Nhiều khu đất “vàng” sẽ thành trường học

Cập nhật 09/06/2014 14:38

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội về 90 địa điểm đầu tư xây dựng trường học trên địa bàn khu vực nội thành. Cùng với đó, Chủ tịch thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc giới thiệu địa điểm và hướng dẫn UBND các quận lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định.


Khu vực nội đô sẽ có thêm nhiều trường học. Ảnh: Minh Tùng

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, với phạm vi rà soát tại 10 quận trên cơ sở đề xuất quỹ đất của các địa phương, qua Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy hoạch phân khu đô thị, các quy hoạch chi tiết được duyệt… Sở đã đề xuất danh mục đợt 1 lên tới 143 địa điểm xây dựng trường học. Trong số đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã phân loại 53 điểm đề xuất nằm trong Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô; 72 điểm nằm ngoài quy hoạch mạng lưới trường học và 18 điểm chuyển đổi từ các chức năng khác sang trường học. Vì vậy, Sở này đề xuất UBND thành phố chấp thuận chủ trương địa điểm xây dựng trường học với 90 điểm ngoài quy hoạch và chuyển đổi từ các chức năng khác sang đất trường học, trên cơ sở đó UBND các quận lập quy hoạch chi tiết 1/500, lập dự án đầu tư, tổ chức thu hồi đất giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Sở Giáo dục - Đào tạo bổ sung các điểm mới này vào Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô.

Trong các điểm chuyển đổi từ chức năng khác sang trường học, nhiều nhất là quận Hoàn Kiếm 10 điểm, đáng chú ý như số nhà 63 Hàng Chiếu (rộng 305m2), do Tổng Công ty Lương thực miền Bắc quản lý đang cho thuê làm ki ốt bán hàng, dự kiến làm trường mầm non; số 88 Hàng Buồm (diện tích 746m2), thuộc Nhà văn hóa trung tâm thành phố, có thể chuyển đổi làm trường tiểu học phục vụ nhân dân phường Hàng Đào, Hàng Bạc; số 13 Phan Huy Chú do Bệnh viện E quản lý hiện cũng không sử dụng, diện tích tới 1.300m2; số 87 Nguyễn Khiết (phường Phúc Tân), diện tích 3.600m2 do Xí nghiệp Cát sỏi An Dương quản lý đang cho tư nhân thuê làm kho chứa vật liệu xây dựng, quy hoạch chung là đất ở có thể chuyển đổi xây dựng trường trung học cơ sở… Tại Ba Đình, có địa điểm Nhà máy Bia Hà Nội diện tích 31.600m2 và Viện Phổi trung ương diện tích 6.600m2, đều là các đơn vị thuộc diện xem xét di dời theo quy hoạch chung… Tại quận Đống Đa có khu đất số 88 Trường Chinh, diện tích hơn 1.500m2 quy hoạch là đất trụ sở cơ quan, được đề xuất thu hồi làm Trường Mầm non Phương Mai; ô đất tại ngõ 122 đường Láng, diện tích 1.000m2 đề xuất thu hồi làm Trường Mầm non Thịnh Quang… Quận Tây Hồ có khu đất 17-19 Thụy Khuê, do Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh quản lý, diện tích 2.133m2 đề xuất thu hồi làm Trường Mầm non Chu Văn An…

Dự kiến khu đất tại số 88 Hàng Buồm sẽ được thu hồi để xây dựng trường tiểu học.

Trong số 72 điểm thuộc nhóm nằm ngoài Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô, cũng có nhiều lô đất các đơn vị không sử dụng, phải di dời khỏi nội đô như số 65 Cảm Hội (phường Đống Mác) diện tích 3.364m2 do Công ty Vận tải số 3 quản lý, hiện cho thuê làm trường học tư; khu đất 47 Nguyễn Tuân (Thanh Xuân) do Công ty Dệt Mùa Đông quản lý, diện tích 3.000m2 đề xuất giao quận Thanh Xuân làm trường mầm non; khu đất của Nhà máy Nhôm quản lý tại phường Trần Phú, khu đất do Công ty Vận tải dịch vụ hàng hóa quản lý tại phường Thịnh Liệt, khu đất Công ty XNK Rau quả 1 Hà Nội quản lý tại phường Tân Mai (quận Hoàng Mai) đều được đề xuất làm trường mầm non và tiểu học… Trong khi tại các khu đô thị mới, đất quy hoạch xây dựng trường học nhưng chưa cập nhật vào Quy hoạch mạng lưới trường học Thủ đô như tại Khu đô thị Linh Đàm, Khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp do Tổng Công ty HUD làm chủ đầu tư có 6 lô…

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Bùi Mạnh Tiến cho biết, tính đến hết năm 2013, toàn thành phố đã quy hoạch 1.643ha đất dành xây dựng trường học, so với quy hoạch năm 2011 đã bổ sung thêm 364ha, trong đó khu vực đô thị thêm 171ha. So với nhu cầu đến năm 2015, cơ bản quy hoạch đáp ứng đủ quỹ đất, với 1.606ha. Tuy nhiên, riêng 4 quận nội đô, do hạn chế quỹ đất nên đến nay còn thiếu 221.000m2. Mặt khác, trên thực tế, các quận, huyện vẫn thiếu trường học do các dự án, nhất là tại các khu đô thị mới, triển khai chậm hoặc không được đầu tư đúng tiến độ. Tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng xã hội nói chung, trường học nói riêng tại các khu đô thị mới trở thành vấn đề nan giải không chỉ với người dân mà còn cả chính quyền địa phương. Vì vậy, việc thu hồi các khu đất "vàng" trong nội đô để làm trường học công lập là chủ trương được dư luận đồng tình, mong đợi.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới