Công trình khách sạn Mường Thanh xuất hiện sừng sững ngay giữa vị trí trung tâm TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) từ nửa năm nay nhưng tới ngày 8-12 vẫn chưa có giấy phép xây dựng.
Khách sạn Mường Thanh xây không phép tại 81 Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) Ảnh: Thái Thịnh
|
Khách sạn Mường Thanh được xây dựng tại 81 Nguyễn Tất Thành (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) dù chưa có giấy phép - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Một số sai phạm trong xây dựng của Mường Thanh
* Mường Thanh Khánh Hòa:
xây vượt quy hoạch
Liên quan đến việc công trình Mường Thanh Khánh Hòa (gần cầu Trần Phú, TP Nha Trang, Khánh Hòa) xây vượt tầng, chiều 8-12 một lãnh đạo Sở Xây dựng Khánh Hòa khẳng định “về nguyên tắc Mường Thanh Khánh Hòa phải cắt ngọn các tầng xây vượt”.
Theo vị này, cuối tháng 10-2016, Mường Thanh Khánh Hòa nhận được quyết định điều chỉnh giấy phép xây dựng do Sở Xây dựng ban hành. Theo đó, công trình này phải xây dựng với quy mô 40 tầng cho phù hợp với quy hoạch chung của TP Nha Trang đến năm 2025, trong khi công trình đã xây vượt lên 43 tầng.
Theo đại diện doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên tại Khánh Hòa (chủ đầu tư), sau khi nhận được quyết định điều chỉnh giấy phép của Sở Xây dựng, hiện mọi hoạt động thi công của công trình này đang tạm ngưng để chờ quyết định của các cơ quan chức năng.
Như Tuổi Trẻ thông tin, ngày 9-9 Sở Xây dựng Khánh Hòa ra quyết định thu hồi giấy phép của Mường Thanh Khánh Hòa vì vi phạm xây dựng vượt trần so với quy hoạch chung. Tuy nhiên, doanh nghiệp này không nộp lại giấy phép mà có đơn khiếu nại đến nhiều nơi vì cho rằng mình được cấp phép xây dựng đến 48 tầng.
Trong buổi họp thông tin về các vi phạm của công trình này, ông Lê Văn Dẽ - giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa - cho biết tháng 10-2014, sở cấp giấy phép xây dựng và sau đó cấp phụ lục điều chỉnh cho phép chủ đầu tư được xây công trình Mường Thanh Khánh Hòa tới 47 tầng nổi và hai tầng hầm.
Nhưng ngày 6-12-2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của phó thủ tướng Hoàng Trung Hải (nay là bí thư Thành ủy Hà Nội) yêu cầu UBND tỉnh Khánh Hòa chấp hành nghiêm quyết định của Thủ tướng Chính phủ (các tòa nhà
được xây tối đa 40 tầng).
Theo ông Dẽ, sau khi có chỉ đạo của phó thủ tướng, chính Mường Thanh cam kết chỉ hoàn thiện từ tầng thứ 39 trở xuống tầng hầm và được tỉnh đồng ý. Thế nhưng chủ đầu tư lại âm thầm xây dựng lên các tầng 40, 41 và đổ trần tầng 42.
Cũng ở Khánh Hòa, tháng 6-2013, dự án khách sạn đầu tiên của doanh nghiệp tư nhân số 1 Điện Biên là khách sạn, căn hộ Mường Thanh Nha Trang (P.Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) đã ngang nhiên san lấp bãi biển để làm bãi tắm nhân tạo, xâm phạm đến danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang.
Ngoài ra, dự án tổ hợp khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Nha Trang Centre (60 Trần Phú, TP Nha Trang) cũng có những vi phạm về xây vượt trần.
* Khách sạn Mường Thanh
Mũi Né: xây sai phép 3 tầng
Năm 2014, Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận đề nghị UBND tỉnh phạt chủ đầu tư công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né 1 tỉ đồng do tái phạm nhiều lần không chấp hành việc đình chỉ thi công do xây dựng trái phép.
Khách sạn này được cấp phép xây bốn tầng do Công ty Đồng Ngân làm chủ đầu tư, mua lại dự án, Tập đoàn Mường Thanh xây khách sạn đến bảy tầng.
Trước việc xây dựng trái phép của Tập đoàn Mường Thanh, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận thời bấy giờ có nhiều ý kiến khác nhau trong việc xử lý sai phạm, nên UBND tỉnh Bình Thuận giao Sở Xây dựng chủ trì giải quyết.
Ngày 27-8-2014, sở có báo cáo gửi UBND tỉnh đề xuất xem xét chấp thuận cho tồn tại công trình khách sạn Mường Thanh Mũi Né, chủ đầu tư phải điều chỉnh nội dung giấy phép xây dựng, xử phạt 1 tỉ đồng.
Sau đó giấy phép xây dựng của khách sạn Mường Thanh Mũi Né được điều chỉnh và khách sạn này tồn tại hợp pháp.
* TP.HCM: cho phép một đằng làm một nẻo
Đầu năm 2014, doanh nghiệp tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên được Sở Xây dựng TP.HCM cấp phép khoan thăm dò địa chất khu đất ở số 8A Mạc Đĩnh Chi (P.Bến Nghé, Q.1) có thời hạn. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại tổ chức thi công các tầng hầm và sàn tầng 1 khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện khởi công công trình.
Sự việc được UBND P.Bến Nghé phát hiện, ra quyết định đình chỉ thi công nhưng đơn vị thi công và chủ đầu tư không chấp hành. Các cơ quan chức năng phải dùng biện pháp mạnh, buộc công nhân rời khỏi công trình.
Sau đó, hồ sơ xin phép xây dựng của công trình 8A Mạc Đĩnh Chi được Sở Xây dựng TP.HCM cấp giấy phép xây dựng với công năng tòa nhà văn phòng, khách sạn. Doanh nghiệp này cũng bị buộc phải tháo dỡ một phần công trình xây dựng không phù hợp với thiết kế theo giấy phép xây dựng mới.