Một số khu chung cư thuộc diện nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà tái định cư chỉ sau một thời gian sử dụng đã có dấu hiệu xuống cấp nhanh chóng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Sơn tường bong tróc, loang lổ tại nhà B5, khu tái định cư Nam Trung Yên (Q. Cầu Giấy, Hà Nội). |
Khảo sát của phóng viên tại một số khu chung cư giá rẻ trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, ít nhiều đều có những sự cố liên quan đến chất lượng công trình chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng.
Tại tòa nhà NO12-03, khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chị Dương Thị Huế, chủ căn hộ 202 cho biết tòa nhà đi vào sử dụng được hơn 1 năm, nhưng hai phòng ngủ bên cạnh nhà vệ sinh đều bị thấm tường. Vết thấm gây mốc loang lổ, dù chủ nhà đã cạo ra một lần và sơn bả lại toàn bộ phần tường này nhưng chỉ một thời gian ngắn sau thì những sự cố lại tiếp diễn. Điều bức xúc nhất của hộ gia đình này là vào ở được khoảng 1 tháng (từ tháng 5-2014), căn hộ bắt đầu có sự cố tràn nước thải, bọt xà phòng ở ban công. Theo đó, bọt xà phòng theo lỗ thoát nước tràn lênh láng ra toàn bộ khu vực ban công, ngấp nghé tràn vào nhà. Sau khi nước bẩn và bọt xà phòng rút đi thì đọng lại cát và đất bẩn trên sàn. Điều này không chỉ gây mất vệ sinh mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt trong gia đình.
Chủ nhà cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nhưng bên đơn vị thi công đồng thời cũng là đơn vị chịu trách nhiệm bảo hành tòa nhà có đến xem xét, xử lý nhưng không tìm ra nguyên nhân nên một năm nay gia đình tôi vẫn phải sống trong cảnh lo lắng một ngày nào đó nước thải sẽ tràn vào nhà như trường hợp của một gia đình tại tầng 2 tòa nhà này”.
Tìm hiểu thêm tại khu chung cư này, phóng viên được biết, tháng 3-2015 căn hộ 212 cùng tòa nhà cũng bị sự cố này. Bọt xà phòng và nước thải tràn ngập gần như toàn bộ căn hộ bốc mùi khó chịu, làm cho sàn nhà bằng gỗ bị hỏng, tường ngấm nước bị ẩm mốc... Chị Trần Thu Huyền, chủ căn hộ này cho biết, sau khi báo cho đơn vị thi công, mất gần 3 tháng, vụ việc này mới được xử lý xong.
Ngoài ra, nhiều hộ dân cho biết chất lượng của một số thiết bị không đạt tiêu chuẩn, như: ổ khóa, nắm đấm chất lượng kém, hầu hết người dân tự thay khóa, nắm đấm mới; khung cửa bị cong, vênh, cửa sổ thường xuyên bị nước mưa tràn vào nhà dù đóng kín; vữa xây, vữa trát kém nên tường dễ bục...
Tại khu nhà ở xã hội của khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm), một hộ dân tại dãy nhà A1-D3 cho biết: “Nước sinh hoạt không đảm bảo cho việc ăn uống, phải dùng máy lọc nước để lọc nhưng chỉ 1 tháng bộ lọc đã bẩn, mỗi lần thay hết mấy trăm ngàn nên chúng tôi mua cả nước đóng chai về uống”. Nhiều hộ dân xung quanh cũng mua máy lọc hoặc nước đóng bình về sử dụng. Người dân cũng đã phản ảnh với Ban quản lý nhưng vẫn chưa được khắc phục.
Cầu thang nhà B10 khu tái định cư Đồng Tàu (Q. Hoàng Mai, Hà Nội) bị nứt ngang, dọc. Ảnh: H. Anh
|
Theo người dân sống tại tòa nhà này, thang máy tòa nhà cũng hay bị treo, bị kẹt, đã xảy ra một số trường hợp người bị kẹt trong tháng máy cả tiếng đồng hồ, gây nên tâm lý lo sợ cho người dân mỗi khi lên xuống; trần nhà tại sảnh tầng 1 của tòa nhà cũng thấm nước; mỗi khi trời mưa vẫn bị nước mưa chảy vào nhà do cửa sổ nhôm kính có khe hở…
Ngoài ra, thời gian qua, người dân tại tại chung cư nhà ở xã hội Ecohome (Bắc Từ Liêm) cũng phản ánh việc căn hộ khi vừa về ở đã bị nứt, một số hạng mục bị hư hỏng, chỉ sau một trận mưa lớn, trần thạch cao hành lang đã bị vỡ tứ tung …
Bên cạnh các dự án nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội, thời gian qua tình trạng xuống cấp cũng xảy ra ở các dự án tái định cư. Khảo sát của phóng viên tại một số dự án tái định cư như khu tái định cư Đồng Tàu (quận Hoàng Mai), Nam Trung Yên (Cầu Giấy) cho thấy nhiều tòa nhà sơn tường bị tróc loang lổ, ẩm mốc đen sì, một số tòa nhà phần đế của tòa nhà bị nứt ngang, cầu thang, sàn tầng 1 bị nứt ngang dọc…
GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT:
Phải xác định rõ trách nhiệm
Nhà ở xã hội là phân khúc mới phát triển ở Việt Nam, vì là bước ban đầu cho nên bao giờ các nhà đầu tư cũng cho rằng đây là lĩnh vực đầu tư ít lợi nhuận, giá thành được bao cấp, bán cho người thu nhập thấp… vì vậy các nhà đầu tư cũng chưa quen, trong đó có nhiều nhà đầu tư chểnh mảng về chất lượng, kể cả cơ quan quản lý cũng chểnh mảng về việc quản lý chất lượng, do đó xảy ra tình trạng nhà ở chất lượng thấp là một điều tự nhiên. Cần có giải pháp để làm khu vực nhà ở xã hội này tốt hơn. Vấn đề là rút kinh nghiệm về mặt quản lý như thế nào? Trách nhiệm của nhà đầu tư cần xác định cho họ đến đâu, họ phải thể hiện trách nhiệm đó ra sao? Cách thức kiểm tra việc triển khai dự án như thế nào để không quá tốn kém, đồng thời có thể bắt buộc được các chủ đầu tư phải sửa chữa, khắc phục những yếu kém trước đây.
DiaOcOnline.vn - Theo Hải Quan