Chưa được cấp phép xây dựng nhưng chủ đầu tư dự án 3.300 tỷ đồng đã rao bán biệt thự, căn bộ, dựng rào chắn bít lối đi xuống biển của dân cư. Nghiêm trọng là dự án đã gần 8 năm nhưng “án binh bất động”, đã được sang bán, chuyển nhượng chóng vánh…
Ai quy hoạch, chỉ đạo chuyển nhượng dự án Nam Ô?
Dự án du lịch sinh thái Nam Ô (Lancaster Nam Ô Resort & Spa) được phê duyệt quy hoạch năm 2008 trên diện tích hơn 43,2ha. Ngày 11-3-2010, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng là Trần Văn Minh ký văn bản đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Công ty CP thương mại du lịch đầu tư Cù Lao Chàm (gọi tắt là Cty Cù Lao Chàm, trụ sở P.Cửa Đại, TP.Hội An, Quảng Nam) sang Cty CP tập đoàn Trung Thủy (số 60-62 Đông Du, P.Bến Nghé, Q.1, TPHCM; bà Dương Thanh Thủy làm Chủ tịch HĐQT).
Ngày 17-9-2010, ông Minh ký quyết định (QĐ) 7101/QĐ-UBND quy định giá đất để thu tiền đất dự án đối với Cty Trung Thủy. Ngày 29-9-2010, Cty quản lý và khai thác đất Đà Nẵng (bên A) và Cty CP Tập đoàn Trung Thủy (bên B) ký hợp đồng giao đất có thu tiền sử dụng đất trị giá 70 tỷ đồng: Bên A giao quyền sử dụng đất 100.000m2 (10ha) đối với giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp với giá 700 nghìn đồng/m2 cho bên B. UBND TP.Đà Nẵng chịu chi phí đền bù, giải tỏa và bố trí tái định cư.
Phối cảnh dự án Lancaster Nam Ô Resort&Spa (Khu du lịch sinh thái Nam Ô) trị giá 3.300 tỷ đồng. |
Ngày 21-10-2010, Sở KH&ĐT Đà Nẵng cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Cty CP Trung Thủy – Đà Nẵng (P.Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) với vốn điều lệ 6 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập là gia đình “đại gia” Dương Thanh Thủy gồm: bà Thủy với 306.000 cổ phần; ông Nguyễn Văn Trung (ngụ 58 Mạc Thị Bưởi, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) với 15.000 cổ phần và ông Nguyễn Trung Tín với 144.000 cổ phần.
Ngày 15-11-2010, ông Trần Văn Minh ký văn bản đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư dự án từ Cty Trung Thủy sang Cty CP Trung Thủy - Đà Nẵng. Ngày 24-11-2010, Cty Trung Thủy - Đà Nẵng nộp 63 tỷ đồng do được miễn giảm 10% tiền sử dụng đất.
Từ tờ trình của Cty CP Trung Thủy – Đà Nẵng và đề nghị của Sở Xây dựng, ngày 22-3-2014, ông Văn Hữu Chiến – Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ký QĐ số 1756/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh chi tiết dự án, điều chỉnh quy mô, chức năng hạng mục các công trình cho phù hợp với khu du lịch sinh thái. Cụ thể: đất công trình thương mại dịch vụ từ 5.794m2 còn 5.516m2; khu khách sạn 16.862m2 còn 10.000m2; biệt thự 40.180 tăng lên 63.659m2; khu resort 64.628m2 và sân golf 17.459m2 đều xuống còn 0m2; đất căn hộ điểm nhấn từ 0m2 tăng lên 4.934m2; khu chòi Bungalow (kiểu nhà…) từ 0m2 tăng lên 5.786m2; khu Spa sinh thái từ 0m2 tăng lên 5.812m2…
Trong khi đó, các hạng mục cộng đồng, di tích, tâm linh bị giảm nhiều, xóa bỏ hoặc tăng rất ít: gềnh đá Nam Ô 49.040m2 chỉ còn 8.009m2; bãi cát 49.647m2, lăng miếu 504m2, đất đảo nổi 4.418m2 còn 0m2...
QĐ nêu điều chỉnh bố cục lại các miếu bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn và lăng Ông Ngư cho phù hợp. Nhưng nếu theo quy hoạch thì sẽ tiến hành cày xới, thu gom các điểm di tích lịch sử, văn hóa rất liêng thiêng rồi cho vào khu đất hơn 500m2 ở gần khu dân cư…
Mong mỏi giữ lấy hồn cốt Nam Ô
Như Báo Công an TP.HCM đã thông tin, ngày 20-3-2018, Cty CP Trung Thủy - Đà Nẵng xây rào chắn kiên cố quanh dự án Lancaster Nam Ô Resort&Spa, bít lối đi xuống biển ghềnh Nam Ô để chuẩn bị thi công. Người dân địa phương bức xúc phản ứng, đề nghị không được bít lối đi này.
Ông Trương Quang Nghĩa - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ngày 22-3 đi kiểm tra, yêu cầu dỡ rào chắn, chặn lối đi. “Bờ biển là của cộng đồng, không thể giao hết cho doanh nghiệp được”, ông Nghĩa nói. Chủ đầu tư buộc phải thực hiện và cùng với người dân tháo dỡ hàng rào, mở lại lối đi. Bí thư Thành ủy yêu cầu lãnh đạo các Sở, banh ngành rà soát, kiểm tra lại dự án này, lý do dự án chậm triển khai, chưa được cấp phép và xem xét điều chỉnh dự án.
Ông Trương Quang Nghĩa – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng kiểm tra thực tế, yêu cầu rà soát, chỉ đạo điều chỉnh dự án. |
Bà con ủng hộ xây dự án nhưng không thể quy hoạch phá vỡ hết hồn cốt của làng, phá vỡ cảnh quan, chiếm giữ không gian công cộng. Ngôi làng cổ Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân cùng với các di tích lịch sử, văn hóa gắn rất liêng thiêng như miếu bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn, lăng Ông Ngư, giếng Chăm cổ… hàng trăm năm tuổi là hồn cốt đã tồn tại ổn định qua bao trầm tích, phong ba của thời gian, của thiên nhiên.
Và còn nhiều địa điểm thiên nhiên, bãi biển, ghềnh đá đẹp mê hồn, hoang sơ được đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước tham quan, chiêm ngưỡng có nguy cơ bị ngăn chặn, xâm lấn bới dự án. Hồn cốt lịch sử, văn hóa ấy đang bị đe dọa, bị nhốt bởi dự án khủng với các khu khu biệt thự, resort, sân golf, khu giải trí…
Một cán bộ Sở KH&ĐT Đà Nẵng khẳng định: “Hiện Sở không có hồ sơ, giấy tờ nào về dự án, chủ trương đầu tư của dự án. Qua rà soát được biết dự án mới chỉ có hợp đồng thuê đất giữa Sở TN&MT với chủ đầu tư. Tuy nhiên hợp đồng thuê đất này chúng tôi cũng chưa có mà vừa rồi đại diện Cty Trung Thủy – Đà Nẵng có cho xem qua bản photo. Theo quy trình thì doanh nghiệp phải nộp hồ sơ ở bộ phận 1 cửa sau đó đưa về Phòng của Sở rồi thẩm tra, xác minh và trình lãnh đạo thành phố xem xét”.
Ông Đàm Quang Hưng – Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu khẳng định: “Năm 2010, quận thực hiện theo chỉ đạo của thành phố đã tiến hành thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án. Hiện chủ đầu tư đang làm các thủ tục để được cấp phép xây dựng”.
Điều đáng nói, từ khi được giao dự án đến nay đã 8 năm nhưng trong tình trạng án binh bất động nhưng rao bán trên mạng đất nền, biệt thự, căn hộ kiểu mẫu, chủ đầu tư chỉ dựng hàng rào quanh dự án, bít lối đi xuống biển của người dân địa phương; chính quyền và các cơ quan chức năng cũng chưa có động thái nào để xử lý như nhắc nhở, điều chỉnh dự án, thu hồi đất…
Hàng rào mà chủ đầu tư dựng lên quanh đất dự án, chắn các đường đi xuống biển của dân
DiaOcOnline.vn - Theo CA TPHCM