Nhiều phân khúc thị trường bán lẻ nội địa còn bỏ ngỏ

Cập nhật 22/10/2009 15:25

Ông Trần Kim Chung (thứ hai, bên phải)đang trả lời các câu hỏi đặt ra tại tọa đàm. Ảnh: Thái Hằng

Nhiều phân khúc bán lẻ tại thị trường Việt Nam còn bị bỏ ngỏ hoặc vẫn chưa phát triển kịp thời đã vô tình khiến người tiêu dùng trong nước sang mua sắm ở các nước khác trong khu vực.

Đó là nhận định chung của nhiều người trong buổi toạ đàm về kinh doanh bán lẻ và bất động sản bán lẻ (bất động sản thương mại) diễn ra hôm 21-10, trong khuôn khổ triển lãm quốc tế về thu hút đầu tư lĩnh vực bất động sản VnTPO 2009 tại TPHCM. Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch tập đoàn CT Group nhận xét, hàng năm chỉ riêng Singapore đã thu hút khoảng 300.000 du khách Việt Nam chi tiêu mua sắm tại đây, vì hàng hóa trong nước hoặc chưa có hoặc còn nghèo nàn; đó là chưa tính đến con số gần 10.000 du học sinh và nghiên cứu sinh đang học tập, làm việc ở đây. Ông Chung cho rằng, việc chi tiêu mua sắm hàng cao cấp đang ngày trở nên quen thuộc đối với một bộ phận người Việt Nam.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Tjeert Kwant, Giám đốc điều hành tập đoàn ECC (Hà Lan), nói hiện Việt Nam còn thiếu các trung tâm bán lẻ hàng trung và cao cấp, trong khi đối tượng tiêu dùng đó có mức chi tiêu cao. Đó là một trong những lý do khiến tập đoàn ECC chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư.

Ông cho biết, ECC hiện đang hợp tác với Guocoland xây dựng khu trung tâm thương mại Promenada Canary rộng 82.000 m2, tại Bình Dương.

Về tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ, Việt Nam hiện vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với tiềm năng dựa trên các chỉ tiêu dân số đông, chỉ số lạc quan tiêu dùng có thứ hạng cao ở khu vực châu Á, GDP ổn định…

Năm 2009, theo Bộ Công Thương, chưa có thêm nhà bán lẻ theo hệ thống hay dạng chuỗi 100% vốn nước ngoài nào xin cấp phép đầu tư vào Việt Nam, trong khi các nhà bán lẻ hiện có triển khai mở rộng mạng lưới phân phối với tốc độ còn chậm.

Ông Rik Mekkelholt, Giám đốc quản lý chuỗi siêu thị BigC kể, trong 11 năm kể từ khi có mặt và kinh doanh tại Việt Nam, BigC phát triển được 9 siêu thị, trong khi cũng với thời gian tương tự ở Thái Lan, toàn hệ thống có đến 70 siêu thị.

Lý giải cho việc chậm mở rộng mạng lưới phân phối bán lẻ, ông Mekkelholt cho rằng đối với bất kỳ nhà bán lẻ nào thì mặt bằng kinh doanh luôn là yếu tố quyết định, nhưng việc tìm kiếm mặt bằng thích hợp tại các đô thị lớn, nơi có sức mua cao đặc biệt như TPHCM, đang rất khó khăn trong khi cơ sở hạ tầng ngày một kém.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM, phải cần đến vai trò của chính quyền trong quy hoạch, quản lý mạng lưới bán lẻ cho phù hợp cùng với sự phát triển cơ sở hạ tầng, tốc độ phát triển kinh tế và mật độ dân số của từng vùng, từng địa phương.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG