Nhiều dự án "lụt" tiến độ

Cập nhật 23/12/2009 08:30

Không chỉ chủ đầu tư các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn, mà cấp chính quyền địa phương hiện cũng rất lúng túng trong thúc đẩy tiến độ các dự án FDI.

Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây được cấp giấy phép từ tháng 2/2006. Ảnh: S.T


Trong ngày đầu tuần này, cuộc làm việc giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội với chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây diễn ra khá căng thẳng.

“Nút thắt” giải phóng mặt bằng tiếp tục ngáng trở tiến độ Dự án khi có những thay đổi lớn về giá đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định tại Nghị định 69/NĐ-CP (quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư).

Với sự thay đổi về đơn giá đền bù, giải toả, tổng kinh phí dành cho đền bù giải phóng mặt bằng của Dự án đã lên tới 7.600 tỷ đồng, tăng khoảng 2.000 tỷ đồng so với tính toán trước đây.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư ngay sau khi buổi làm việc kết thúc, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết, điều quan trọng nhất là chủ đầu tư đã cam kết sẽ phối hợp với Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. "Chủ đầu tư đã đồng ý đề xuất của Hà Nội về việc ứng trước khoản kinh phí giải phóng mặt bằng. Khoản kinh phí này sẽ được trừ vào số tiền thuê đất của Dự án", ông Tứ nói và cho biết, việc thuyết phục nhà đầu tư thực hiện theo cơ chế này không đơn giản, vì không có quy định thống nhất trong hệ thống văn bản pháp lý liên quan.

Như vậy, khu đô thị hiện đại, mang phong cách Hàn Quốc nằm bên bờ Hồ Tây với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 314 triệu USD của tổ hợp 5 công ty xây dựng của Hàn Quốc (gồm Công ty Daewoo Engineer & Construction Co., Ltd; Daewon Co., Ltd; Dong IL Highvill Co., Ltd; Keangnam Enterprises Ltd và Kolon Engineering & Construction Co., Ltd) được cấp giấy phép từ tháng 2/2006 bắt đầu có thêm tín hiệu sáng sủa.

Cũng phải nói rằng, trước đó, vào tháng 4/2008, quy hoạch chi tiết trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây với tổng diện tích hơn 210 ha đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt và công bố. Tuy nhiên, từ đó tới nay, công tác giải phóng mặt bằng hầu như không có tiến triển nào đáng kể.

Như vậy, có thể thấy, sự quyết tâm của chủ đầu tư trong việc đẩy nhanh tiến độ Dự án, vì theo quy định, phần trách nhiệm giao đất sạch cho Dự án thuộc về chính quyền địa phương. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc Dự án vào năm 2020 (đã được điều chỉnh so với thời hạn năm 2014 được xác định vào năm 2006) có thể sẽ lại phải điều chỉnh tiếp.

Việc điều chỉnh tiến độ chắc chắn cũng sẽ là phần việc phải làm nếu vào thời điểm 5/1/2010, phía nước ngoài trong liên doanh Dự án Khu liên hợp Thép Cà Ná là Tập đoàn Lion (Malaysia) có văn bản trả lời chính thức về việc có tiếp tục dự án này hay không.

Dự án với quy mô vốn lên tới 9,8 tỷ USD sau khi được động thổ vào tháng 11/2008 với kế hoạch sẽ hoàn thành việc xây dựng nhà máy thép cuộn nóng với công suất 4,5 triệu tấn/năm vào cuối năm 2010 (giai đoạn 1) đã "treo" suốt từ đó đến nay.

Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết, trách nhiệm của địa phương trong giải phóng mặt bằng và giao đất cho Dự án đã xong. Vấn đề còn lại là khả năng tài chính thực hiện Dự án của chủ đầu tư.

"Trong buổi làm việc tuần trước với đại diện Tập đoàn Lion, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được mong muốn tiếp tục đầu tư Dự án. Phía Lion đang vận động ngân hàng nước ngoài tham gia cấp vốn thực hiện Dự án. Tuy nhiên, câu trả lời cuối cùng phải đợi tới ngày 5/1/2010, thời hạn cam kết trả lời của phía Tập đoàn Lion với UBND tỉnh Ninh Thuận", một chuyên gia Sở Kế hoạch và Đầu tư Ninh Thuận cho biết.

Tháng 1/2010 cũng là thời điểm mà chủ đầu tư Dự án Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Núi Pháo - VICA) lên kế hoạch báo cáo cập nhật các hoạt động của Dự án theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Liên doanh Núi Pháo - VICA cho biết, thời điểm đề nghị báo cáo của Bộ Tài Nguyên và Môi trường là khoảng tháng 2/2010, tuy nhiên, Công ty đang triển khai mọi việc để có báo cáo sớm. "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đầu tư lâu dài và sẽ có báo cáo về lịch trình hoạt động theo đúng yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường", ông Tuấn khẳng định và cho biết, tổng vốn đầu tư cần thiết của Dự án hiện khoảng 391 triệu USD.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư