Nhiều dự án BĐS khởi động sau Tết

Cập nhật 12/02/2008 13:00

Sau sự leo thang của giá cả đầu năm 2008, thị trường BĐS được kỳ vọng sẽ đi vào phát triển lành mạnh với sự khởi đầu của hàng loạt dự án lớn ngay sau Tết.

Theo một số chuyên gia bất động sản, sự yên ắng trong khoảng thời gian tháng 12-2007 và tháng đầu tiên của năm 2008 không có nghĩa là thị trường đang thiếu hàng. Trên thực tế, các chủ đầu tư đã chuẩn bị khá nhiều hàng cho năm nay và họ để dành để tung ra ngay sau Tết - thời điểm vốn được hy vọng sẽ giúp "mua may, bán đắt" trong năm.

Tương tự, sự "làm mưa làm gió" của phân khúc dự án căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê cũng được dự báo ít có khả năng tiếp tục vì sau Tết, nguồn cung sẽ tăng cao, với thống kê sơ bộ hơn chục ngàn căn hộ và văn phòng sẽ được đưa ra hai thị trường sôi động nhất là Hà Nội và TPHCM.

Nhộn nhịp dự án khu cao ốc phức hợp

Tại Hà Nội, hai dự án văn phòng cho thuê sẽ mở cửa hoạt động trong quý I này là VietTower (đường Thái Hà với 11.000m2 văn phòng) và Sun City (đường Hai Bà Trưng với 6.000m2 văn phòng).

Ngoài ra, một loạt các dự án mới là các tổ hợp đa chức năng cũng được "điểm mặt kể tên" như Kaengnam Ha Noi Landmark Tower( 70 tầng), The Landmark (65 tầng), Financial Tower (35 tầng), Orix Building (30 tầng), CEO Tower (27 tầng), APEX Building (27 tầng), Hà Nội Plaza (27 tầng), Crown Plaza (21 tầng) và Hà Nội Indochina Plaza (21 tầng).

Đối với phân khúc thị trường căn hộ cho thuê, 500 căn hộ thuộc 4 dự án Somerset Hoà Bình, Fraser Suites Hanoi, Skyline và Atlanta cũng được chào hàng ngay sau Tết này. Tuy nhiên, theo dự báo của công ty tư vấn bất động sản CBRE Việt Nam, giá thuê có thể tăng mạnh cùng với lượng người nước ngoài đến Hà Nội làm việc và sinh sống tăng nên tỷ lệ phòng trống sẽ sớm xuống mức rất thấp, khoảng 5%.

Điều đáng chú ý là trong thời gian sắp tới, một dự án đô thị vệ tinh trị giá 6 tỉ đô la Mỹ sẽ chính thức khởi động. Eco Park do Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư có diện tích lên tới 500 héc ta tại Hưng Yên (nằm trong quy hoạch vùng Thủ đô). Dự án này cũng được xem là khu đô thị có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay tại Hà Nội.

Ngoài ra, nhiều tập đoàn bất động sản trong nước khác như Petro Land, Hud Land, Lilama Land, EVN Land, Viglacera Land…cũng đang chuẩn bị nguồn lực cho những dự án lớn nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, đa số các dự án nhà, đất khởi động trong thời gian tới tập trung tại khu vực Mỹ Đình, Hà Tây.

Một trong những nguyên nhân của việc này là do Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi hành chính lên 3.200km2 về hướng Tây, gấp 3 lần hiện tại. Hơn nữa, quĩ đất tại Hà Tây còn nhiều, cơ sở hạ tầng tương đối tốt. Vì vậy, khu vực Mỹ Đình - vốn được định hướng phát triển thành trung tâm thứ hai của Hà Nội này sẽ càng thêm “nóng” trong thời gian tới.

Hiện một dòng vốn lớn đang đổ vào khu vực này để phát triển hàng loạt các dự án bất động sản như The Garden, Financial Tower, Crown Plaza, Orix Plaza, Tháp APEX, tổ hợp Taisei, Keangnam Hanoi Lanmark Tower và nhiều dự án phức hợp có quy mô lớn khác.

Bên cạnh các khu văn phòng cho thuê, Mỹ Đình cũng là nơi tập hợp của các tổ hợp chung cư, trung tâm thương mại bán lẻ và khách sạn theo quy hoạch. Dự kiến, trong thời gian sắp tới, Mỹ Đình sẽ cung cấp thêm cho Hà Nội khoảng 300.000m2 văn phòng, các khách sạn 5 sao và nhiều dự án nhà ở, trung tâm thương mại lớn.

Đến với thị trường "nóng bỏng" không kém là TPHCM, một loạt các dự án cao ốc văn phòng, căn hộ cao cấp cũng đang được các nhà đầu tư chuẩn bị chào hàng đến người tiêu dùng. Có thể kể tên một số khu nhà ở cao cấp tại quận 2 như Estella, Préche Thảo Điền, tại quận 7 như Sky Garden III, Phú Long I, II và III, BMC Hưng Long, Hoàng Anh River View, Phú Hoàng Anh...

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, từ giữa năm nay cũng là thời điểm nhộn nhịp của các dự án căn hộ với nhiều dự án bước vào giai đoạn hoàn thiện như Saigon Pearl (Bình Thạnh), Hùng Vương Plaza (quận 5), Phú Mỹ, Hoàng Anh Gia Lai 2 (quận 7).

E ngại lạm phát nguồn cung

Hầu hết các dự án nhà, đất sắp bán ra đều thuộc phân khúc thị trường nhà ở cao cấp, nhắm vào giới thu nhập khá và những người đầu tư. Điều này cũng đưa đến lo ngại về sự lạm phát nguồn cung nhà ở cao cấp trong năm 2008.

Tuy nhiên, các nhà tư vấn bất động sản đã trấn an rằng lượng hàng trên sẽ không bung ra ồ ạt mà nhà đầu tư sẽ chào hàng từ từ và có khả năng kéo dài trong nhiều năm. Mặc dù có sự gia tăng nguồn cung nhưng giá cả có thể vẫn biến động.

Theo phân tích của Bộ Xây dựng, việc giá nhà đất tiếp tục tăng cao trong năm 2008 là điều chắc chắn. Tuy nhiên đó là những biến động để cân bằng giá giữa khu vực này với khu vực khác, hoặc đuổi giá để bắt kịp mặt bằng giá chung giữa những khu đô thị mới với những khu giá đã lên đến đỉnh điểm.

Một trong những yếu tố tác động đến giá nhà, đất là sự tăng nhanh tốc độ đô thị hóa. Theo số liệu thống kê từ Vụ Kiến trúc quy hoạch xây dựng (Bộ Xây dựng), tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam năm 1999 là 23,6%, năm 2004 tăng 25,8%, dự báo năm 2010 tăng lên 33%. Diện tích đất đô thị sẽ tăng từ 105.000 héc ta hiện nay lên đến 460.000 héc ta vào năm 2020.

Nhu cầu về nhà ở là vô cùng lớn khi phải đáp ứng cho số dân đô thị khoảng 23 triệu, dự kiến sẽ tăng lên 46 triệu người vào năm 2025. Trung bình mỗi năm Việt Nam phải phát triển thêm 35 triệu m2 nhà để phấn đấu đạt 20 m2 nhà ở/người tại đô thị vào năm 2020.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà (Bộ Xây dựng), khẳng định giá nhà đất trong năm 2008 sẽ tăng nóng. Một trong những lý do chính là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này sẽ tiếp tục tăng cao. Theo dự báo, tốc độ tăng trưởng của thị trường bất động sản năm 2008 sẽ đạt 20-30%.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển. Cụ thể, Luật Đất đai (2003), Luật Xây dựng (2003), Luật Nhà ở (2005), Luật Đầu tư (2005) và Luật Kinh doanh bất động sản (2006) cùng các nghị định hướng dẫn kèm theo đang hướng tới việc tạo ra một môi trường đầu tư lành mạnh.

Các chính sách cho phép Việt kiều được mua nhà, thời hạn thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài tăng lên 70 năm thay vì tối đa 50 năm, nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất 1 lần cho cả thời hạn thuê đất hoặc trả tiền thuê đất hàng năm, việc áp dụng mức giá cho thuê đất bình đẳng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài... dù ít hay nhiều cũng đang làm cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường bất động sản hấp dẫn nhất châu Á.

Một số dự án bất động sản tại Hà Nội gọi vốn đầu tư trong năm 2008

-Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (Long Biên)

- Khách sạn Quốc tế 5 sao (Trần Khát Chân)

- Tổ hợp toà nhà và văn phòng cho thuê 3,13 héc ta (Trần Khát Chân)

- Khu đô thị Nam Vân Trì 100 héc ta (Đông Anh)

- Khu đô thị bãi Tầm Xá 700 héc ta (Đông Anh)

- Trung tâm Thương mại Tài chính (Tây Hồ)


Theo TBKTSG