Nhiều nông dân nghèo “mù” quy hoạch đất

Cập nhật 23/03/2013 09:25

Một bản báo cáo tổng hợp kết quả tham vấn cộng đồng để đóng góp cho dự thảo Luật Đất đai - do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và tổ chức Oxfam thực hiện - vừa được công bố tại Hà Nội sáng 22/3.

Kết quả tham vấn cộng đồng cho thấy người dân không được thông tin đầy đủ về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

TS. Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, các cuộc tham vấn cộng đồng được thực hiện với 1.300 người là các nông dân nghèo, đại diện các nhóm yếu thế khác như người dân tộc thiểu số, phụ nữ…. tại 22 xã thuộc 11 huyện của 4 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình và Long An.

Cuộc tham vấn nhằm mục đích lắng nghe những câu chuyện, kinh nghiệm, tình huống cụ thể và nguyện vọng của người dân về các vấn đề đất đai liên quan. Nội dung tham vấn xoay quanh các vấn đề chính được người dân quan tâm nhiều nhất gồm: hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chế độ sử dụng đất đối với đất nông nghiệp do nông dân sử dụng, quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ và chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, giao đất, quản lý đất đai của các nông lâm trường; các quy định của pháp luật về định giá đất; cơ chế của Nhà nước thu hồi và giải quyết bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người bị thu hồi đất…

Theo ông Đinh Xuân Thảo, kết quả tham vấn cộng đồng cho thấy người dân không được thông tin đầy đủ về các quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Người dân cũng không biết gì về các nhà đầu tư được giao đất, cho thuê đất, cũng như không được biết về phương án bồi thường, hỗ trợ, về nơi ở mới, trong khi vấn đề tái định cư có tác động rất lớn đến cuộc sống hiện tại của họ.

Cộng đồng dân tộc thiểu số thiếu cả đất ở, đất sản xuất và mất sinh kế dẫn đến thiếu đói, trong khi các nông lâm trường quốc doanh chiếm giữ một diện tích đất lớn.

Ông Bert Merten, đại diện Oxfam cho rằng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này có nhiều điểm mới để đảm bảo luật phù hợp hơn với thực tế, nhưng những thay đổi đó chưa đủ, đòi hỏi phải chi tiết hơn và bổ sung những điểm còn thiếu để những quy định của Luật có tính khả thi cao hơn.

Phần lớn các ý kiến được tham vấn đều cho rằng giá đất do Nhà nước quyết định thiếu thống nhất, không hợp lý và dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho người bị thu hồi đất. Cơ quan Nhà nước vừa có thẩm quyền quyết định giá đất và vừa có thẩm quyền cho thuê đất, giao đất, thu hồi đất… nên thiếu tính minh bạch, nguy cơ tham nhũng cao.

Nhiều ý kiến được tham vấn tỏ ra bất bình với việc họ được bồi thường, hỗ trợ mức giá thấp trong khi nhà đầu tư lại được lợi rất lớn khi chuyển nhượng đất được giao cho người khác trên thị trường… Do đó cần thiết lập cơ chế trưng dụng, trưng mua và thỏa thuận quyền sử dụng đất.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) cho rằng cơ quan định giá đất và phê duyệt giá đất cần phải độc lập với cơ quan ra quyết định về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để có sự kiểm tra chéo, tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong khi phần thiệt thòi thuộc về người dân có đất bị thu hồi.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Đất đai sửa đồi cần quy định rõ ba cơ chế: Nhà nước trưng dụng quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích cộng đồng không gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư; Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất được áp dụng cho các dự án vì lợi ích cộng đồng có gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư; cơ chế thỏa thuận trên cơ sở đồng thuận giữa nhà đầu tư và cộng đồng những người đang sử dụng đất được áp dụng đối với các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với lợi nhuận của nhà đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy