Từ ngày 9-9 tới, nhiều công trình lỡ xây dựng sai phép sẽ được tha hẳn hoặc được tồn tại tạm thời. Ảnh: HTD |
Những nơi chưa có quy hoạch 1/500 hoặc thiết kế đô thị được phép giảm số tầng, thay đổi diện tích... trong giấy phép xây dựng.
Nhiều mắc mứu trong việc xử phạt đối với công trình xây dựng vi phạm lâu nay đã được tháo gỡ trong Thông tư 24 ngày 22-7 do Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt trong xây dựng. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 9-9. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhiều nhà xây sai phép sẽ không bị phạt và nhiều nhà xây sai phép, không phép được tha tạm thời.
Vô tư thay đổi nội thất
Nay Thông tư 24 hướng dẫn rõ không xử phạt xây dựng sai phép đối với nhà ở riêng lẻ thuộc một trong những trường hợp sau:
- Việc xây dựng sai vị trí hoặc thay đổi diện tích đã ghi trong giấy phép xây dựng (GPXD) đối với những nơi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị thì không bị phạt. Tuy nhiên, việc xây dựng sai vị trí hoặc thay đổi diện tích ghi trong GPXD trong những trường hợp trên phải nằm trong diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của chủ nhà, không gây khiếu kiện, không lấn chiếm chỉ giới đường đỏ hoặc chỉ giới xây dựng...
- Việc thay đổi kiến trúc bên trong công trình xây dựng mà không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính. Hay việc giảm số tầng so với GPXD đối với những nơi chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 hoặc thiết kế đô thị. Những trường hợp này cũng không bị xử phạt.
Bộ Xây dựng cũng hướng dẫn rõ trường hợp công trình xây dựng sai thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt; sai quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đó là một trong các trường hợp sau: Vượt quá chiều cao tối đa được duyệt; thay đổi mục đích sử dụng ban đầu được duyệt; sai mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất so với thiết kế được thẩm định, phê duyệt hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được duyệt; thay đổi kết cấu chịu lực chính, kiến trúc mặt đứng công trình.
Nhiều diện tha tạm thời
Đối với những công trình vi phạm trật tự xây dựng đã được xử lý trước ngày Nghị định 23/2009/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 1-5-2009) nhưng chưa xử lý được dứt điểm, Bộ Xây dựng hướng dẫn giải quyết như sau:
- Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng. Khi quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
- Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực này.
- Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định nhưng lấn chiếm không gian, lấn chiếm đất đai, lấn chiếm chỉ giới xây dựng, lấn chiếm chỉ giới đường đỏ thì phải kiên quyết phá dỡ.
Siết trách nhiệm của thanh tra xây dựng
Đối với những trường hợp kéo dài việc xử lý, Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương phải xem xét từng công trình cụ thể, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm mà không xử lý dứt điểm. Thông tư 24 hướng dẫn cụ thể trong trường hợp người dân có khiếu nại, tố cáo đối với quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm thì chủ nhà vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền.
Nếu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm vẫn tiếp tục thi công xây dựng trong thời gian tạm đình chỉ quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình, cơ quan ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình đó có quyền thực hiện ngay quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng vi phạm.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên: “Khi thực thi nhiệm vụ, cán bộ không nên cứng nhắc: Cứ sai phép là phạt. Thanh tra xây dựng phải xem người dân xây sai phép như thế nào. Nếu việc xây sai phép đó không làm ảnh hưởng đến ai thì không nhất thiết phải phạt”.
Xây sai phép là vi phạm một trong những nội dung sau: Thay đổi vị trí xây dựng công trình; sai cốt nền xây dựng công trình; vi phạm chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng.
Đối với nhà ở riêng lẻ trong đô thị, công trình dân dụng, công trình công nghiệp xây sai phép còn thuộc một trong những trường hợp sau: Sai diện tích xây dựng (tầng một); chiều cao công trình vượt quá chiều cao được quy định trong GPXD; xây dựng vượt quá số tầng quy định trong GPXD. (Trích Thông tư 24)
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP