Nhiều dự án giao thông “rùa”

Cập nhật 05/09/2010 09:05

Nhiều dự án được triển khai để “chia lửa” áp lực giao thông cho các cửa ngõ chính đang quá tải nhưng hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Giao thông ở các cửa ngõ chính ra vào TPHCM hiện đang quá tải, như xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 13, đường Cộng Hòa, Trường Chinh, Kinh Dương Vương... Vì thế, cửa ngõ phụ được xem là để sẻ chia áp lực giao thông cho các cửa ngõ chính, tuy nhiên các cửa ngõ phụ cũng đang rất nhỏ hẹp và đầu tư chưa đồng bộ.


Ngày 4-9, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TPHCM tổ chức lễ hoàn thành công trình cầu Bình Triệu 1 (phải) sau 15 tháng sửa chữa. Cầu Bình Triệu 1 có hai làn ô tô (rộng 7 m) và một làn xe máy (rộng 3,5 m), góp phần quan trọng giải tỏa áp lực giao thông cửa ngõ phía Đông Bắc TP. Ảnh: Tấn Thạnh

Tiền thiếu, mặt bằng vướng


Theo Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Khu 3) - Sở GTVT TPHCM, đường song hành Hà Huy Giáp, dài 4 km được xem là cửa ngõ phía Bắc vào TP từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Nguyên thông qua cầu Phú Long. Hiện tại, chỉ mới có chủ trương cho đầu tư tuyến này bằng hình thức BOT kết hợp BT với số vốn 2.500 tỉ đồng, do đó khoảng một năm nữa khi cầu Phú Long hoàn thành, giao thông khu vực này chưa thể khai thác được tối đa vì cầu - đường bị... khập khiễng.

Thêm một trục đường nối phía Bắc TPHCM với tỉnh Bình Dương là Tỉnh lộ 9. Tuyến đường này chỉ rộng 5-6 m, được xem là trục đường xương sống của hai huyện Củ Chi và Hóc Môn. Tuy nhiên, hàng chục cây cầu trên tuyến đường này có tải trọng 8 tấn khiến giới tài xế lo sợ, nếu có bất trắc chắc chắn giao thông sẽ đình trệ nghiêm trọng.

Trong khi đó, do việc nâng cấp mở rộng Tỉnh lộ 9 cần quá nhiều tiền nên Khu 3 phải đầu tư... ngắt khúc, nâng cấp 10 cây cầu trước rồi đầu tư phần đường sau. Như vậy, phải mất ít nhất vài năm nữa Tỉnh lộ 9 mới được nâng cấp đúng với tầm quan trọng của nó.

Thêm hai dự án nữa có tầm quan trọng tháo gỡ giao thông cho khu vực cửa ngõ phía Tây Nam TP là Tỉnh lộ 10 và Tỉnh lộ 10B. Cả hai tuyến đường này đều là trục giao thông quan trọng nối huyện Đức Hòa, tỉnh Long An với đường N2 (một phần đường Hồ Chí Minh) của TPHCM. Thế nhưng, tiến độ hoàn thành đang chững lại do vướng đền bù giải phóng mặt bằng và thiếu vốn đầu tư.

Quốc lộ 50 là cửa ngõ phía Nam vào TPHCM, nối tỉnh Long An và Tiền Giang. Hiện tại đã có dự án nâng cấp nhưng công tác giải phóng mặt bằng quá chậm, đến nay vẫn chưa đáng kể. Tuy lượng người đi không nhiều nhưng đứng trước tình trạng xuống cấp trầm trọng của tuyến đường này, nhiều người đã chọn phương án đi Quốc lộ 1A để không phải chạy xe máy mà như cưỡi ngựa. Điều này đã làm tăng thêm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1A - vốn đã quá tải.

“Siêu” cửa ngõ, siêu... chậm

Hệ thống các đường cao tốc vào TPHCM được xem là các “siêu” cửa ngõ vì năng lực thông xe lớn, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại từ TPHCM với các tỉnh. Thế nhưng, đến nay mới có đường cao tốc TPHCM - Trung Lương được đưa vào sử dụng. Còn các tuyến cao tốc khác như TPHCM - Long Thành - Dầu Giây chỉ mới khởi động gần đây.

Hai dự án đường cao tốc khác là đường cao tốc liên vùng phía Nam TPHCM - Long An - Đồng Nai và đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài cũng chỉ mới rục rịch, chưa có nhiều bước tiến đáng kể. Khi các tuyến này hình thành, các tuyến đường cửa ngõ của TP sẽ được giảm tải đáng kể. Tuy nhiên, mặt bằng chung cho thấy để các tuyến này nên hình hài phải mất một thời gian không ngắn.

Các tuyến đường sắt đô thị, đường trên cao, monorail và xe điện mặt đất không phải là “siêu” cửa ngõ nhưng mang tính chất “siêu” vận tải, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông rất lớn ở nội ô TP.

Trong quy hoạch giao thông của TPHCM, từ nay đến năm 2020, phải xây dựng 6 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất, monorail.

Trong đó có 4 đoạn tuyến metro gồm Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Bến xe Miền Đông - vòng xoay Phú Lâm, ngã sáu Gò Vấp - Khánh Hội đặc biệt quan trọng vì giải quyết được ùn tắc giao thông trước mắt cũng như tạo thành mạng cơ sở để phát triển toàn bộ hệ thống metro cho TP. Tổng chiều dài của 4 đoạn tuyến này khoảng 56 km, nếu được ưu tiên phát triển sẽ phát huy hiệu quả ngay và cả trong giai đoạn trung hạn.

Thế nhưng xét về tiến độ, đến nay mới chỉ có tuyến Bến Thành - Tham Lương và tuyến Bến Thành - Suối Tiên khởi công xây dựng depot (có chức năng bảo dưỡng, vận hành, khai thác và đào tạo).

Ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết nếu suôn sẻ thì đến năm 2016, TP mới có được tuyến metro đầu tiên. Còn các tuyến khác chỉ mới nằm trên giấy hoặc nằm... đợi vốn!

Như vậy, người dân TP chỉ có thể trông đợi vào các “siêu” cửa ngõ và “siêu” vận tải trong tương lai, ít nhất là 6 năm nữa, để giải tỏa tình trạng kẹt xe cho TPHCM.

Đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông

Ông Lê Minh Triết, Phó Phòng Quản lý Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ Sở GTVT TPHCM, cho biết việc hoàn thành sửa chữa đưa vào sử dụng cầu Bình Triệu 1 và 2 góp phần giảm áp lực giao thông cho khu vực đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Đinh Bộ Lĩnh - Quốc lộ 13 - Kha Vạn Cân.

Bên cạnh đó, cầu Hoàng Hoa Thám được thông xe sau 12 năm xây dựng giúp cho giao thông khu vực Võ Thị Sáu - Hai Bà Trưng - Trần Quang Khải - Đinh Tiên Hoàng thông thoáng hơn, đồng thời “cứu” cầu tạm Trần Khánh Dư khỏi bị kẹt xe vào mùa tựu trường.

Ngoài ra, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cũng đang nghiên cứu tổ chức lại giao thông cho một số khu vực: Lê Quang Định - Phan Văn Trị - Nguyễn Văn Nghi; Trường Chinh - Cộng Hòa và các đường ngang quanh khu này. Mới đây, đường Nguyễn Văn Cừ cũng đã được mở rộng ra 4 m bằng cách vạt vỉa hè để xe từ các trường học ở khu vực này lưu thông thuận tiện hơn.

Theo dự kiến, trong tháng 9-2010, Sở GTVT sẽ đưa vào sử dụng cầu Đa Khoa tạo thuận lợi cho giao thông trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7), kết hợp với việc đưa vào hoạt động nút giao khu A (thuộc đường nối lên cầu Phú Mỹ) sẽ giải quyết giao thông cho đường Nguyễn Văn Linh, từ đường Huỳnh Tấn Phát đến khu vực “nóng” Khu Chế xuất Tân Thuận, quận 7.

Trên xa lộ Hà Nội, cầu Suối Cái cũng sẽ được đưa vào sử dụng ngày 8-9, cùng với việc chấn chỉnh việc dừng đậu xe buýt ở khu vực Suối Tiên và sự kiện thông xe cầu Rạch Chiếc vào cuối năm nay sẽ giúp giao thông trên tuyến cửa ngõ này thông suốt hơn.

Ở cửa ngõ phía Tây, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4 sẽ tiến hành nạo vét cống và thảm nhựa để cải thiện nút giao Bình Thuận, đồng thời yêu cầu Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thoát nước để gỡ nút thắt giao thông ở cửa ngõ này.

Ngoài ra, Sở GTVT còn lập danh sách các “lô cốt” nằm ở các giao lộ có lưu lượng giao thông đông để theo dõi và hỗ trợ nhà thầu trong công tác thi công. Trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh thi công các “lô cốt” ở khu vực ngã tư Bảy Hiền, ngã tư Phú Nhuận và “lô cốt” dưới chân cầu Bông.

Hiện tại, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cũng tiến hành lập quy hoạch tổ chức giao thông đô thị trong khu trung tâm, trong đó sẽ có quy hoạch phố đi bộ, những tuyến đường cấm xe hai bánh, phân luồng giao thông, bảng quảng cáo điện tử phục vụ giao thông, hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt... Khi quy hoạch này hoàn thành, giao thông ở khu trung tâm sẽ được cải thiện đáng kể.
 

 

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động