Mua bán, chuyển nhượng dự án được đánh giá là xu hướng nổi bật của thị trường bất động sản (BĐS) trong năm 2012. Tuy nhiên, hoạt động M&A còn gặp phải nhiều rào cản.
M&A là xu hướng tất yếu
Hai tháng đầu năm 2012, do khó khăn về nguồn vốn, hàng loạt các dự án tại Hà Nội và TP.HCM vẫn nằm im bất động. Việc thắt chặt tín dụng trong năm 2011 vừa qua đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản rơi vào tình trạng có nguy cơ phá sản. Năm 2012, nguồn vốn vẫn là “bài toán” khó cho các doanh nghiệp khi NHNN tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với vay kinh doanh lĩnh vực bất động sản.
Để có thể tồn tại trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp đã tính đến chuyện tái cấu trúc hoặc chuyển nhượng các dự án bất động sản. Theo giáo sư Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường, với những thách thức hiện nay trên thị trường bất động sản thì nhiều doanh nghiệp thiếu vốn sẽ phải tính đến chuyển nhượng dự án hoặc xin sáp nhập vào một doanh nghiệp lớn hơn...Xu hướng này là do thị trường buộc các doanh nghiệp thiếu năng lực phải tự quyết vận mệnh của mình.
Theo Savills, gần đây các nhà đầu tư nước ngoài có đủ tiềm năng về nguồn vốn đã bắt đầu tìm hiểu những dự án BĐS tại Việt Nam và theo họ đây là thời điểm khá thuận lợi để mua lại các dự án có tiềm lực yếu về nguồn vốn. Thêm vào đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp có lượng tiền mặt dồi dào đang xem xét cơ hội mua vào dự án làm trụ sở làm việc hoặc đầu tư dài hạn. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia,hoạt động M&A sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2012- 2013, đây là hệ quả tất yếu của vấn đề tái cấu trúc thị trường, sau một vài năm tăng trưởng nóng.
Nhiều rào cản trong M&A
Mặc dù, mua bán sát nhập các dự án đang là một xu hướng "nóng" trên thị trường bất động sản năm 2012 nhưng M&A phải đối mặt với không ít rào cản như khung pháp lý chưa chặt chẽ, tính minh bạch của thị trường thấp, thủ tục cấp phép phức tạp và chênh lệch trong kỳ vọng về giá cả…
Nhiều chuyên gia cho rằng, nói đến hoạt động M&A thì BĐS là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn nhất hiện nay. Để thực hiện thành công một thương vụ chuyển nhượng dự án BĐS, khâu thẩm định pháp lý dự án được xem là công đoạn quan trọng nhất quyết định đến sự thành bại của giao dịch. Thời gian qua, có nhiều thương vụ M&A được các đối tác nước ngoài đồng ý thực hiện, nhưng cuối cùng phải hủy bỏ vì vướng ở khâu thẩm định pháp lý. Điều này xuất phát từ pháp luật về đất đai của Việt Nam còn nhiều điểm chưa nhất quán như quyền sử dụng đất phức tạp…Đây chính là rào cản lớn nhất trong hoạt động M&A trong lĩnh vực BĐS, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam.
Một rào cản lớn nữa trong M&A bất động sản là khâu định giá dự án. Kỳ vọng giá giữa người mua và người bán chênh lệch lớn khi bên mua luôn muốn trả giá thấp, trong khi bên bán không thể bán thấp hơn giá vốn. Doanh nghiệp không thể bán lỗ trong khi bên mua không trả giá cao hơn, nên đang xảy ra tình trạng mua bán không gặp nhau. Phải đợi đến lúc khoảng cách kỳ vọng này dần dần thu hẹp lại thì M&A mới có thể thực hiện.
Quy trình thủ tục về M&A dự án bất động sản cũng là một trở ngại không nhỏ đối với vấn đề chuyển nhượng hiện nay. Quy định về thủ tục cho những dự án được M&A vẫn chưa rõ ràng, thiếu chi tiết. Quy định chung cho phép doanh nghiệp khó khăn, không có nhu cầu đầu tư nữa có thể chuyển nhượng dự án. Nhưng quy định không nêu rõ, khó khăn gì, khó khăn ở mức nào thì doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án. Doanh nghiệp cần một sự hướng dẫn cụ thể hơn để có thêm cơ sở để đẩy mạnh các thương vụ M&A bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo TTVN