Nhiều qui định về sàn giao dịch BĐS chưa rõ ràng

Cập nhật 31/12/2008 16:39

Theo quy định về thi hành Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ 1-1-2009, các giao dịch bất động sản (BĐS) sẽ phải thực hiện qua sàn giao dịch. Tuy nhiên nhiều quy định cụ thể để quản lý sàn giao dịch này vẫn còn bất cập.

Giao dịch qua sàn để tránh đầu cơ?

Theo quy định mới tại Thông tư 13 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 153 của Chính phủ, từ 1-1-2009, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) phải thực hiện việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, thuê mua bất động sản (trừ các dự án nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở) thông qua sàn giao dịch do mình tự thành lập hoặc lựa chọn sàn giao dịch BĐS do đơn vị khác thành lập để giới thiệu và thực hiện các giao dịch BĐS đó.

Quy định cũng nêu rõ cá nhân không thực hiện hành vi kinh doanh bất động sản như tặng, biếu cho người thân, hoặc mua để ở, chuyển nhượng, cho thuê... thì không bắt buộc phải qua sàn. Tuy nhiên, Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân không kinh doanh BĐS thực hiện các giao dịch thông qua sàn để bảo đảm công khai, minh bạch và bảo vệ quyền lợi của các bên.

Đối với các sàn giao dịch, ngoài việc người quản lý phải có giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức về quản lý thì sàn giao dịch còn phải có tối thiểu hai nhân viên môi giới, có chứng chỉ và hai nhân viên định giá BĐS. Sàn giao dịch BĐS phải có diện tích sử dụng để giao dịch tối thiểu 50m2 và thêm 20m2 cho mỗi hoạt động dịch vụ bổ sung.

Theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, sàn giao dịch BĐS ra đời sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch của thị trường, tránh tình trạng đầu cơ, tích trữ tạo ra sự khan hiếm hàng hoá giả tạo trên thị trường.

Ngoài ra, việc giao dịch qua sàn cũng hạn chế được tình trạng trốn thuế của các chủ đầu tư cũng như những tiêu cực trong hoạt động mua bán bất động sản còn người dân có được thông tin đầy đủ, chi tiết; giúp xóa tình trạng dự án mới khởi công nhưng người dân tới hỏi mua vẫn nhận được câu trả lời đã bán hết vì thời điểm bán và giá đều phải được công khai.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Trọng Hưng, Chủ tịch HĐQT Sàn giao dịch bất động sản VTC Đại Hưng cho biết việc quy định đưa giao dịch bất động sản qua sàn vào thực hiện trong thời điểm này là hợp lý. Bản thân các sàn giao dịch có đủ các chức năng, có điều kiện thu thập các thông tin tốt nhất nên người mua không cần phải qua các trung tâm môi giới nữa. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho người có nhu cầu.

Dù kinh tế Việt Nam có bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính nhưng theo ghi nhận tại sàn giao dịch tại công ty thì giao dịch các dự án lớn có chững lại nhưng những dự án nhỏ vẫn được giao dịch bình thường, thậm chí đối với khối bất động sản nhỏ thuộc đầu tư cá nhân thì vẫn sôi động do giá cả đã có sự giảm nhiều.

Nhiều bất động sản có mức giảm tới 30 -40%, nhưng cũng có bất động sản không giảm. Đặc biệt lượng giao dịch trong tháng 12 nhiều hơn hẳn tháng 11. Qua các sàn giao dịch này, người dân có thể quảng cáo bất động sản của mình. Đây là điểm mới mà đa phần người dân chưa quen.

Còn nhiều quy định chưa rõ ràng

Đại diện một sàn giao dịch bất động sản khác ở Hà Nội cũng cho biết, đối với một sàn giao dịch điều đáng quan tâm nhất là chất lượng, quy chế, điều lệ hoạt động. “Với một sàn giao dịch bất động sản mà chỉ quy định có 4 người như vậy thì e rằng việc kiểm soát sẽ không chuẩn về mặt thông tin.

Hiện ở Việt Nam cũng hình thành các sàn trên mạng bao gồm hệ thống các sàn giao dịch kết nối với nhau nhưng thông tin đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn mạnh ai nấy làm chứ không có sự liên kết, phối hợp thực hiện. Quy định thì như vậy nhưng chất lượng hoạt động của các sàn giao dịch thế nào thì chưa có quy định để kiểm tra, đánh giá. Đại diện sàn giao dịch này cho biết.

Cũng theo ông này, hiện nay thủ tục cấp phép thành lập sàn quá nhiêu khê, kéo dài tới vài tháng gây tốn kém tiền thuê mặt bằng, nhân sự cho các doanh nghiệp. Cũng theo phản ánh của đại diện một số sàn giao dịch bất động sản, thời gian vừa qua khâu cấp chứng chỉ hành nghề bất động sản khá phức tạp, không có quy định rõ ràng.

Nhiều người đã qua các lớp đào tạo về bất động sản, có chứng nhận tốt nghiệp khóa học nhưng khi gửi hồ sơ lên Sở Xây dựng Hà Nội thì Sở “đẩy” lên Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng. Từ đây hồ sơ lại bị đẩy ngược lại về Sở Xây dựng khiến người muốn được cấp chứng chỉ rất vất vả không biết phải làm thủ tục ở đâu.

Một chuyên gia về bất động sản cho biết, theo quy định từ 1-1-2009, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản bắt buộc phải đưa sản phẩm lên sàn giao dịch. Nhưng vẫn chưa có chế tài cụ thể đối với các doanh nghiệp không giao dịch qua sàn. Các thông tin được sàn cung cấp minh bạch hay không cũng chưa có những chế tài cụ thể.

Điểm đáng lưu ý nữa là các sàn được quyền xác nhận vào giấy tờ mua bán thay cho công chứng, như hồ sơ pháp lý chính thức để người giao dịch thực hiện các thủ tục khác. Nhưng nếu không quản lý tốt có thể dẫn tới tiêu cực, các sàn có thể ngồi bán xác nhận của mình.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong