"Dự án này rất lớn, phải có nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu tham gia. Việt Nam và Nhật Bản hiện mới có chủ trương hợp tác, chưa có cam kết ràng buộc về vốn, công nghệ...", Bộ trưởng Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng trao đổi với báo chí sáng 17/6.
* Theo kết quả thăm dò, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng trước mắt chỉ nên xây dựng một tuyến Hà Nội - Vinh hoặc TP HCM - Nha Trang. Quan điểm của bộ trưởng thế nào?
Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đường sắt cao tốc là dự án lớn, tổng vốn 50 tỷ USD chia cho 30 năm nên sẽ có nhiều rủi ro, khó khăn khi thực hiện. Tiềm lực kinh tế của quốc gia phải được cân nhắc. Do đó, sự đắn đo trong dư luận nhân dân và trong Quốc hội là hoàn toàn chính đáng.
Nếu Quốc hội cho phép nghiên cứu tiếp thì chúng tôi sẽ tính toán mọi vấn đề, mọi yếu tố tác động, trong đó ưu tiên xây dựng tuyến TP HCM - Nha Trang, cố gắng đến năm 2025 sẽ xong đoạn đầu tiên. Trong quá trình lập báo cáo khả thi chúng tôi mới tính cụ thể thời gian khởi công.
* Chính phủ đã hướng đến đối tác nào để vay vốn cho dự án đường sắt cao tốc?
Chúng tôi đang hướng đến đối tác Nhật Bản. Sau khi báo cáo đầu tư, chúng tôi mới xem xét quốc gia, nhà thầu nào đáp ứng tốt nhất điều kiện lựa chọn. Dự án này rất lớn, một quốc gia chưa chắc đã làm được mà phải nhiều quốc gia, nhiều nhà thầu. Bước đầu, Nhật Bản đang giúp mình chuẩn bị dự án.
* Hiện Nhật Bản và Việt Nam đã có cam kết cụ thể gì về vốn, công nghệ...?
Chủ trương hợp tác của hai nước là có song cụ thể thì chưa. Khi tôi đi cùng Thủ tướng sang thăm Nhật Bản năm 2006, hai nước có 3 dự án trao đổi để hợp tác là đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc và khu công nghệ cao Hòa Lạc. Tuy nhiên, việc đặt vấn đề hợp tác cụ thể như công nghệ, vốn, nhà thầu là chưa có. Cam kết với giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện không có ràng buộc gì.
* Đoàn chuyên gia của Việt Nam từng sang Trung Quốc tham quan mô hình tàu cao tốc, liệu có sử dụng công nghệ nước này?
Tôi chưa nói quốc gia nào tham gia dự án, do đó không loại trừ cả Trung Quốc cũng tham gia. Đường sắt cao tốc có nhiều dự án, có thể mỗi nhà thầu tham gia một dự án. Tôi nói thật là tôi chưa bao giờ trao đổi với nhà chức trách Trung Quốc về dự án này.
Tàu cao tốc ở Pháp. Ảnh: BBC
|
* Có ý kiến cho rằng, vay vốn ODA sẽ khiến tổng mức đầu tư cao hơn bình thường, quan điểm Bộ trưởng như thế nào?
Tôi chưa thấy có cơ sở nào để nói mức đầu tư sẽ đắt hơn 20%. Khi dùng vốn ODA cũng phải đấu thầu quốc tế và trong nước. Khi vay ODA không có điều kiện về chỉ định một nhà thầu.
Nếu như vay điều kiện STEP (tín dụng đặc biệt dành cho các đối tác kinh tế trong khuôn khổ chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản) thì phải có đấu thầu giữa các nhà thầu của nước đó.
Vừa rồi mới làm báo cáo tiền khả thi, chúng tôi đã nghe nhiều ý kiến phản biện. Trong bước lập dự án sắp tới chúng tôi sẽ có nhiều hội thảo, kêu gọi các cơ quan phản biện độc lập, các tổ chức, liên hiệp hội, chuyên gia thảo luận về vấn đề này.
* Có chuyên gia cảnh báo điện dùng trong đường sắt cao tốc rất lớn, ông nghĩ sao về tính khả thi của dự án khi điện năng hiện còn thiếu?
Phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì năng lượng tiêu thụ tăng, nên chúng ta mới có chiến lược phát triển điện, mới có thủy điện Lai Châu, Sơn La, điện hạt nhân... Song tàu cao tốc tiêu thụ nhiên liệu ít.
Ông Trần Đình Đàn, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Đa số đại biểu đồng ý với chủ trương xây dựng tuyến đường sắt cao tốc. Gần 60% số đại biểu đồng ý với chủ trương và ra nghị quyết lần này, khoảng 40% đồng ý chủ trương nhưng chưa đồng ý ra nghị quyết tại kỳ họp này. Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp này sẽ thể hiện về tính khả thi cao của dự án, gồm làm thí điểm trước một đoạn hay hai đoạn và nguồn từ đâu, công nghệ thế nào cho hiệu quả.
Kỳ họp khác, Quốc hội mới bàn để quyết định làm tuyển Hà Nội - Vinh trước hay từ TP HCM đi Nha Trang trước.
Cá nhân tôi đồng ý chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc nhưng đề nghị Chính phủ làm dự án khả thi. Sau khi có dự án khả thi thì các đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi mới thể hiện rõ hơn ý kiến. Tôi đề nghị làm dự án khả thi phải làm toàn tuyến và làm trước hai tuyến là Hà Nội - Vinh và TP HCM - Nha Trang.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress