng vốn…


DiaOcOnline.vn - Theo Nhân dân