Hiện có 26.125 dự án trên tổng số 38.420 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát. |
Thấy gì từ báo cáo tổng hợp công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2011 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện mới đây?
Nhiều đơn vị làm cho có
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến ngày 10/3/2012, đã nhận được báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2012 của 110/124 cơ quan, đạt tỷ lệ 88,7%.
Cụ thể, đã có 62/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm báo cáo (98,41%); tương tự có 23/32 cơ quan Bộ và tương đương (71,88%); 7/9 cơ quan thuộc Chính phủ (77,78%) và 18/20 tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 (90%).
Tỉ lệ các cơ quan gửi báo cáo thấp hơn so với năm 2010. Năm 2010, đã có 112 cơ quan gửi báo cáo, đạt 90,3%: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương 93,7%; các cơ quan bộ và tương đương 81,3%; tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 là 100%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung nội dung, chất lượng các báo cáo đã đề cập tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, tại một số cơ quan, bộ phận tổng hợp vẫn chưa hiểu đúng và chưa nắm bắt được vấn đề nên tình trạng sai sót, số liệu báo cáo thiếu tính hợp lý vẫn còn tồn tại.
Báo cáo của một số cơ quan chưa đúng mẫu yêu cầu, nội dung chưa đầy đủ, không đầy đủ phụ biểu, phụ biểu được lập không theo mẫu quy định, thiếu số liệu để tổng hợp; các số liệu trong biểu tổng hợp còn sai sót về mặt số học và không đảm bảo độ chính xác, số liệu không thống nhất giữa các phần và các phụ biểu… dẫn tới hạn chế trong việc phân tích, đánh giá tình hình đầu tư chung của cả nước và chưa đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của công tác giám sát, đánh giá đầu tư.
Tổng hợp số liệu báo cáo đã gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, hiện có 26.125 dự án trên tổng số 38.420 dự án đầu tư (các nhóm A, B, C) sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên thực hiện đầu tư trong kỳ có báo cáo giám sát, chỉ đạt tỉ lệ 68%, dù có cải thiện so với các kỳ báo cáo trước.
Theo báo cáo của các cơ quan nhận được thì chất lượng báo cáo của nhiều chủ đầu tư gửi đến các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu, chưa báo cáo đầy đủ các nội dung theo quy định, nhiều chủ đầu tư không báo cáo theo quy định hoặc có báo cáo nhưng mang tính hình thức, thiếu các thông tin chi tiết, nên báo cáo tổng hợp của các bộ, ngành và địa phương cũng không đủ các số liệu cụ thể.
Qua tổng hợp tình hình và kết quả công tác giám sát, đánh giá đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91 phải thực hiện nghiêm việc xử lý hành vi vi phạm các quy định về báo cáo giám sát, thẩm định đầu tư.
Đối với các cơ quan không gửi báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư, bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiểm điểm, báo cáo về nguyên nhân, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan; có giải pháp chấn chỉnh bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và nội dung báo cáo theo quy định.
Chậm tiến độ
Bản báo cáo cho thấy tình hình chậm tiến độ diễn ra tại khá nhiều dự án đầu tư sử dụng 30% vốn nhà nước trở lên.
Cụ thể, trong năm 2011 có 4.436 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,55% số dự án thực hiện trong kỳ. “Việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế”, báo cáo viết.
Năm 2011 cũng là năm phát hiện 100 dự án có vi phạm quy định về thủ tục đầu tư; 47 dự án vi phạm về quản lý chất lượng; 145 dự án có thất thoát, lãng phí. So với năm 2010, số dự án vi phạm có dấu hiệu suy giảm.
Cũng trong năm 2011, có 145 dự án có thất thoát, lãng phí được phát hiện, chiếm 0,38% tổng số dự án thực hiện đầu tư trong kỳ và 1.034 dự án phải ngừng thực hiện, chiếm 2,69% tổng số dự án đang thực hiện trong kỳ.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, số liệu báo cáo của 110/124 cơ quan cho thấy trong năm 2011 có 2.860 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong kỳ, với tổng số vốn đăng ký đầu tư là 1.491.186 tỷ đồng, bình quân 521,39 tỷ đồng/dự án.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, đánh giá 4.466 dự án đầu tư đã phát hiện có 316 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư; 30 dự án có vi phạm về bảo vệ môi trường, 68 dự án có vi phạm về sử dụng đất; 67 dự án có vi phạm về quản lý tài nguyên; đã thu hồi 338 giấy chứng nhận đầu tư, chiếm 7,57% tổng số dự án được kiểm tra, đánh giá.
DiaOcOnline.vn - Theo DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy